Ông Nguyễn Thanh Trung và hướng đi riêng của Tôn Đông Á

Ông chủ Tôn Đông Á Nguyễn Thanh Trung đã chứng minh một điều: người chiến thắng không phải người mạnh nhất mà là người bền sức qua các cuộc sàng lọc của thị trường.

THÁNG 8.2020 ĐÁNH DẤU MỘT BƯỚC NGOẶT VỚI CÔNG TY CỔ PHẦN TÔN ĐÔNG Á khi bàn giao lô hàng tôn mạ thử nghiệm đầu tiên cho nhà máy Samsung Việt Nam. Trước đó, tập đoàn Hàn Quốc tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa đủ tiêu chuẩn cho nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất Đông Nam Á của họ xây dựng tại Việt Nam.

Hướng đi riêng của Tôn Đông Á - ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Trung, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Tôn Đông Á.

Tôn Đông Á, doanh nghiệp lớn trong ngành tôn mạ Việt Nam lọt vào mắt xanh của Samsung và sau đó tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến chất lượng trước khi cung cấp sản phẩm thử nghiệm. “Chúng tôi đang bước một chân vào thị trường cung ứng sản phẩm tôn mạ dành cho ngành thiết bị gia dụng,” ông Nguyễn Thanh Trung, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Tôn Đông Á chia sẻ với tạp chí Forbes Việt Nam.

Chú trọng đầu tư vào công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao trong ngành đã giúp Tôn Đông Á từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị phần và trở thành một trong hai doanh nghiệp lớn nhất trong ngành tôn mạ ở Việt Nam. Và bây giờ họ đang có cơ sở để tự tin vào chặng đường sắp tới: tạo ra các sản phẩm tôn mạ có giá trị gia tăng cao, điều ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được.

Năm 2019, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu hơn 12.600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 76 tỉ đồng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành tôn mạ thua lỗ, giảm lợi nhuận do dư thừa công suất. Năm 2020, dự kiến doanh thu công ty đi ngang hoặc tăng nhẹ.

Cần đặt các con số tăng trưởng của Tôn Đông Á trong bức tranh chung của ngành tôn mạ Việt Nam. Theo thống kê của hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quán quân thị phần mảng tôn mạ (thép tấm cán mỏng, được mạ màu, kẽm hoặc hợp kim nhôm kẽm) thuộc về công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen với hơn 30% trong năm 2019. Hoa Sen có công suất khoảng 2 triệu tấn/năm, lợi thế sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng rãi cả nước, với hơn 530 cửa hàng và chi nhánh.

Tôn Đông Á, đứng ở vị trí thứ hai, công suất khoảng một triệu tấn, thị phần 17,1%, xếp trên công ty cổ phần Thép Nam Kim, doanh nghiệp có công suất 1,2 triệu tấn với hai dòng sản phẩm chủ lực là thép ống và tôn mạ. Ba công ty đầu ngành hiện nắm giữ hơn 60% thị phần.

Ngoài Hòa Phát mới tham gia sản xuất tôn mạ đang có tham vọng mở rộng, các công ty khác có quy mô nhỏ, công suất sản xuất khoảng vài trăm ngàn tấn/năm. Đây là năm thứ hai Tôn Đông Á giữ vị trí thứ hai, vị trí trước đó thuộc về Nam Kim.

Từ năm 2018, việc tiêu thụ của Nam Kim đã gặp nhiều khó khăn dẫn đến sản lượng tôn mạ kẽm giảm hơn 25%, đồng thời mất vị trí thứ hai thị phần vào tay Tôn Đông Á. Quán quân ngành tôn mạ hiện nay thuộc về Hoa Sen nhưng thị phần đã thu hẹp đáng kể bắt đầu từ năm 2014.

Thép là ngành công nghiệp nặng, quan trọng với mọi quốc gia. Dựa vào mục đích sử dụng, sản phẩm thép được chia làm hai loại: thép dài (còn gọi là thép xây dựng) và thép dẹt gồm ống thép, tôn mạ và thép cơ khí chế tạo dùng trong các lĩnh vực hạ tầng kết cấu nhẹ (tôn mái), ô tô, đóng tàu, sản xuất máy móc, năng lượng.

Ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu thép xây dựng vượt trội hơn do cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản phát triển. Ở các quốc gia đã phát triển, ngành công nghiệp chế tạo phát triển, kéo theo nhu cầu tiêu dùng thép dẹt cao hơn.

Sản phẩm thép dẹt đòi hỏi công nghệ tiên tiến và vốn đầu tư lớn hơn so với sản xuất thép dài. Cơ cấu thép dài xây dựng và thép dẹt ở Việt Nam khoảng 52-40%. Phần nhỏ còn lại là các loại thép khác.

Thị phần Tôn Đông Á bắt đầu gia tăng mạnh trong giai đoạn 2014–2019, thời kỳ bùng nổ của ngành tôn mạ Việt Nam. Lý do, kinh tế Việt Nam tăng trưởng, nhu cầu xây dựng và đầu tư nhà xưởng phát triển mạnh. Vì vậy, các nhà máy tôn mạ không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, chớp thời cơ để giành thị phần. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng sản xuất quá nhanh khiến nguồn cung “bội thực.” Kết quả từ việc nhập khẩu tôn mạ, Việt Nam chuyển sang dư cung, phần dư thừa phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Cuối năm 2019, tổng công suất ngành tôn mạ Việt Nam ước khoảng 7,5 triệu tấn, tuy nhiên, tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 2,4 triệu tấn. Tỉ lệ hấp thụ toàn ngành tôn mạ tổng cộng chỉ đạt 51% so với công suất thiết kế, theo báo cáo của công ty Chứng khoán Vietcombank.

Hướng đi riêng của Tôn Đông Á - ảnh 2

Công nghệ và thiết bị trong nhà máy Tôn Đông Á chủ yếu từ các nước phát triển.

TRONG BỐI CẢNH CUNG VƯỢT CẦU, ngành tôn mạ Việt Nam chịu hai cú sốc. Cú sốc thứ nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Có thời điểm, mức thuế bán phá giá và thuế chống trợ cấp Mỹ áp lên sản phẩm tôn mạ Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc (trước năm 2019, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán nóng – HRC từ Trung Quốc) lên đến 522,23%.

Năm ngoái, Formosa Hà Tĩnh và tập đoàn Hòa Phát sản xuất được thép cán nóng HRC, các doanh nghiệp chuyển sang mua nguyên liệu nội địa. Tuy nhiên, làn sóng tăng cường bảo hộ thương mại trên thế giới lan rộng, các quốc gia khác bắt đầu sử dụng các rào cản kỹ thuật với sản phẩm tôn mạ Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều gần như đã áp thêm thuế chống bán phá giá, trợ cấp thương mại lên sản phẩm tôn mạ Việt Nam, theo ông Trung. Trong khi ngành tôn mạ đang khó khăn, đại dịch COVID–19 bùng phát tạo cú sốc thứ hai. Kết quả, nhiều doanh nghiệp tôn mạ lâm vào tình trạng dư thừa công suất, lợi nhuận sụt giảm.

Ông Trung chia sẻ: “Ngành tôn mạ Việt Nam đã có vị thế trên thế giới, xuất khẩu vào nhiều quốc gia nhưng đang đối diện một cuộc sàng lọc thứ ba”. Cuộc sàng lọc này, theo ông Trung, diễn ra nhanh hơn và “chỉ những doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng, chất lượng quản trị tốt trụ được”.

Trước đây ngành tôn mạ Việt Nam đã trải qua hai cuộc sàng lọc, dẫn đến
sự thu hẹp quy mô và rời đi của nhiều doanh nghiệp do cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á và cuộc sàng lọc do lãi suất ngân hàng tăng phi mã vào năm 2009–2010.

Tôn Đông Á làm thế nào để tránh được cuộc sàng lọc vừa qua, gia tăng được thị phần? Theo ông Trung, ngay từ đầu, công ty không chạy đua theo thị phần. Khi các doanh nghiệp mở rộng ồ ạt ở phân khúc phổ thông, dễ sản xuất nhất, Tôn Đông Á đầu tư vào sản phẩm tôn mạ chất lượng cao.

Năm 2014, công ty đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy số 2 tại khu công nghiệp Đồng An 2 (Bình Dương). Nhà máy gồm dây chuyền cán nguội từ Danieli (Ý), dây chuyển tẩy gỉ của Tenova (Ý), hệ thống xử lý nước thải từ Kobelco (Nhật Bản)... Nhà máy có công suất 800.000 tấn/năm, có thể tạo tôn mạ có độ bền cao, khả năng chống ăn mòn cao, bóng láng phù hợp tiêu chuẩn Nhật Bản, châu Âu và Mỹ và được bảo hành lên đến 40–50 năm.

Ông Trung kể: “Khi tôi mở nhà máy thứ hai, người ta nghĩ đầu tư vào công nghệ tôn mạ là xa xỉ. Ai cũng nghĩ làm sao để có cây thép dài hơn và tốt hơn để xây nhà cao hơn, làm nhịp cầu lớn hơn. Còn tôn chỉ dùng để che chắn, không phải sản phẩm gì quá đặc biệt cần phải chất lượng”.

Mặc dù quy mô chỉ có 800.000 tấn/năm nhưng do công nghệ đầu tư đồng bộ từ các nước G7 nên tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD, gấp ba lần suất đầu tư xây dựng một nhà máy chất lượng phổ thông có quy mô công suất tương ứng. Đầu năm 2015, Tôn Đông Á xuất lô hàng tôn mạ chất lượng cao thành công vào thị trường Mỹ, sau đó vào thị trường châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á.

Để nhà máy đạt đến “điểm vàng” về mặt hiệu quả, có thời điểm, Tôn Đông Á đẩy mạnh tỉ trọng xuất khẩu lên đến 60% cơ cấu doanh thu. Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, công ty giảm tỉ trọng này xuống còn khoảng 25–30% như hiện nay. Tôn Đông Á cũng là công ty cung cấp sản phẩm tôn mạ cho nhà máy VinFast và dự án metro.

Ông Trung từng lo lắng vì bị mất thị phần ở phân khúc phổ thông vào tay các đối thủ ở giai đoạn đầu khi tập trung sản phẩm chất lượng cao. Ông chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng chưa thấy được hiệu quả. Nhưng tôi có niềm tin, khi ngành tôn mạ phát triển, người tiêu dùng sẽ thấy sự khác biệt về chất lượng tôn mạ, các công ty FDI tại Việt Nam cũng sẽ yêu cầu các tấm tôn chất lượng như bản xứ. Điều đó sẽ thúc đẩy các chủ thầu tìm kiếm các nhà sản xuất sản phẩm chất lượng”.

Năm 2012, Tôn Đông Á là công ty tôn mạ Việt Nam đầu tiên triển khai dự án Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) với số vốn bốn triệu đô la Mỹ. Ông Trung giải thích: “Công ty hướng đến các sản phẩm chất lượng cao, phải nâng cấp công nghệ, quản trị. Đó là cơ sở tăng nội lực để cạnh tranh”.

Hướng đi riêng của Tôn Đông Á - ảnh 3

Một góc dây chuyền sản xuất của Tôn Đông Á.

Kết quả, giai đoạn ngành tôn mạ diễn ra cuộc sàng lọc thì Tôn Đông Á đứng vững vàng do tập trung vào phân khúc sản phẩm chất lượng, ít bị cạnh tranh hơn. Nhà máy Tôn Đông Á hiện chạy hết công suất.

ÔNG TRUNG, 61 TUỔI, NGƯỜI GỐC HUẾ SINH RA Ở ĐÀ NẴNG, tốt nghiệp khoa Xây dựng đại học Bách khoa TP.HCM năm 1981. Vóc người khiêm tốn, ông Trung có lối nói chuyện nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc tại một đơn vị nhà nước, sau đó khởi nghiệp để thỏa giấc mơ “tự làm ra một sản phẩm riêng”.

Năm 1996, ông Trung cùng một vài người bạn thành lập Tôn Đông Á. Trước khi công ty thành lập, ngành tôn mạ Việt Nam chỉ có hai công ty thép dẹt đáng chú ý: Posvina – liên doanh giữa tổng công ty thép Việt Nam và tập đoàn thép Hàn Quốc Posco; và công ty Tôn Phương Nam, liên doanh giữa tổng công ty Thép Việt Nam, Sumitomo của Nhật Bản và công ty FIW Steel SDN của Malaysia (Tôn Phương Nam còn được gọi là Tôn Việt Nhật).

Theo ông Trung, tên Đông Á đi kèm mong muốn của ông: “Khi nhìn về các nước Đông Á là nghĩ về Việt Nam”. Để hiểu thị trường, năm đầu tiên, Tôn Đông Á làm đại lý cho Posvina. Sau khi có khách hàng, ông Trung mua nguyên liệu đặt nhà máy khác sản xuất mang thương hiệu của công ty để bán ra thị trường. “Tôi bán thấp hơn Posvina ít nhất 100 đô la Mỹ/tấn,” ông Trung kể.

Giai đoạn đầu công ty thiếu vốn, không tiếp cận được ngân hàng, các cổ đông sáng lập cũng rút lui, ông Trung mất hai năm làm để trả nợ các cổ đông. Ông Trung và những người liên quan hiện nắm 75% cổ phần công ty. 25% cổ phần được bán cho đối tác chiến lược Nhật Bản vào thời điểm huy động vốn cho nhà máy thứ hai.

Trong quá trình đặt hàng gia công, ông Trung thường lui tới các nhà máy của đối tác, tìm hiểu về quy trình sản xuất. Cuối năm 1998, Tôn Đông Á mở nhà máy đầu tiên, chính thức sản xuất sản phẩm thương hiệu công ty, tiêu thụ chủ yếu ở miền Nam và Tây Nguyên. Tương tự các nhà máy tôn mạ thời điểm đó, công nghệ sản xuất ban đầu còn khá lạc hậu, mạ lá ra lá (sheet to sheet). “Công nhân cầm từng tấm thép 2–3 mét nhúng vào lớp mạ,” ông Trung kể.

Năm 2001, khi tham quan các nhà máy ở nước ngoài, ông Trung nhận thấy chức năng sử dụng cuối cùng của các sản phẩm tôn mạ không chỉ được dùng trong ngành xây dựng, mà còn cho nhiều ngành nghề. Đặc biệt, khi các công ty điện tử như Samsung, LG, Panasonic, Sanyo mở nhà máy tại Việt Nam, yêu cầu nguồn nguyên liệu từ sản phẩm tôn mạ chất lượng cao càng khiến ông quyết tâm nâng cao công nghệ sản xuất.

Mặc dù thị trường hiện tại không thuận lợi, hai năm qua, Tôn Đông Á ở giai đoạn có doanh thu và thị phần tốt nhất. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu cán mốc 14 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng 11%. Ông Trung giải thích: “Năm sau, công ty sẽ chọn lọc lại sản phẩm thế mạnh, vẫn chỉ tập trung vào các mặt hàng chất lượng cao cho lĩnh vực xây dựng và cung cấp nguyên liệu cho những nhà sản xuất thiết bị gia dụng”.

Ngoài Samsung, Tôn Đông Á đang xuất khẩu tôn mạ làm đầu vào cho một nhà sản xuất thiết bị gia dụng tại Thái Lan, sản xuất tủ lạnh, máy giặt, tivi. Bên cạnh đó, mức giá HRC ổn định cũng là yếu tố có lợi cho doanh thu của công ty. Ông Trung tiết lộ, trong tương lai, nếu thị trường thuận lợi, công ty có thể sẽ niêm yết, kế hoạch mà ông đã bỏ qua vào năm 2018 khi mải tập trung cho sản xuất và thị trường.

Theo Minh Thiên/Forbes Việt Nam

https://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/huong-di-rieng-cua-ton-dong-a-14223.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-nguyen-thanh-trung-va-huong-di-rieng-cua-ton-dong-a-a146608.html