Chỉ phân phối linh kiện của công ty đối thủ Intel tại Việt Nam, Vĩnh Xuân và Elite doanh thu hàng nghìn tỷ

Công ty Elite và Vĩnh Xuân là 2 nhà phân phối chính thức tại Việt Nam của Advanced Micro Devices (AMD) - đối thủ trực tiếp hiện nay của Intel.

Ngành công nghiệp tỷ USD trên thế giới

Trong bối cảnh máy tính bảng và điện thoại di động phát triển mạnh những năm gần đây trên thế giới, laptop cũng như máy tính để bàn đang bị thu hẹp đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, với các ngành đặc thù cần phải sử dụng phục vụ công việc như lập trình viên, công nghệ giải trí,...thì những chiếc máy tính vẫn là công cụ thiết yếu không thể thiếu.

Thành phần quan trọng để cấu thành nên những chiếc laptop hay máy tính bàn đó chính là bộ vi xử lý, bán dẫn (CPU) của thiết bị. Công nghiệp vi mạch bán dẫn cũng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Đứng đầu trong lĩnh vực này là Intel - Tập đoàn sản xuất thiết bị chất bán dẫn lớn nhất, và là nhà phát minh ra chuỗi vi mạch xử lý thế hệ x86 mà bộ xử lý tìm thấy ở các máy tính cá nhân.

Ngoài Intel, một doanh nghiệp trong ngành sản xuất triệu USD này ít được mọi người chú ý tới chính là Advanced Micro Devices (AMD) - nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ.

Chip máy tính cho Intel và AMD sản xuất.
Chip máy tính cho Intel và AMD sản xuất.

AMD là nhà cung cấp lớn thứ hai và là đối thủ đáng kể duy nhất của Intel trên thị trường cho các bộ vi xử lý dựa trên x86. Kể từ khi mua lại ATI Technologies - công ty chuyên sản xuất card đồ họa vào năm 2006, AMD trở thành công ty độc quyền trong thị trường Bộ xử lý đồ họa (GPU).

Riêng ở thị trường Việt Nam, trong khi Intel đã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tỷ đô đặt tại TP HCM, thì AMD hiện chỉ cung cấp sản phẩm thông qua 2 nhà phân phối chính thức là Công ty cổ phần Công nghệ Elite (Elite) và Công ty cổ phần Máy tính Vĩnh Xuân (Vĩnh Xuân).

Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận mỏng

Tuy chỉ tập trung mảng phân phối và phân chia đều thị trường Bắc - Nam, nhưng trong 4 năm trở lại đây, cả Elite và Vĩnh Xuân đều ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Điểm chung là tuy doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận lại rất mỏng, chỉ đạt từ 1-2%.

Kết quả kinh doanh của Elite và Vĩnh Xuân từ 2016 - 2019. Đvt: tỷ đồng
Kết quả kinh doanh của Elite và Vĩnh Xuân từ 2016 - 2019. Đvt: tỷ đồng

Elite trước đây có tên là Công ty TNHH Win Technology, thành lập năm 1995 bởi bà Trần Hoài Phương Chi (sinh năm 1973). Hiện nay, công ty nà sở hữu 6 chi nhánh tại các tỉnh thành gồm Hà Nội, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và trụ sở chính tại quận Bình Thạnh, TP HCM.

Ngoài Elite, bà Phương Chi hiện nay còn đứng đại diện pháp luật cho một loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tin học như: Công ty TNHH Đầu tư VWIN, Công ty TNHH Tin học Phúc Thịnh, Công ty TNHH Tin học Bách Thắng,....

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Elite đạt 1.005 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 272,9 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 2,5% và 37% so với thời điểm đầu năm.

Tại thời điểm tháng 6/2020, Elite có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Phạm Trung Kiên (sinh năm 1964).

Về tình hình kinh doanh, doanh thu của Elite có sự tăng giảm không đáng kể trong 4 năm qua, dao động mức khá cao từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận hàng năm đều tăng, tuy nhiên mức lãi thuần không cao. Riêng năm 2019, Elite ghi nhận doanh thu đạt 3.048 tỷ đồng, báo lãi 74 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận chỉ đạt 2,4%.

Khá giống Elite về thâm niên hoạt động trong ngành, Công ty Vĩnh Xuân được thành lập từ tháng 2/1997, có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 39 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cơ cấu cổ đông sáng lập của Vĩnh Xuân gồm 4 thành viên là ông Nguyễn Khắc Trung (sinh năm 1977 - nắm giữ 19,6%) - giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Xuân Hạnh (nắm 74,4%), bà Lê Thị Lan Khanh (nắm 3%) và bà Ngô Thị Kim Ngân (sinh năm 1980 - nắm 3%) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Vĩnh Xuân đạt 537 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 152,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên vẫn có điểm khác với Elite , doanh thu thuần của Vĩnh Xuân tăng trưởng đều qua các năm, mỗi năm tăng từ 10-20%. Năm 2019, ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.930 tỷ đồng, nhưng số lãi thuần chỉ ở mức 52,3 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận không cao, chỉ đạt 1,7%.

Ngoài việc là nhà phân phối cho AMD, Elite còn trực tiếp phân phối sản phẩm cho các hãng công nghệ lớn khác trên thế giới như HPI, HPE, Microsoft, Oracle, VMWare, Fujtsu, Huawei,..., còn Vĩnh Xuân cũng là nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của AOC, Apacer, Asus, Asrock, Corsair, Elgato, Kingston, Linksys, Logitech, MSI, Samsung…

Theo Quỳnh Chi/Doanh Nhân và Pháp Luật

https://doanhnhan.vn/chi-phan-phoi-linh-kien-cua-cong-ty-doi-thu-intel-tai-viet-nam-vinh-xuan-va-elite-doanh-thu-hang-nghin-ty-35663.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chi-phan-phoi-linh-kien-cua-cong-ty-doi-thu-intel-tai-viet-nam-vinh-xuan-va-elite-doanh-thu-hang-nghin-ty-a146613.html