“Ngôi nhà mới” của đại gia Lê Văn Vọng lớn cỡ nào?

CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới có quy mô vượt trội hơn hẳn so với nhiều thành viên khác của Tập đoàn Lã Vọng. Còn "ngôi nhà mới" VFI Group cũng nhận được nguồn lực đáng nể từ vị đại gia Lê Văn Vọng.

Chân dung đại gia Lê Văn Vọng (Nguồn: Lã Vọng Group)

Chân dung đại gia Lê Văn Vọng (Nguồn: Lã Vọng Group)

Lã Vọng là một trong những tập đoàn địa ốc nổi danh tại Hà Nội. Nhiều năm nắm giữ cương vị cao nhất của tập đoàn này, ông Lê Văn Vọng (SN 1977) cũng là đại gia được nhiều người biết tới, sở hữu một trong những chiếc Rolls-Royce đắt giá tại Việt Nam.

Khởi sự từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, Tập đoàn Lã Vọng bắt đầu lấn sân sang thị trường bất động sản từ năm 2008.

Ngôi Nhà Mới của Tập đoàn Lã Vọng

Sau nhiều năm phát triển, “hệ sinh thái” của Tập đoàn Lã Vọng bao gồm nhiều công ty thành viên, trong đó có CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới (Ngôi Nhà Mới). Đây cũng là thành viên hoạt động tích cực trong lĩnh vực địa ốc của Tập đoàn Lã Vọng.

Như VietTimes từng đề cập, Ngôi Nhà Mới là chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao cấp cùng tên tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Dự án được khởi công từ năm 2009, có quy mô 27,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.

Cũng tại Hà Nội, Ngôi Nhà Mới còn là chủ đầu tư của nhiều dự án đình đám khác, chủ yếu là thực hiện theo hình thức BT.

Tháng 2/2010, công ty này được UBND Tp. Hà Nội giao thực hiện dự án Cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên. Dự án được UBND TP. Hà Nội kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hoá, tại thời điểm kêu gọi đầu tư chỉ có Ngôi Nhà Mới cam kết tài trợ 30 tỉ đồng.

Năm 2013, dự án này được tách thành 2 dự án là (1) Dự án Cải tạo môi trường hồ Đầu Băng thực hiện theo hình thức xã hội hoá và (2) Dự án Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.

Dự án thứ 2 có tổng mức đầu tư 610,8 tỉ đồng, được giao theo hình thức chỉ định thầu, chủ đầu tư vẫn là công ty Ngôi Nhà Mới. Khi thực hiện dự án, Ngôi Nhà Mới sẽ được đối ứng bằng quỹ đất 13,75 ha để thực hiện dự án tại Khu đô thị Tây nam đường 70 (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Cách đó không xa là dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ, cũng do Ngôi Nhà Mới làm chủ đầu tư.

Ngôi Nhà Mới còn là chủ đầu tư dự án “Xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thậut và nhà ở trên diện tích 14,5 ha tại khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm” theo hình thức BT. Dự án cơ bản đã hoàn thành hạ tầng trong khu đô thị.

Bên cạnh đó, Ngôi Nhà Mới còn ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Thuỷ Lợi Sông Nhuệ đầu tư Dự án Trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La, Phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội (năm 2010).

Công ty này còn là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp tại Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội (tên gọi khác là Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới; rộng 27,539 ha).

Ngoài ra, vào năm 2016, Ngôi Nhà Mới cùng CTCP Đầu tư và Thương mại Louis và UDIC đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội (22,56 ha).

“Ngôi nhà mới” của đại gia Lê Văn Vọng lớn cỡ nào? ảnh 1

Rót vốn đầu tư vào nhiều dự án như vậy, song, tính đến cuối năm 2016, quy mô tổng tài sản của Ngôi Nhà Mới mới đạt 1.352,7 tỉ đồng. Chỉ tiêu tài chính này chỉ thực sự tăng nhanh trong 3 năm gần đây. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Ngôi Nhà Mới đạt 5.229 tỉ đồng, cao gấp 3,8 lần so với cuối năm 2016. Cùng với đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Ngôi Nhà Mới cũng gia tăng nhanh chóng, đạt mức 1.675,3 tỉ đồng vào cuối năm ngoái.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, sau khi ông Lê Văn Vọng thoái vốn tại Ngôi Nhà Mới (tháng 3/2018), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này bất ngờ cải thiện rõ rệt, chuyển từ lỗ sang lãi.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Ngôi Nhà Mới đạt 1.049 tỉ đồng, cao gấp 60 lần so với năm 2016; lãi thuần ở mức 197,7 tỉ đồng, trong khi năm 2016 báo lỗ 29,7 tỉ đồng.

Ngoài Ngôi Nhà Mới, một thành viên khác của Tập đoàn Lã Vọng là CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng cũng hoạt động tích cực trong lĩnh vực bất động sản. Doanh nghiệp này chính là chủ đầu tư dự án bất động sản tại các ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.

Tính đến 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng đạt mức 186,3 tỉ đồng. Trong 4 năm gần nhất, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn cả vào năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 35,81 tỉ đồng và 7 tỉ đồng.

“Ngôi nhà mới” của đại gia Lê Văn Vọng lớn cỡ nào? ảnh 2

CTCP Đầu tư Louis Group (Louis Group) – thành quả của mối liên doanh giữa UDIC, CTCP Sông Đà – Hà Nội, Ngôi Nhà Mới và CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Đại An - được Hà Nội chỉ định thầu thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 8.713,19 tỉ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư dự kiến được tạo điều kiện khai thác 39 ô đất, với tổng diện tích khoảng 343,54 ha, tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh.

Đầu năm 2018, đại gia Lê Văn Vọng bất ngờ thoái vốn tại nhiều công ty thành viên của Tập đoàn Lã Vọng. Đáng chú ý, động thái này diễn ra ngay trước thời điểm Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện các dự án của các đơn vị liên quan đến tập đoàn Lã Vọng trên địa bàn Hà Nội (ngày 3/8/2018).

Đế chế mới của đại gia Lê Văn Vọng

Sau khi thoái vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng, như VietTimes từng đề cập, vị doanh nhân Lê Văn Vọng đã góp vốn và đứng tên tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam (VFI Group), khởi đầu cho một cuộc chơi mới trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, VFI Group được thành lập vào tháng 3/2018, với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, trong đó ông Lê Văn Vọng góp 499,98 tỉ đồng, sở hữu 99,996% vốn. Phần còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Văn Thái và ông Hà Chí Luyện, mỗi người nắm giữ 0,002% vốn.

Quá trình phát triển của VFI Group lại nhận được sự đồng hành của một số thành viên của Tập đoàn Lã Vọng.

Tháng 11/2018, liên danh VFI Group và Ngôi Nhà Mới là đơn vị duy nhất trúng sơ tuyển dự án Khu đô thị mới Trung Minh A tại Hoà Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.126 tỉ đồng.

Hay mới đây, tháng 6/2020, VFI Group liên danh cùng Ngôi Nhà Mới và CTCP Tập đoàn Đầu tư Quốc tế DHR (DHR Group) đề xuất đầu tư dự án tâm linh 3.785 ha ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tính đến cuối năm 2019, VFI Group có quy mô tổng tài sản đạt mức 1.500,48 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty này vẫn chưa thực sự nổi bật với khoản lãi thuần vỏn vẹn 79 triệu đồng trong năm 2019.

Cập nhật đến ngày 27/8/2020, VFI Group có vốn điều lệ 600 tỉ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Đặng Thị Thanh Hường (SN 1977)

Theo Đồng Tiến/Viettimes

https://viettimes.vn/ngoi-nha-moi-cua-dai-gia-le-van-vong-lon-co-nao-post139708.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ngoi-nha-moi-cua-dai-gia-le-van-vong-lon-co-nao-a145789.html