Từ khách hàng “VIP”…
Vừa qua, tòa soạn Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm nhận được đơn thư của chị Lê Thị Xuân Bích (SN 1981) và anh Trần Bá Thắng (SN 1993, cùng ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tố cáo Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) chi nhánh Đồng Nai đã làm trái quy định pháp luật, tự ý sử dụng tiền gửi của khách hàng, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo….
Theo chị Bích và anh Thắng, họ là khách hàng thường xuyên của Ngân hàng PVCombank chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Ngân hàng này xác định khách hàng VIP từ năm 2015 và chị Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) và Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên), là người thường xuyên liên lạc giải quyết các thủ tục ngân hàng, đưa giấy tờ cho khách hàng ký.
Chị Lê Thị Xuân Bích và anh Trần Bá Thắng đang có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng và báo chí về việc Ngân hàng PVCombank - chi nhánh tỉnh Đồng Nai về các sai phạm liên quan đến tiền gửi và tự ý sử dụng tiền gửi của khách hàng... |
Từ tháng 8/2018, chị Bích và anh Thắng đã mở tại ngân hàng này các sổ tiết kiệm là: 1897789, 1897836; 1897822; CC1010021 do chị Lê Thị Xuân Bích đứng tên và anh Trần Bá Thắng đứng tên các số tiết kiệm là : 1782045; 1782050; 1782048; 1782046; 1782049; 1782113; 1782111; 1782112; 1782223; 1782222; một sổ tiết kiệm online với tổng số tiền là 10, 647 tỷ đồng (làm tròn).
Sau đó, 2 nhân viên Vân và Hương còn huy động chị Bích và anh Thắng chuyển tiền từ các ngân hàng khác về với chế độ sẽ trả lãi cao hơn.
Cụ thể, ngày 07/06/2019 và 20/06/2019, chị Bích vay từ ngân hàng khác chuyển về PVCombank với tiền là 3 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng. Và số tiền 8,1 tỷ đồng do Bích vay ngoài nộp vào tài khoản tại ngân hàng PVCombank, cộng thêm 300 triệu đồng tiền mặt theo vận động của 2 nhân viên Vân - Hương. Tổng số tiền là 23, 151 tỷ đồng.
“Tại buổi làm việc ngày 20/8/2020 theo đơn khiếu nại của khách hàng, đại diện hội sở PVCombank xác nhận ngân hàng có nhận tiền gửi tiết kiệm của chúng tôi, số lượng sổ và số tiền là đúng”, đơn tố cáo thể hiện.
…đến nạn nhân
Từ các sổ tiết kiệm nói trên, chị Bích và anh Thắng được gọi là khách hàng “VIP” nên ngân hàng này có chế độ quản lý giúp sổ không mất phí và an toàn hơn tự giữ ở nhà. Tin tưởng nên chị Bích, anh Thắng đã giao cho ngân hàng giữ các sổ tiết kiệm.
“Việc giữ sổ tiết kiệm của chúng tôi là ngân hàng đã làm sai. Và từ cái sai này ngân hàng đã làm tổn thất tiền của chúng tôi gửi tại đây”, chị Bích cho hay.
Ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai |
Đến ngày 7/7/2019, khi chị Bích, anh Thắng có việc cần dùng tiền nên báo cho ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai để chuẩn bị rút tiền.
Nhưng được 2 nhân viên Vân và Hương nói: “Giám đốc ngân hàng đang yêu cầu chạy chỉ tiêu, rồi sau đó lại nói tiền của khách hàng đã phong tỏa và làm bảo lãnh nên tạm thời chưa tới hạn không được mở. Thế nhưng, khi chúng tôi yêu cầu ngân hàng cung cấp cho bảo lãnh thì 2 nhân viên Vân và Hương nói, khoản bảo lãnh này là bảo mật của ngân hàng và khoản bảo lãnh này của khách hàng doanh nghiệp, họ không có quyền tự ý lấy ra xem được”, đơn tố cáo nêu rõ.
Nghi ngờ việc làm của hai nhân viên này nên chị Bích, anh Thắng yêu cầu làm việc với giám đốc ngân hàng để làm rõ. Ngày 4/9/2019, 2 nhân viên Vân và Hương đưa chị Bích, anh Thắng vào phòng họp của ngân hàng.
Tại đây, 2 nhân viên này giới thiệu ông Trần Trung Nam - Giám đốc công ty TNHH đầu tư bất động sản Pearland và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư XNK Hoàng Kim, đều ở TP. HCM.
Nhóm 4 người này tiết lộ được ngân hàng lớn cấp cam kết giải ngân 700 - 800 tỷ đồng để mua các tài sản thế chấp quá hạn tại các ngân hàng tại: An Giang, Long An, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hóc Môn,… đồng thời đang làm dự án bất động sản lớn ở Quận 9, TP. HCM… Hai ông bà (ông Nam và bà Tâm) này cũng đang được này hỗ trợ tài chính để mua tài sản thanh lý, sau đó bán lại lấy chênh lệch.
Và tại đây, 2 nhân viên Vân và Hương cùng ông Nam và bà Tâm thuyết phục chị Bích cùng anh Thắng cầm cố tài sản của để hỗ trợ cho việc kinh doanh của họ. Lãi suất liên quan đến khoản cầm cố cùng thiệt hại về tài sản họ sẽ chịu trách nhiệm. Đồng thời, họ nói khoảng 1 tuần là xong, nếu không thì tiền đã gửi khó lấy được về sớm.
Vì nghĩ rằng hai nhân viên ngân hàng này là trưởng phòng, có chức vụ, họ đã được lãnh đạo ngân hàng giao quyền, và tin ông Nam - bà Tâm là khách hàng thân thuộc của ngân hàng này. Nên chị Bích và anh Thắng đã đem tài sản của mình để đưa họ cầm cố hỗ trợ thêm với hi vọng họ xong việc sớm hơn, tiền sớm lấy lại được.
Ngoài việc cầm cố tài khoản tiết kiệm tại PVCombank cho ông Nam và bà Tâm, trong thời gian từ ngày 5/8/2019 đến 25/3/2020, chị Bích và anh Thắng tiếp tục đưa thêm tiền mặt và tài khoản PVCombank cho 4 người trên với số hơn 43 tỷ đồng. Theo chị Bích số tiền này là từ việc cầm cố tài sản, vay nóng và chuyển từ khác ngân khác về PVCombank.
Khi chị Bích, anh Thắng nhận biết những giấy tờ liên quan đến dự án nhà ở tại Quận 9, TP. HCM, dự án mua lại nhà máy gạo tại An Giang, các hợp đồng ký giữa Công ty TNHH đầu tư địa ốc Pearland, Công ty cổ phần đầu tư XNK Hoàng Kim với các công ty khác đều là thông tin không có thật, không có cơ sở pháp lý nào thì sự việc đã quá trầm trọng. Lúc này, chị Bích, anh Thắng yêu cầu ngân hàng này công khai thông tin liên quan đến các giao dịch với ông Nam và bà Tâm thì ngân hàng từ chối.
Theo chị Bích và anh Thắng, đến nay tổng thiệt hại về tài sản do cầm cố bên ngoài lên đến 43,8 tỷ đồng và hơn 1,7 tỷ đồng tiền từ tài khoản ngân hàng khác chuyển qua. Các khoản vay này gồm vay “nóng” ngoài xã hội, vay từ ngân hàng khác để lấy lại tài sản, lãi suất phải trả do vay “nóng” và vay tại ngân hàng.
Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm, tiền trong tài khoản, vay ngoài và cầm cố tài sản, lãi ngoài phát sinh của bị hại hơn 68,67 tỷ đồng.
Được biết, đến nay phía Ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai vẫn chưa trả tiền lại cho khách hàng và khắc phục các hậu quả sai phạm. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ngan-hang-pvcombank-chi-nhanh-dong-nai-bi-khach-hang-to-lua-dao-a145036.html