Nhiều cặp vợ chồng 'tiền ai người đó tiêu'

Đối với thế hệ Millennials, khái niệm mở tài khoản tiết kiệm chung trong gia đình dường như đã lỗi thời. Ngày càng nhiều người lựa chọn tách biệt tài chính với bạn đời của mình.

Đối với thế hệ Millennials, khái niệm mở tài khoản tiết kiệm chung trong gia đình dường như đã lỗi thời. Ngày càng nhiều người lựa chọn tách biệt tài chính với bạn đời của mình.

Zing trích dịch bài đăng từ New York Times Market Watch, đề cập đến xu hướng độc lập tài chính giữa các cặp vợ chồng.

Theo truyền thống, kết hôn là lúc tài chính của vợ và chồng hợp về một mối. Tuy nhiên, ngày càng nhiều cặp vợ chồng thuộc thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) theo đuổi trào lưu “tiền ai người đó tiêu” với tỷ lệ cao gấp đôi thế hệ trước.

Taylor Hall, một nhân viên phát triển kinh doanh ở Washington D.C. (Mỹ), cho biết vợ chồng cô thống nhất quan điểm độc lập tài chính, ngay cả khi đứng trước thách thức tài chính của đại dịch.

Cặp vợ chồng Taylor Hall (phải) và Justin Kelly. Ảnh: Taylor Hall.

“Đối với tôi, đó là cảm giác độc lập. Nhiều phụ nữ ngoài kia cũng đi làm như đàn ông và đối mặt với khó khăn tương tự. Ai cũng đi làm và không có lý do gì để chung tiền cả. Thời nay, hiếm có gia đình nào chỉ có một người đi làm, trừ khi người đó kiếm tiền quá xuất sắc”, Taylor chia sẻ.

Đối với Millennials, khái niệm mở tài khoản tiết kiệm chung trong gia đình dường như đã lỗi thời.

Khoảng 28% những người thuộc thế hệ này mở tài khoản ngân hàng tách biệt với vợ/chồng của họ, cao gấp đôi so với thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến năm 1980), theo một nghiên cứu năm 2018 của Ngân hàng Mỹ.

“Thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới nhưng cao hơn hẳn so với thế hệ trước. Họ thể hiện rằng bản thân mạnh mẽ có khả năng kiếm tiền. Họ không muốn phụ thuộc vào người khác trong vấn đề chi tiêu”, Ryan Howes, một nhà tâm lý học chuyên tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ ở Pasadena (bang California, Mỹ), cho biết.

Tiền ai, người ấy tiêu

Một số cặp vợ chồng không coi hôn nhân là một lý do chính đáng để gom tài sản thành của chung.

Theo một cuộc khảo sát của Insider và Morning Consult vào năm 2019 đối với 2.000 người Mỹ, khoảng 37% những người thuộc thế hệ Millennials đã kết hôn nhưng tách biệt tài chính với bạn đời, nhiều hơn 10% so với thế hệ trước.

Mặc dù kết hôn từ tháng 5/2019, cặp Jessie Gaynor (34 tuổi) và Robbie Mackey (36 tuổi) ở Brooklyn (New York, Mỹ) vẫn chưa hợp nhất khối tài sản.

“Chúng tôi cũng có kế hoạch mở tài khoản ngân hàng chung đó nhưng chắc còn lâu mới thực hiện”, nhà văn kiêm biên tập viên Jessie cho biết.

Quyết định của cặp Faiz Osman và Justin Goodemoot, đều 35 tuổi, cũng tương tự như trên. Faiz cho biết họ nhận nuôi một chú chó cùng nhau nhưng “không dùng chung tài khoản ngân hàng”.

Nhiều cặp vợ chồng theo đuổi xu hướng độc lập tài chính. Ảnh: Shutterstock.

Các cặp vợ chồng khác tìm ra những cách sáng tạo để chia sẻ chi phí mà không làm thay đổi nhiều cuộc sống tài chính của họ.

Madison Smith, một nhà tư vấn chăm sóc sức khỏe tại Chicago (Mỹ) và chồng sắp cưới của cô, Steve, quyết định mở một tài khoản tiết kiệm chung cho các mục tiêu chung, nhưng đồng thời duy trì các tài khoản cá nhân riêng biệt.

“Làm như thế sẽ giúp hai vợ chồng sử dụng khoản tiền riêng của mình vào những lúc thích hợp. Chúng tôi vốn có quan điểm khác nhau về danh mục đầu tư”, Madison nói.

Sau 6 năm hẹn hò, Seth Dager (32 tuổi), trưởng bộ phận sáng tạo tại Mars Wrigley, và Eric Ball (35 tuổi) kết hôn và sống ở ngoại ô New York. Họ không dùng chung tài khoản ngân hàng như chia đều mọi khoản phí.

“Chúng tôi tạo một thẻ tín dụng chung để chi tiêu cho việc mua sắm như đi chợ hoặc dùng bữa tại nhà hàng. Sau đó, chúng tôi chia đôi hóa đơn, mỗi người đóng một nửa tiền vào thẻ. Điều này thực sự giúp giảm bớt áp lực tài chính”, Seth chia sẻ.

Sự lưỡng lự xung quanh việc hợp nhất tài chính trong gia đình có thể là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng giữa hai vợ chồng. Ảnh: Getty Images.

Cặp Riley Henderson (32 tuổi) và Amanda Lester (35 tuổi) đã hẹn hò 7 năm trước khi kết hôn vào tháng 7/2016. Họ mất thêm 2 năm nữa mới quyết định mở một tài khoản chung dùng để thanh toán những khoản chi tiêu gia đình, bên cạnh tài khoản cá nhân.

Trước đó họ duy trì các tài khoản riêng biệt. Amanda sẽ “cưa đôi” hóa đơn ăn uống, đồ gia dụng hay tiền chợ.

Gia đình êm ấm, hạnh phúc hơn khi dùng chung tiền

Sự suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra đã đẩy hàng triệu người Mỹ vào tình trạng tài chính bấp bênh. Tình trạng mất việc làm và cắt giảm lương đang là lời cảnh tỉnh cho hàng triệu người Mỹ.

Vì vậy, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ quan tâm hơn đến tài chính gia đình. Trong môi trường kinh tế hiện nay, một số người cảm thấy lo lắng về tài chính cá nhân, ngay cả khi họ cảm thấy thoải mái với những thỏa thuận mà họ cam kết thực hiện với người bạn đời.

Một báo cáo năm 2019 của Trường Kinh doanh UCLA Andersen chỉ ra rằng các cặp vợ chồng có chung tài khoản sẽ hạnh phúc hơn và ít có khả năng ly hôn hơn so với các đôi còn lại.

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng việc quản lý và sử dụng tài khoản chung tác động đến chất lượng mối quan hệ của các cặp vợ chồng.

“Tôi không hoàn toàn ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu đó. Sự lưỡng lự xung quanh việc hợp nhất tài chính trong gia đình có thể là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng. Điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ”, Maggie Germano, một giảng viên kiêm nhà tư vấn tài chính cho phụ nữ tại Washington DC, cho biết.

Cặp Demitri Baker và Evan Lanctot. Ảnh: Demitri Baker.

Demitri Baker và Evan Lanctot, một cặp đồng tính đã đính hôn ở bang Rhode Island, vẫn quyết định dùng chung tài khoản ngân hàng.

“Từ hồi mới yêu, chúng tôi đã thường trao đổi về tiền bạc. Cả cha mẹ hai bên đều từng vật lộn với tài chính và chúng tôi đã trải qua những hậu quả của điều đó”, Demitri chia sẻ.

Phụ huynh của Demitri cũng hợp nhất tài chính nhưng họ ít nói chuyện với nhau. Mẹ anh là người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý và không minh bạch tiền bạc, do đó gây ra nợ nần. Cuộc hôn nhân tan vỡ khi mọi chuyện vỡ lở.

“Đó là lý do vì sao tôi muốn cởi mở về vấn đề tiền bạc với Evan nhiều nhất có thể”, anh nói.

Công việc kỹ sư cơ khí của Demitri vẫn mang lại thu nhập ổn định trong mùa dịch, còn người bạn đời của anh, một nhà thiết kế nội thất, thì không được như vậy. Tuy nhiên, họ không thay đổi suy nghĩ về quyết định hợp nhất tài chính. Cặp đồng tính cùng đứng tên tài khoản, công khai minh bạch mọi khoản chi, cùng hướng đến mục tiêu trả nợ và mua nhà.

“Chúng tôi không kiếm được nhiều bằng nhau nhưng có cùng một mục tiêu. Đó là điều thú vị về tài khoản chung - chúng tôi gộp số tiền lại và dù làm gì cũng đều nghĩ đến vun vén cho gia đình. Gia đình nghĩa là ‘chúng tôi’, hơn là ‘bạn và tôi’”, Evan chia sẻ.

Hồng Chang

Theo Zing

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhieu-cap-vo-chong-tien-ai-nguoi-do-tieu-a145288.html