Chia sẻ tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V đang diễn ra tại Hà Nội, “tỷ phú vịt trời” Nguyễn Đăng Cường cho biết, bên cạnh “yếu tố sống còn” với người nông dân là vốn đầu tư thì việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp là vấn đề rất lớn.
Anh Nguyễn Đăng Cường (Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, tại xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trong những người thử nghiệm thuần hóa và nuôi dưỡng thành công giống vịt trời. Hiện tại, anh Cường là chủ nhân của một trang trại với quy mô hàng vạn con vịt và đạt được mức thu nhập mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào công việc của mình, anh Cường khẳng định, khoa học công nghệ là vấn đề lớn và thật sự quan trọng. “Mỗi con vịt trời bán ở chợ quê giá 150.000 đồng nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật giá lên tới 40 USD. Chính vì thế, nông dân rất cần được hỗ trợ về công nghệ, đặc biệt là khâu chế biến, để gia tăng giá trị hàng hóa”, anh Cường nói.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản với những nông dân “dám” khởi nghiệp. Tuy anh Cường đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi vịt trời, đặc biệt, sản phẩm vịt trời hiện được đối tác Nhật Bản mời cộng tác, đưa công nghệ chế biến thành sản phẩm vịt trời hun khói nhưng về mặt khoa học công nghệ, anh Cường phải tự mày mò tìm hiểu là chính.
Được biết, “tỷ phú vịt trời” đã tự tìm tòi ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới như quy trình nuôi vịt khép kín lấy trứng, hệ thống lò ấp, lò nở vịt con với thức ăn hoàn toàn tự nhiên. Vừa áp dụng công nghệ hiện đại, tôi cũng rất chú trọng bảo vệ môi trường. Hiện tại đã làm dây chuyền ấp trứng, vặt lông vịt, hun khói lên tới 20 tỷ đồng theo công nghệ Nhật Bản.
“Tôi muốn nói thêm ở đây, điều quan trọng với người nông dân khi lập nghiệp từ nông nghiệp là phải có niềm đam mê, hiểu biết, chịu khó tìm tòi và luôn ý thức được việc áp dụng kỹ thuật công nghệ phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường tự nhiên được bền vững lâu dài”, anh Cường ciha sẻ.
Theo quan điểm của vị tỷ phú nông dân này, việc tiếp cận khoa học và kỹ thuật thật sự không thiếu. Người nông dân nào hiện tại cũng đều có thể sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh và kết nối mạng. Trong thế giới phẳng, tràn ngập thông tin việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống, làm nhà kính… không còn khó khăn nữa, thậm chí đang bị ngộ độc vì quá nhiều thông tin.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng là người nông dân có muốn học hay không, có tự tìm tòi học hỏi không và tiếp cận công nghệ như thế nào?
Thứ hai, đây là vấn đề quan trọng hơn cả, mặc dù thông tin không thiếu nhưng việc định hướng khoa học mới là câu chuyện cần xem xét lại. Bởi chính vì nhiều thông tin, người nông dân sẽ bị loãng, họ không biết nên học của ai, học từ đâu, trình độ có đủ để tiếp cận và học hỏi không.
“Như hiện tại, tôi đang được chuyển giao công nghệ ở một số dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi đều được các nhà khoa học “cầm tay chỉ việc”. Vì thế, những vấn đề về khoa học, công nghệ tôi đều tiếp thu và áp dụng được rất tốt.
Chính vì vậy, chúng tôi rất cần các nhà khoa học định hướng, hướng dẫn cho chúng tôi. Định hướng làm sao để phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, phù hợp với mô hình, loại hình nông nghiệp - nghĩa là phù hợp trong điều kiện thực tế sản xuất mới là quan trọng”, anh Cường nói.
Xung quanh vấn đề này, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, một trong những vấn đề mang tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của sản phẩm đó là “chất lượng sản phẩm”.
Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, chế tạo được giám định kỹ lưỡng về tiêu chuẩn, mà còn đi kèm với kiểu dáng, mẫu mã, bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất khi đưa ra thị trường.
Điều đó rất cần tác động của KH&CN. Thực tế cho thấy, một số địa phương nhờ áp dụng KH&CN đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Chu Thúc Đạt đã lấy ví dụ từ kinh nghiệm thực tế từ phát triển sản phẩm Vải Bắc Giang, từ chỗ cách đây năm năm, với sản lượng 180-200 ngàn tấn/năm nhưng người dân phải trầy trật ứng xử với thị trường vì chất lượng quả Vải không đồng đều và kém hình thức, không được bảo quản tốt, vì thế chỉ mang lại doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Kể từ khi có sự phối hợp của chính Lãnh đạo chính quyền địa phương và sự đồng hành của Bộ KH&CN cùng các cơ quan Viện, trường, sản phẩm Vải Bắc Giang đã được chuẩn hóa hầu như ở toàn bộ các khâu theo chuỗi giá trị (từ việc cải tạo giống, quy trình canh tác, thu hoạch bảo quản và xúc tiến thị trường tiêu thụ…) mà đến năm 2018, cũng với sản lượng 180-200 ngàn tấn/năm, doanh thu của sản phẩm Vải đã đạt trên 5000 tỷ đồng, năm 2019 đạt trên 6600 tỷ đồng…
Hiện tại, quả vải Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore…
“Điểm đặc biệt là khi nói đến quả Vải Bắc Giang, cả chính quyền và tất cả người dân đều “thừa nhận” có được như ngày nay là nhờ KH&CN, họ đã tôn trọng và thực hiện rất nghiêm túc cả các khâu trong quá trình sản xuất tạo nên sản phẩm mang thương hiệu thực sự bền vững. Đây có thể được xem là “Sản phẩm KH&CN của Bắc Giang””, ông Đạt nói.
Hay như tại Sơn La, trước kia giống nhãn Miền Thiết được trồng rất nhiều trong miền Nam, nhưng đã được chuyển dịch ra trồng tại tỉnh Sơn La; giống Nhãn Hưng Yên đã được di thực và đang phát triển ở quy mô rộng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Mỹ….
Áp dụng giống mới và các biện pháp KHCN kỹ thuật ghép mắt, chăm sóc cân đối dinh dưỡng đã thay thế giống nhãn truyền thống của địa phương trong một thời gian ngắn. Phủ lên những diện tích đồi trọc đất dốc và thay thế cho cây mía, cây ngô có giá trị kinh tế thấp.
Kết quả đã đem lại những giá trị kinh tế rất lớn (chiếm 1/3 sản lượng nhãn của cả nước và cải thiện thu nhập cho bà con) giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh hình thành một vùng sản xuất trái cây lớn nhất miền Bắc.
Bài toán cần giải ở đây đang đặt ra là cần phải tiếp cận theo hướng xem xét, lựa chọn và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương rất cần sự vào cuộc đồng bộ cả từ Trung ương đến địa phương trong việc xác định đầu tư phát triển sản phẩm.
Yếu tố khoa học và công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến tất cả các khâu trong từng sản phẩm và cần phải được đi trước một bước.
Vì vậy, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương có ý nghĩa rất lớn, nó sẽ tạo ra được sản phẩm được khẳng định từ vai trò của KH&CN, trực tiếp tạo ra giá trị và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Hôm nay (13/10), tại Khách sạn Quân Đội, số 1 Nguyễn Tri Phương, Q. Ba Đình, Hà Nội diễn ra Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V năm 2020, với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà".
Sở dĩ năm nay Ban Tổ chức chọn chủ đề vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà vì đây là 2 vấn đề nông dân cả nước hết sức quan tâm. Mối liên kết 6 nhà trong sản xuất và kinh doanh nông sản đang được các "nhà" (Nhà nông-Nhà nước- Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà phân phối) tích cực xích lại gần nhau.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia là sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đề xuất tổ chức thực hiện. Diễn đàn nông dân Quốc gia tổ chức vào mùa thu hàng năm đã ngày càng xây dựng được uy tín, thu hút sự chú ý cao của dư luận, dần trở thành một kênh quan trọng đối với nông dân trong việc tháo gỡ vướng mắc về mặt chính sách, giải quyết mối quan hệ các "nhà" trong sản xuất, kinh doanh cũng như là động lực để nông dân đổi mới, bắt kịp xu hướng chuyển động của thị trường thế giới.
Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. Trong 5 năm qua, với nhiều chủ đề thiết thực được thảo luận (Năm 2016: Nông dân toàn cầu – từ tư duy đến hành động; Năm 2017: Hãy sẵn sàng với nông nghiệp 4.0; Năm 2018: Xuất khẩu nông sản: Cơ hội và thách thức; Năm 2019: Từ EVFTA tới CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới).