‘Vua tiêu’ muốn kinh doanh thời trang

Sau 19 năm chế biến, xuất khẩu nông sản, ông Phan Minh Thông tấn công thị trường bán lẻ nội địa. Ông kỳ vọng 5-10 năm nữa, người tiêu dùng muốn mua gì đều có thể đến Phúc Sinh.
Cover_desk_1190_

Gặp Zing trong văn phòng mới dọn vào của Công ty CP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông hào hứng chia sẻ về những dự định trong thời gian tới. Ở đó, Phúc Sinh không chỉ là một công ty thuần nông nghiệp, mà sẽ trở thành doanh nghiệp bán lẻ đa dạng ngành hàng, kể cả máy móc, thiết bị, hay thời trang.

Nhìn lại 19 năm khởi nghiệp đã qua, vị Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho rằng bản thân không tài giỏi, mà chỉ dùng sự tích cực và tự do để xây dựng doanh nghiệp.

Sapo_1199_
Subtitle_01_1201_

- Mới đây, hình ảnh ông giới thiệu ứng dụng và website bán hàng trực tuyến của Phúc Sinh thể hiện rõ sự say mê và hào hứng. Phải chăng ông vua xuất khẩu tiêu giờ đây quyết “chiến” ở mảng bán lẻ nội địa?

- Thực ra không phải bây giờ tôi mới làm bán lẻ trong nước. Chúng tôi nghiên cứu xây dựng ứng dụng di động từ 4 năm trước, website thương mại điện tử cũng đã hoạt động một thời gian. Tuy nhiên, 3,5 năm đầu tiên quay về thị trường trong nước, chúng tôi thua lỗ nặng nề, mất 40-50 tỷ đồng.

Từ tháng 9/2019, tôi sa thải CEO, tự đứng ra điều hành. Nửa đầu năm nay, công ty liên tục tung sản phẩm mới và mới bắt đầu có lợi nhuận. Giờ ra mắt ứng dụng mua hàng, tôi đặt mục tiêu đến cuối năm có 10.000 lượt tải về, sang năm sau thương mại điện tử chiếm 60-70% doanh số công ty tiêu dùng.

Thực tế, 10 ngày trước khi chính thức công bố rộng rãi, ứng dụng đã mang về 500 triệu đồng doanh thu, quá sức tưởng tượng của chúng tôi.

- Sau những kết quả bước đầu như vậy, ông kỳ vọng gì ở lĩnh vực kinh doanh này?

- Tôi muốn biến Phúc Sinh thành đại siêu thị khổng lồ. 5-10 năm nữa, mọi người muốn mua gì đều có thể vào Phúc Sinh. Trong tương lai chúng tôi sẽ bán cả hàng thời trang, máy móc. Đây là cách để tất cả người dân cùng hưởng lợi từ thế giới phẳng, từ các hiệp định thương mại tự do.

Khi đó, chúng tôi sẽ là cây cầu nối thị trường Việt Nam và quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua hàng Việt Nam sẽ tìm đến Phúc Sinh để dễ dàng xử lý các vấn đề giao hàng, thanh toán. Còn những nông dân, công ty Việt Nam bán hàng cho Phúc Sinh sẽ không cần lo ngại về đầu ra hay giá cả, được tài trợ về tiền bạc và chuyên môn. Trước mắt, nhiều bạn bè, đối tác của tôi đã ngỏ ý muốn hợp tác để bán hàng trên ứng dụng.

- Đây có vẻ là một tham vọng lớn với doanh nghiệp mới bước chân vào bán lẻ chỉ 4 năm?

- Tôi không cho là vậy. Chúng tôi quen làm xuất khẩu nên khi quay về nội địa cũng dễ hơn, vì đã có sẵn các chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mối quan hệ với các đối tác nước ngoài cũng tốt đẹp.

Nhưng quan trọng hơn cả, tôi nghĩ chỉ cần chúng tôi chịu khó, sáng tạo và giữ chữ tín là được, riêng chữ tín là cái sống chết tôi phải mang. Có chữ tín thì dù là công ty nhỏ cũng có thể vay ngân hàng với lãi suất thấp, bán lẻ quy mô nhỏ vẫn có thể làm việc với nhiều nhà cung cấp và khách hàng.

Phúc Sinh từ những ngày đầu khởi nghiệp đã là một công ty uy tín. Nhờ đó mà tôi có thể mua hàng xuất đi các nước chỉ với 60 triệu đồng vốn ít ỏi ban đầu. Khách hàng đồng ý thanh toán trước, thậm chí bảo lãnh với ngân hàng để tôi vay tiền, tìm nguồn hàng. Các ngân hàng cũng tin tưởng để giảm lãi suất vay vốn suốt 19 năm qua. Tôi tự tin Phúc Sinh là một trong những doanh nghiệp có mức lãi vay thấp nhất thị trường hiện nay.

Tin tưởng tôi nên không ít khách hàng cũng nhờ tôi thu mua nhiều mặt hàng khác ở nhiều nơi trên thế giới. Mọi người có thể không tin, nhưng Phúc Sinh hiện là một trong những doanh nghiệp bán ớt châu Phi nhiều nhất, dù tôi chưa từng đặt chân đến đó.

Quote_01_1193_

- Vậy bán lẻ trong nước hay xuất khẩu khó hơn, thưa ông?

- Tôi nghĩ làm xuất khẩu chuẩn chỉnh hơn, dòng tiền cũng tốt hơn. Mỗi năm mảng xuất khẩu mang về 4.000-5.000 tỷ doanh thu cho Phúc Sinh. Nếu không xuất khẩu, chắc chắn chúng tôi không có ngày hôm nay.

Nhưng là một trong những công ty xuất khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam, không lý gì tôi lại không cung cấp cho người tiêu dùng nội địa những sản phẩm chất lượng.

Đến nay, thị phần của chúng tôi ở trong nước chưa nhiều, nhưng tôi tin công nghệ là tương lai, và thực tế doanh số thời gian qua đã chứng minh điều đó. Mảng bán lẻ nội địa đem về nguồn thu không lớn, nhưng năm nào cũng tăng trưởng 100%.

Riêng website và ứng dụng mới ra mắt vừa qua, tôi không chỉ coi đó là một bước ngoặt của Phúc Sinh, mà còn là cảm hứng và động lực để chúng tôi tiếp tục sáng tạo và cải tiến.

Subtitle_02_1202_

- Liệu bán lẻ có nằm trong chiến lược ông vạch ra cho Phúc Sinh từ khi sáng lập?

- Không đâu, tôi không nhìn được bức tranh tổng thể ngay từ đầu, mà chỉ đơn giản là tìm kiếm giải pháp cho từng vấn đề. Quả thực, nếu không có COVID-19, chúng tôi không thể đẩy mạnh bán lẻ trong nước như hiện nay.

Chưa năm nào tiêu và cà phê xơ xác như 2020. COVID-19 đến, những chuyến hàng đi nước ngoài chỉ 2 tuần kéo dài thành 4-6 tuần, khách nhập hàng từ tháng 3 đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết.

Nhưng tôi quan niệm thế giới rộng lớn, không bán cho người này thì bán cho người kia, không mua từ người này thì mua từ người khác. Năm nay chúng tôi sống sót là nhờ bán tiêu Indonesia, bán ớt châu Phi cho các công ty tư nhân vừa và nhỏ khắp thế giới. Từ đầu năm đến nay, Phúc Sinh vẫn có lợi nhuận hàng tháng, trả lương đầy đủ nhân viên, có thời điểm làm việc đến 3 ca/ngày.

Tuy vậy, áp lực vẫn đến mỗi lần tôi đọc tin tức về tình hình dịch bệnh ở các nước. Tôi quyết định đẩy nhanh việc ra mắt các sản phẩm mới cho thị trường nội địa và nền tảng bán hàng trực tuyến.

Tôi không tài giỏi, nên chỉ dám làm những thứ mình chắc chắn. Nếu nhìn bên ngoài, mọi người có thể thấy Phúc Sinh phát triển quá nhanh, nhưng thực ra tôi chuẩn bị rất kỹ càng cho từng kế hoạch, dựa trên những nguồn lực đã được bồi đắp.

- Nếu không tài giỏi thì điều gì đã mang đến thành công cho ông ngày hôm nay?

- Rõ ràng, có những việc tôi làm cách đây mười mấy năm nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp Việt vẫn thấy thách thức, như chế biến sâu nông sản, kinh doanh chuyển khẩu, làm việc với công ty kiểm toán, hay đến nay là thương mại điện tử.

Nhưng tôi không nghĩ phải quá giỏi mới làm được những chuyện này. Đôi khi người ta hay than vãn trước khi thực sự bắt tay vào làm một cái gì đó. Tại sao lại không làm? Có thiếu gì đâu? Ngân hàng cho tôi vay tiền, tôi có nhân viên giỏi. Tư duy tự do thì sẽ làm được nhiều điều.

Từ khi tôi mới khởi nghiệp, nhiều người bạn đã bảo làm nông nghiệp làm gì. Nhưng nhìn Phúc Sinh, có ai nói tôi khổ đâu. Chúng tôi làm việc với đối tác ở các quốc gia phát triển, trong một lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư, với những tiêu chuẩn vượt xa nhiều doanh nghiệp khác.

Phải sáng tạo và thay đổi tư duy làm nông nghiệp là chân lấm tay bùn. Khi họ nhìn vào bao bì sản phẩm của chúng tôi, họ nghĩ chúng tôi là công ty sáng tạo. Khi họ nhìn vào văn phòng của chúng tôi, họ nghĩ đó là công ty thiết kế.

Quote_02_1195_

- Phải chăng sức sáng tạo và tư duy tự do này đến từ con người nghệ sĩ trong ông?

- Có lẽ vậy. Các văn phòng của Phúc Sinh luôn được bài trí như phòng trưng bày tranh. Mọi người có thể tìm thấy hàng trăm tác phẩm của những họa sĩ tên tuổi như Đặng Xuân Hòa, Ðỗ Xuân Doãn, Hoàng Ðăng Nhuận, Phạm Luận hay các nghệ sĩ trẻ như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Ðinh Thúy Hạnh, Trần Ðình Khương… Tôi nghĩ điều này sẽ tạo không gian làm việc và cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ.

Môi trường ở Phúc Sinh cũng rất tự do, có lẽ bởi vậy mà không ít nhân viên vẫn lầm tưởng tôi là quản lý một phòng ban nào đó. Tôi thấy vui vì sự tự do này, tôi có thể làm vô vàn thứ và không cần là biểu tượng của Phúc Sinh.

Subtitle_03_1203_

- Với tâm hồn tự do như vậy, ngoài chơi tranh, viết sách, ông còn sở thích nào khác không?

- Chắc là sở thích làm việc. Đến nay, tôi vẫn duy trì lịch làm việc từ 6h sáng đến 11h đêm mỗi ngày.

Tôi là con út trong một gia đình công chức cơ bản. Lúc tôi chào đời, bố đã 40 tuổi. Nuôi 7 người con ăn học đại học, đến thời tôi là bố mẹ đã cạn kiệt. Tôi luôn tự nhủ phải lao động thì mới có miếng ăn. Rồi từ lúc nào không rõ, sở thích của tôi là làm việc.

Thời sinh viên của tôi là 11 ca dạy gia sư mỗi tuần, có ngày dạy cả ca chiều, ca tối lẫn ca đêm. Có tiếng Anh nên tôi làm thêm nhiều công việc khác liên quan đến dịch thuật, kể cả dạy tiếng Anh cho các giám đốc doanh nghiệp từ năm thứ hai đại học. Ngoài tấm bằng kinh tế ở Đại học Ngoại thương, tôi cũng học thêm bằng Luật để bổ trợ kiến thức.

Thế hệ của chúng tôi không có nhiều cơ hội việc làm như bây giờ. Tôi cũng không có sự giúp đỡ của bố mẹ nên ra trường thì phải tự xin việc, thi tuyển vào các công ty.

- Vậy nhìn lại 19 năm khởi nghiệp đã qua, đâu là thời điểm khó khăn nhất đối với ông?

- Đó là 5 năm đầu tiên. 26 tuổi, tôi tích cóp được 60 triệu đồng và nghỉ việc, thành lập Phúc Sinh. Khi đó, tôi ở trong căn chung cư nhỏ xíu, vỏn vẹn 17 m2, tích cóp mãi mới mua được. Tôi làm việc ngày đêm, không lúc nào dám tắt điện thoại.

Nghĩ lại 5 năm đầu quá kinh khủng, tôi chỉ biết ngồi nhìn lên trần nhà và suy nghĩ xem có nên bán nhà luôn không. Có những lần mất hết tiền, không có khách hàng, suýt phá sản. Vậy mà cứ suy nghĩ tích cực rồi cuối cùng cũng qua hết, từng bước có mọi thứ như hôm nay.

Quote_03_1197_

- Được mệnh danh là “vua tiêu” với vị thế tiên phong trong ngành, có bao giờ ông gặp áp lực?

- Tôi vẫn làm nhiều và sáng tạo nhiều trong ngành tiêu, bởi đó là khởi sự và cũng là nguồn thu lớn nhất cho Phúc Sinh đến lúc này. Tôi không bị áp lực khi là đơn vị tiên phong, bởi sáng tạo là cuộc sống của tôi, chúng tôi đầu tư rất nhiều cho mảng R&D.

Xuất khẩu tiêu, cà phê, chuyển khẩu hay bán lẻ trong nước, tôi không chịu áp lực phải đạt được vị trí này, vị trí nọ, nhưng nếu không nỗ lực sẽ rất chán. Kể cả làm gì trơn tru quá cũng không hay, phải có thách thức mới thú vị. Tôi nghĩ mình thích sự sáng tạo, thách thức, thích những thứ không dễ dàng. Bởi vậy, tôi luôn tìm kiếm những cuộc chiến mới để thử thách bản thân và con người ở Phúc Sinh.

- Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

(Theo Zing)

https://zingnews.vn/vua-tieu-muon-kinh-doanh-thoi-trang-post1155477.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vua-tieu-muon-kinh-doanh-thoi-trang-a146451.html