Căn nguyên khiến ông Trump thất cử

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump điều hành đất nước như thời điểm tranh cử năm 2016, với tư cách một người theo chủ nghĩa dân túy về kinh tế, ông nhiều khả năng đã tái cử.

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump điều hành đất nước như thời điểm tranh cử năm 2016, với tư cách một người theo chủ nghĩa dân túy về kinh tế, ông nhiều khả năng đã tái cử.

Song, thực tế, ông đã quay trở lại với cuốn cẩm nang hành động cũ của đảng Cộng hòa và đây có thể là nguyên nhân khiến ông thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYT

Chia sẻ trên trang New York Books, cây bút bình luận Peter Beinart, giáo sư tại trường báo chí Newmark, Đại học New York (Mỹ) tin rằng căn nguyên của việc ông Trump thất cử có thể bắt nguồn từ đầu mùa hè năm 2016, khi ông thực hiện một cuộc mặc cả với chính đảng của mình. Tháng 6 năm đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người từng kiên quyết từ chối ủng hộ ông Trump ngay cả sau khi ông trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa (GOP), rốt cuộc đã phải khuất phục.

Một phát ngôn viên của đảng Dân chủ mô tả, "sự đầu hàng của Chủ tịch Ryan đã khiến chuyện đó trở thành chính thức: GOP hiện là đảng của ông Trump”. Tuy nhiên, mọi chuyện không chính xác như vậy. Ông Ryan không đầu hàng, mà là đặt cược.

"Tôi sẽ bầu cho ông Donald Trump. Tôi tin ông ấy sẽ giúp biến chương trình nghị sự của GOP tại Hạ viện thành luật", nhà lập pháp Cộng hòa đến từ bang Wisconsin viết trên trang Twitter cá nhân. Ông Ryan đã đánh cược rằng, nếu ông chấp nhận ông Trump, chính khách này sẽ hiện thức hóa tầm nhìn kinh tế của ông. Đối với ông Ryan và các đồng minh, vụ đặt cược đó đã thành công. Song, việc này đã góp phần khiến ông Trump mất đi cơ hội tái cử.

Cam kết chủ nghĩa dân túy về kinh tế

Trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm, ông Trump không nói với người Mỹ việc ông chấp nhận chính sách "lấy từ người nghèo, chia cho người giàu" của ông Ryan. Ngược lại, ông Trump cam kết sẽ không cắt giảm an sinh xã hội, chương trình bảo hiểm y tế quốc gia (Medicare) hay chương trình cứu trợ y tế (Medicaid). Ông cũng tuyên bố sẽ tăng mức lương tối thiểu và hứa hẹn chấm dứt việc khấu trừ lãi suất được yêu thích của Phố Wall.

Trong bài phát biểu chiến thắng vào đêm bầu cử, ông Trump cam kết sẽ "xây dựng lại các đường cao tốc, các cây cầu, các đường hầm, sân bay, trường học và bệnh viện". Một phần vì những tuyên bố này, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ coi ông Trump là người ôn hòa về mặt tư tưởng hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào khác thuộc GOP kể từ năm 1972.

Những gì ông Trump hứa hẹn là chủ nghĩa dân tộc quốc gia cộng với chủ nghĩa dân túy kinh tế. Đó là công thức đã chứng minh rất được ưa chuộng ở những quốc gia khác.

Năm 2019, đảng Công lý và Pháp luật bài ngoại và kỳ thị người đồng tính của Ba Lan đã giành chiến thắng áp đảo trong tổng tuyển cử chủ yếu nhờ các khoản cứu trợ lớn, được ca ngợi dành cho các gia đình Ba Lan. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), động thái này đã giảm đáng kể tình trạng nghèo đói của trẻ em ở quốc gia Đông Âu.

Tại Hungary, ông Viktor Orbán đã xúc tiến một chương trình công ích theo phong cách Thỏa thuận Mới, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho Chính phủ Hungary. Tại Brazil, một đồng minh khác của ông Trump - Jair Bolsonaro, đã tăng tỉ lệ tín nhiệm, đặc biệt với những người nghèo thông qua hỗ trợ họ trong đại dịch bằng các tờ séc của chính phủ.

Giới quan sát ghi nhận, các chính sách kinh tế như trên đã giúp các nhà lãnh đạo giành thêm sự ủng hộ.

Hành động ngược cam kết

Bất chấp các hứa hẹn khi vận động tranh cử, ông Trump đã chấp nhận một chương trình nghị sự kinh tế chống chủ nghĩa dân túy quyết liệt. Theo thăm dò dư luận của Gallup, vào tháng ông Trump tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Nhà Trắng đầu năm 2017, người Mỹ coi lời hứa của ông lúc còn tranh cử về cơ sở hạ tầng là quan trọng nhất.

Song, một cựu quan chức trong chính quyền ông Trump tiết lộ với báo Washington Post rằng, Nhà Trắng chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc biến cơ sở hạ tầng thành danh mục ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ, vì “Paul Ryan và những người này đã chờ đợi 30 năm để có cơ hội cắt giảm thuế một lần duy nhất trong đời, sẽ không để cơ hội đó vuột mất".

Năm 2017, sau khi ông Ryan và lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell vận động quốc hội cắt giảm thuế, ông Trump đã ký phê chuẩn chính sách đó thành luật mặc dù theo cuốn sách "Let Them Eat Tweets" của hai nhà nghiên cứu chính trị Jacob Hacker và Paul Pierson, đây là luật lớn ít được lòng dân thứ 2 trong vòng 25 năm qua.

Khi Nhà Trắng của ông Trump cuối cùng đề xuất một dự luật về cơ sở hạ tầng, các nghị sĩ GOP đã phản bác vì cả mức chi phí và viễn cảnh nó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách. Do vậy, ý tưởng đã bị gác lại.

Sáng kiến lớn khác của quốc hội trong năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump là nỗ lực hủy bỏ chương trình chăm sóc y tế giá rẻ (Obamacare), một nỗ lực theo Hacker và Pierson đã dẫn đến luật lớn ít được lòng dân nhất trong một phần tư thế kỷ qua. Một cuộc thăm dò dư luận hé lộ, dự luật của GOP chỉ được 17% người Mỹ ủng hộ. Nhưng ông Trump đã tán thành dự luật.

Tuy nhiên, sự hậu thuẫn tự gây hại nhất của ông Trump dành cho GOP xuất hiện vào mùa thu này. Tháng trước, sau khi Hạ viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ thông qua dự luật cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính của ông Trump đã đề xuất dự luật trị giá 1.800 tỷ USD, bao gồm các khoản tiền hỗ trợ trực tiếp 1.200USD cho các cá nhân, trợ cấp thất nghiệp cao hơn và tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang điêu đứng.

Sau khi ông Trump hứa sẽ nâng gói cứu trợ, Nhà Trắng và các nghị sĩ Dân chủ trong quốc hội gần như đã đạt được thỏa thuận. Đúng lúc đó, Chủ tịch phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện McConnell can thiệp. Ông tuyên bố rằng, Thượng viện thậm chí sẽ không bỏ phiếu phê duyệt một gói cứu trợ có quy mô lớn đến như vậy.

Do đó, ông Trump đã để các cuộc đàm phán sụp đổ, mặc dù theo thăm dò từ báo New York Times, hơn 70% người Mỹ và phần lớn đảng viên Cộng hòa ủng hộ một gói kích thích mới, trị giá 2.000 tỷ USD dành cho nền kinh tế. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cũng cho thấy, một dự luật cứu trợ kinh tế mới đặc biệt được các cử tri GOP thu nhập thấp yêu thích.

Tại sao ông Trump, người thường được mô tả thống trị đảng của mình, lại nhượng bộ? Theo nhà bình luận Beinart, câu trả lời cũng chính là lí do ông nhượng bộ một số nhà lãnh đạo nước ngoài. Để vượt qua sự thù ghét ăn sâu bám rễ của các nhà lập pháp GOP với mạng lưới an sinh xã hội sẽ đòi hỏi nỗ lực và kỹ năng chiến thuật rất lớn.

Như nhà khoa học chính trị Pippa Norris thuộc Đại học Harvard đã trình bày chi tiết, dựa trên dữ liệu từ cuộc khảo sát đảng phái toàn cầu, GOP thù ghét các chi tiêu phúc lợi hơn nhiều so với các đảng bảo thủ và cả những đảng cực hữu ở các quốc gia khác.

Ngay cả một Tổng thống Cộng hòa cam kết thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa dân túy về kinh tế cũng cảm thấy khó khăn trong việc đưa những nhân vật cùng chí hướng vào chính quyền, do chẳng có mấy tổ chức cố vấn bảo thủ hoặc các tổ chức vận động ủng hộ lớn nhất trí đánh thuế cao hơn hoặc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc y tế.

Ông Trump thậm chí không thử làm điều đó. Vì vậy, một số cố vấn chính sách đối nội then chốt của ông, từ Phó tổng thống Mike Pence đến Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Tom Price đều là các đồng minh cũ của ông Ryan ở Hạ viện.

Tỷ lệ tín nhiệm thay đổi

Trong hơn 4 năm kể từ khi hành động, cú đặt cược của ông Ryan đã được đền đáp. Chính quyền ông Trump đã tái phân bổ tài sản theo hướng có lợi cho người giàu, thậm chí còn mạnh mẽ hơn thời Ronald Reagan hay George W. Bush. Song, đối với ông Trump, hậu quả chính trị thực sự thảm khốc. Khi ông nhậm chức, số người Mỹ coi ông là “ôn hòa” về mặt tư tưởng nhiều hơn số người đánh giá “rất bảo thủ”. Tháng trước, số coi "rất bảo thủ" đã vượt số nhận định "ôn hòa" tới 15%.

Một phần sự thay đổi đó có thể xuất phát từ các phát ngôn của lãnh đạo Nhà Trắng, dù một số nhà quan sát quả quyết lối hùng biện này, ví dụ như những lời công kích của ông nhằm vào người Mỹ gốc Mexico và người Hồi giáo đã giảm tông so với năm 2016.

Nhận định mới về ông Trump có khả năng xuất phát phần lớn từ việc ông theo đuổi một chương trình nghị sự kinh tế mà hầu hết người nghèo và tầng lớp lao động Mỹ không ưa thích.

Năm 2016, theo các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng bỏ phiếu, ông Trump đã mất khoảng 10% sự ủng hộ của các cử tri có thu nhập dưới 50.000USD, năm nay, con số này lên tới 15%. Cách đây 4 năm, số cử tri có thu nhập từ 50.000 - 100.000USD ủng hộ ông cao hơn cử tri trong cùng nhóm tới 4%, nhưng năm nay ngược lại, số phản đối trong nhóm cao hơn số ủng hộ tới 13%.

Trong số những người Mỹ giàu nhất, kiếm hơn 100.000USD, ông Trump đã cải thiện đáng kể tỷ lệ tín nhiệm dành cho mình so với năm 2016. Song, với tầng lớp người lao động ở Mỹ, sự ủng hộ dành cho ông bị sụt giảm. Thực tế được tin một phần vì đối thủ của đương kim tổng thống và phần nhiều vì chính bản thân ông. Có lẽ ngoại trừ về thương mại, ông Trump đã chứng tỏ mình không phải là người theo đường lối dân túy về kinh tế như hứa hẹn năm 2016.

Một số nhà bình luận cho rằng, 4 năm trước, ông Trump thắng cử một phần vì ông cam kết chấm dứt các quan điểm ấn định đường lối chính sách của đảng Cộng hòa như của Paul Ryan. Song, khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã gia tăng những quan điểm đó ngay cả trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất từ cuộc Đại suy thoái các thập niên 1940-1950.

Theo giáo sư Beinart, ông Trump không thua trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống 2020 vì thay đổi GOP quá nhiều, mà là vì ông đã thay đổi đảng quá ít.

Tuấn Anh

Theo VietnamNet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/can-nguyen-khien-ong-trump-that-cu-a146079.html