Những 'rich kid' Mỹ muốn đập nát chủ nghĩa tư bản

Tại Mỹ, một nhóm 'rich kid' - có quyền thừa kế tổng cộng hàng chục tỷ USD từ cha mẹ - đang quyết tâm sống với những giá trị của bản thân và cho đi số tiền khổng lồ đó.

Tại Mỹ, một nhóm 'rich kid' - có quyền thừa kế tổng cộng hàng chục tỷ USD từ cha mẹ - đang quyết tâm sống với những giá trị của bản thân và cho đi số tiền khổng lồ đó.

Theo New York Times, những ngày qua Sam Jacobs liên tục trao đổi với các luật sư của gia đình. Anh cố gắng rút thêm tiền từ quỹ ủy thác 30 triệu USD mà cha mẹ để cho anh. Ở tuổi 25, tưởng như Jacobs muốn vung tiền mua siêu xe hay xây dựng startup.

Nhưng thực tế là anh lại muốn hiến tặng số tài sản của mình. “Tôi muốn xây dựng một thế giới mà ở đó, một cá nhân không thể kiểm soát hàng chục triệu USD”, Jacobs khẳng định. Là người tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội từ khi học đại học, Jacobs coi khối tài sản khổng lồ của gia đình là “sự thất bại về kinh tế và đạo đức”.

Anh muốn sử dụng tài sản thừa kế để chống lại hệ thống đã tạo ra sự giàu có cho tầng lớp 1% của nước Mỹ. Theo thống kê, thế hệ Millennial (sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) tại Mỹ sẽ là đối tượng thừa kế số tài sản vô cùng lớn. Hàng chục nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong vòng 10 năm tới.

Cụ thể, hãng tư vấn Accenture ước tính thế hệ sinh năm 1925-1945 và 1946-1964 sẽ chuyển giao khoảng 30.000 tỷ USD cho con cháu tính đến năm 2030, và 75.000 tỷ USD tính đến năm 2060.

Người thừa kế Rachel Gelman. Ảnh: Resource Generation.

"Chống chủ nghĩa tư bản"

Phần lớn số tiền đó tập trung ở tầng lớp giàu nhất. Anh Jacobs - cháu nội của nhà sáng lập Qualcomm - sẽ thừa kế khoảng 100 triệu USD. Trong khi đó, những người thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn phải đối mặt với tương lai u ám như thị trường lao động bị thu hẹp và mạng lưới an sinh xã hội ngày một sa sút.

Khoảng cách giàu nghèo ngày một phình to đã thúc đẩy làn sóng chính trị cánh tả tại Mỹ. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - cựu ứng viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ - trở thành gương mặt nổi bật của phong trào cánh tả. Trong vòng 6 năm, số lượng thành viên tổ chức Democratic Socialists of America tăng từ vài chục lên gần 100.000 người, phần lớn dưới 35 tuổi.

Anh Jacobs cho biết với tư cách là một thành viên nhóm 1% giàu nhất, anh muốn tìm hiểu cuộc sống của nhóm 99% còn lại.

“Cha mẹ tôi nói rằng ‘Đời là thế’ khi giải thích việc gia đình tôi giàu có còn gia đình khác thì nghèo. Tôi không bao giờ đặt câu hỏi tại sao”, cô Rachel Gelman - 30 tuổi, sống ở Oakland, California - cho biết. Cô tự mô tả bản thân là người “chống chủ nghĩa tư bản”.

Người thừa kế Sam Jacobs có quỹ ủy thác 30 triệu USD. Ảnh: Resource Generation.

Trên thực tế, gia đình của Gelman thường xuyên quyên tiền cho các tổ chức xã hội. “Nhưng phần lớn tài sản của tôi đến từ cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là nó đến từ việc bóc lột người lao động. Khi hiểu ra điều đó, tôi muốn phân phối tài sản của mình cho cộng đồng”, cô nhấn mạnh.

“Những người này thừa kế khối tài sản khổng lồ trong khi với đại bộ phận người dân Mỹ, ‘Giấc mơ Mỹ’ giờ là thứ rất xa vời”, New York Times dẫn lời giáo sư kinh tế Richard D. Wolff thuộc Đại học Massachusetts Amerst cho biết. Ông Wolff từng xuất bản 12 cuốn sách về tình trạng bất bình đẳng tại Mỹ.

Pierce Delahunt, 32 tuổi, sở hữu một quỹ ủy thác lớn. Anh là con của một đại gia kinh doanh trung tâm thương mại. Anh quyên góp 10.000 USD mỗi tháng cho nhiều tổ chức xã hội, phần lớn hoạt động với mục tiêu chống chủ nghĩa tư bản.

Nếu tiền bạc là quyền lực thì những người thừa kế giàu có này muốn tái phân bổ quyền lực. Margi Dashevsky - 33 tuổi, sống ở Alaska - tham khảo ý kiến của các nhà hoạt động vì quyền lợi của người da đen và thổ dân Mỹ khi quyên tiền từ thiện. “Thừa kế một số tiền lớn không đồng nghĩa với việc tôi hiểu rõ cách sử dụng nó như thế nào”, cô nói.

Trên thực tế, việc quyên tiền từ thiện sẽ không thể làm thay đổi cả một hệ thống. Tuy nhiên, những người thừa kế giàu có này cho rằng có một sự thay đổi lớn đang diễn ra, và họ quyết tâm thúc đẩy sự thay đổi đó.

Một cách bù đắp

Đa phần những người thừa kế giàu có muốn hiến tặng tài sản sẽ tìm đến với tổ chức Resource Generation. Được thành lập vào năm 1998, đây là cỗ máy chính trị của những người giàu có ở độ tuổi 18-35. Tổ chức phi lợi nhuận này khuyến khích các thành viên nhìn nhận chủ nghĩa tư bản là một hệ thống tàn nhẫn, “dựa trên đất đai, sức lao động và những cuộc sống bị đánh cắp”.

Maria Myotte, Giám đốc Truyền thông của Resource Generation, cho biết số lượng thành viên tổ chức tăng mỗi khi có biến động tại Mỹ, ví dụ như cuộc biểu tình Occupy Wall Street, bầu cử tổng thống năm 2016, dịch Covid-19 và làn sóng Black Lives Matter năm nay.

Theo các khảo sát mới nhất, các thành viên của mạng lưới Resource Generation mở rộng kiểm soát khoảng 22 tỷ USD tài sản (cả hiện tại và được thừa kế trong tương lai).

Ban đầu, một số người thừa kế xung đột căng thẳng với gia đình. “Tôi từng tranh cãi dữ dội với người nhà tại bàn ăn”, Sam Vinal - 34 tuổi, sống ở Los Angeles - kể lại. Nhưng dần họ tìm cách thuyết phục gia đình nhẹ nhàng hơn. Khi mẹ của Vinal muốn thành lập một tổ chức gia đình, anh thuyết phục mẹ đi theo một con đường khác.

Elizabeth Baldwin, gốc Ấn Độ, là người thừa kế của một gia đình da trắng giàu có. Ảnh: New York Times.

Từ khi được thành lập vào năm 2017, tổ chức này đã hỗ trợ nhiều nhóm hoạt động. Vinal dành nhiều thời gian tiếp xúc giới trẻ. “Tôi cố gắng hiểu cuộc sống của họ, khoảng cách giàu nghèo và muốn tìm cách giúp chúng ta vượt lên khỏi chủ nghĩa tư bản”, anh tâm sự.

Phần lớn người thừa kế giàu có muốn quyên góp tài sản là người da trắng. Các thành viên da màu thuộc Resource Generation thường có ít tài sản hơn. Elizabeth Baldwin, 34 tuổi, là con nuôi của một gia đình da trắng giàu có ở Cabridge, Massachusetts. Cô là người gốc Ấn Độ.

Baldwin cho biết những người thừa kế như cô cần phải quyết định quyên tiền như thế nào khi không có được sự bảo vệ cần thiết như của người da trắng. Cô muốn giữ một phần tài sản thừa kế để mua một căn hộ và nuôi gia đình.

Cô quyên tiền cho các tổ chức chống phân biệt chủng tộc, chuyên cho các doanh nghiệp của người da đen vay vốn với lãi suất thấp. “Số tiền tôi thừa kế đến từ hành vi bóc lột những người lao động trông giống như tôi, do đó quyên góp là cách bù đắp”, Baldwin khẳng định.

Nền kinh tế đoàn kết

Cô Baldwin có mối quan hệ sâu rộng với các tổ chức như Grassroots International và Thousand Currents. Đây là những mạng lưới thiện nguyện hoạt động ở nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ. “Không ai trong gia đình tôi thắc mắc tài sản có nguồn gốc từ đâu, và tôi cảm thấy mình cần phải làm điều này”, cô giải thích.

Nhiều người thừa kế cũng không muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán vì cho rằng đó là “cỗ máy của chủ nghĩa tư bản”. “Tôi trở nên giàu có bởi nhiều người nghèo đi, do đó tôi không muốn đầu tư vào những thứ như cổ phiếu Coca-Cola hay Exxon-Mobil”, cô Baldwin nói. “Tôi muốn dồn tiền cho các cộng đồng không được quyền tiếp cận nguồn lực kinh tế”.

Tôi muốn đầu tư vào một nền kinh tế mang tính hợp tác và bền vững

Những người như Baldwin nói họ đầu tư vào “nền kinh tế đoàn kết”. Điều đó có nghĩa là họ sử dụng tiền để hỗ trợ hạ tầng kinh tế bình đẳng hơn cho mọi người. Họ quyên tiền cho các công đoàn, doanh nghiệp nhỏ, quỹ ủy thác của cộng đồng, các tổ chức phi lợi nhuận…

Emma Thomas, 29 tuổi, bán cổ phiếu và “đầu tư vào một nền kinh tế mang tính hợp tác và bền vững, không đòi hỏi tăng trưởng vô độ”. Hồi giữa năm, cô và một nhóm người chuyển tài sản tới các dự án đất đai hỗ trợ người da đen.

Với Thomas, việc đóng góp vào nền kinh tế đoàn kết thể hiện những giá trị cô theo đuổi và có ý nghĩa hơn nhiều so với những con số trong tài khoản. “Đến một lúc bạn sẽ thấy những con số đó chỉ là ảo. Ngược lại, được thấy người nghèo có chỗ ăn, đồ ăn và một cộng đồng chính là lợi nhuận thật sự”, cô khẳng định.

Minh Phụng

Nguồn Zing: https://zingnews.vn/nhung-rich-kid-my-muon-dap-nat-chu-nghia-tu-ban-post1098569.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-rich-kid-my-muon-dap-nat-chu-nghia-tu-ban-a146544.html