6h tối: Doanh nghiệp Nhật Bản sáng đèn, phía hàng xóm Mỹ lại đen xì xì.
Hàng chục năm qua, cả thế giới đã viết về văn hóa làm việc đặc biệt của người Nhật: Tăng ca (OT) liên miên, đi sớm về muộn, công việc xếp trên tình cảm...
Trái ngược, văn hóa phương Tây lại đề cao "làm việc thông minh chứ không cắm đầu làm". Thật tình, để liệt kê những điều khác biệt thì hơi nhiều chữ, chỉ cần nhìn lên bầu trời đêm ở Nhật là hiểu ngay.
Đó là những gì người dùng Twitter Yusaku Arai (@arai_yusaku) muốn truyền tải khi anh đi dạo ở Shibuya vào 6 giờ tối.
Trong tấm ảnh đăng tải vào ngày 15/10 vừa qua của Yusaka, bên trái là tòa nhà văn phòng của các công ty Nhật bản, bên phải là tập đoàn Tây.
Có gì đặc biệt mà khoảnh khắc này thu hút tới 89.000 like, gần 30.000 re-tweet?
Tòa bên trái tên là Shibuya Scramble Square, 47 tầng, đặt văn phòng của khá nhiều công ty lừng danh Nhật Bản như CyberAgent Inc. (quảng cáo), Mixi (dịch vụ internet và mạng xã hội)...
Còn tòa bên phải là Shibuya Stream, 35 tầng, đã được Google bao thầu trọn gói từ hầm gửi xe lên tầng thượng để làm trụ sở ở Nhật Bản.
Đập vào mắt người xem ảnh: Tòa Shibuya Scramble Square bên trái vẫn sáng đèn hầu hết các lầu, còn tòa Shibuya Stream điện đóm đã tối om.
Lý do khá đơn giản, Google cho phép trụ sở Nhật Bản làm việc từ xa cho đến hết tháng 6/2021.
Còn doanh nghiệp Nhật thì ngược lại: Dù thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã khuyến cáo người lao động nên làm việc từ xa để kiểm soát đại dịch, dân Nhật vẫn thích đến văn phòng hơn là ngồi ở nhà.
Hanko
Ở Nhật, việc họp và làm việc online không được hưởng ứng cho lắm vì người ta đã quen mặt đối mặt, thậm chí văn bản hành chính phải có xác nhận bằng hanko, con dấu cá nhân của người quản lý.
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono gây chấn động khi thông báo bãi bỏ con dấu cá nhân và máy fax tại nơi làm việc - thứ mà nhiều người cho là rất lỗi thời, quá chậm chạp so với công nghệ 4.0.
Theo S.N, ông Kono và nhiều quan chức cấp cao của Nhật Bản tin rằng lối làm việc truyền thống đang làm giảm tốc độ phát triển của xứ sở hoa anh đào và, điều đó cần phải thay đổi.
Chỉ nghĩ đến cảnh mỗi ngày rời Tokyo trên chuyến tàu cuối cùng đã thấy lòng nặng trĩu.
Theo Twitter/SN
Lan Hương
Nhịp sống Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khac-biet-van-hoa-lam-viec-nhat-tay-goi-gon-trong-1-tam-anh-dan-mang-gat-gu-dung-qua-a146034.html