Trung Quốc muốn phá vỡ thế thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời gia tăng kiểm soát cách người dân chi tiêu. Và theo CNN, Bắc Kinh hy vọng một đồng tiền kỹ thuật số có thể giúp đạt được cả hai mục tiêu kể trên.
Sau nhiều năm chuẩn bị, nước này bắt đầu triển khai thử nghiệm đầy tham vọng đối với đồng NDT kỹ thuật số hồi đầu năm nay. Nếu chương trình được áp dụng trên toàn quốc, Trung Quốc sẽ vượt đồng euro số sắp ra mắt của Ngân hàng Trung ương châu Âu, trở thành nền kinh tế mạnh nhất cung cấp tiền kỹ thuật số quốc gia.
Bắc Kinh quảng cáo đồng NDT kỹ thuật số là "loại tiền tệ tương lai giúp việc mua bán trở nên thuận tiện và an toàn hơn". Đồng tiền cũng hỗ trợ những người không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng và các dịch vụ tài chính truyền thống khác.
Trên thực tế, Trung Quốc gần như đã không dùng tiền mặt. Rất nhiều giao dịch tại nước này diễn ra bằng dịch vụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, những giao dịch đó thường được thực hiện trên các ứng dụng và nền tảng thuộc sở hữu tư nhân, ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
Đồng NDT sẽ có phiên bản kỹ thuật số. Ảnh: Bloomberg. |
Tham vọng thay thế đồng USD
Một đồng NDT kỹ thuật số sẽ thay đổi điều đó. Nó có thể cung cấp cho Bắc Kinh một lượng thông tin khổng lồ về việc người dân tiêu tiền ở đâu, như thế nào. Rõ ràng, cách tiếp cận này đi ngược lại mục đích ban đầu của tiền số. Đồng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác dựa trên một hệ thống blockchain phi tập trung, ngăn chặn bất cứ cá nhân hay tổ chức nào nắm quyền kiểm soát.
"Về bản chất, đồng NDT kỹ thuật số có thể giúp tăng cường sự giám sát và kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế và xã hội. Nó tăng cường tập trung quyền lực. Đó có thể là lý do chính khiến Bắc Kinh thúc đẩy phát triển tiền số mạnh mẽ và gấp rút", giáo sư Frank Xie tại Đại học South Carolina Aiken bình luận.
Ngoài ra, đồng tiền NDT kỹ thuật số còn có vai trò quan trọng trong một tham vọng lớn khác của Bắc Kinh. Đó là phá vỡ thế thống trị của đồng USD và gia tăng sức ảnh hưởng của đồng NDT trên thị trường toàn cầu.
Đến nay, Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều rào cản để đưa loại tiền tệ mới vào cuộc sống hàng ngày. Giới phân tích hoài nghi về việc liệu đồng NDT kỹ thuật số có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho đồng bạc xanh hay không. Một trong những trở ngại lớn nhất trên thị trường tài chính toàn cầu là mong muốn kiểm soát hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Trung Quốc tham vọng tăng sức ảnh hưởng của đồng NDT trên thị trường quốc tế. Ảnh: Reuters. |
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, việc thúc đẩy phát triển tiền kỹ thuật số đã bắt đầu vào năm 2014. Các cơ quan có liên quan đã dành 6 năm để nghiên cứu dự án trước khi đưa ra những chương trình thử nghiệm tại Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Tây An trong năm nay.
Giống tiền điện tử, đồng NDT kỹ thuật số kết hợp các yếu tố của công nghệ blockchain. Theo đó, mọi giao dịch đều được ghi lại và theo dõi trong sổ cái kỹ thuật số. Theo ông Fan Yifei, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tiền số sẽ thay thế một số tiền mặt đang lưu hành.
Sự phát triển của tiền kỹ thuật số cũng phục vụ một số mục đích khác. Đồng NDT dễ truy xuất hơn sẽ cho phép chính phủ quản lý tốt nguồn cung tiền. Bắc Kinh cũng muốn giảm ảnh hưởng của các công ty công nghệ tư nhân và những dịch vụ thanh toán kỹ thuật số đối với hệ thống tài chính nước này.
"Mảnh ghép cuối cùng"
Trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công khai về các chương trình tiền số, sau khi thừa nhận rằng họ cảm thấy bị đe dọa bởi các công nghệ kỹ thuật số với tốc độ phát triển thần tốc.
Các dịch vụ thanh toán trực tiếp như Alipay của Ant Group và WeChat Pay thuộc Tencent đã phát triển như vũ bão trong thập kỷ qua. Giới chức Bắc Kinh lo ngại những công ty tư nhân này sẽ ảnh hưởng quá mức đến các giao dịch kỹ thuật số tại đất nước tỷ dân.
Chẳng hạn, hồi năm 2013, Alipay tung một quỹ thị trường tiền tệ có tên Yu'e Bao. Quỹ này trở nên phổ biến đến mức các nhà quản lý Trung Quốc buộc phải vào cuộc và bắt Alipay giảm quy mô. Mối lo hàng đầu là rủi ro hệ thống. Nếu quỹ tiền khổng lồ gặp vấn đề, nền kinh tế tỷ dân sẽ bị tàn phá.
"Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại về thế độc quyền tiền kỹ thuật số của các gã khổng lồ công nghệ. Tác động của họ đối với hệ thống tài chính vượt ngoài khả năng giám sát của ngân hàng trung ương", ông Anthony Chan, Giám đốc chiến lược đầu tư châu Á tại Ngân hàng UBP, bình luận.
Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại về thế độc quyền tiền kỹ thuật số của các gã khổng lồ công nghệ. Tác động của họ đối với hệ thống tài chính vượt ngoài khả năng giám sát của ngân hàng trung ương
- Ông Anthony Chan
Tháng trước, các quan chức Bắc Kinh đột ngột hoãn đợt phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) của Ant Group, chỉ vài hôm trước ngày công ty này IPO tại sàn Thượng Hải và Hong Kong.
Theo ông Gillingham, Bắc Kinh rất lo ngại về việc tiền bị chuyển khỏi đất nước. Trung Quốc từ lâu đã tin rằng việc thắt chặt kiểm soát đối với hệ thống kinh tế, tài chính và xã hội là cách tốt nhất để duy trì sự ổn định chính trị. Những chính sách này cũng bảo vệ đất nước trước các cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
"Sự ra đời của đồng NDT số sẽ giúp họ thực hiện kiểm soát vốn tốt hơn", ông Gillingham nhận định.
Năm ngoái, dòng tiền rời khỏi Trung Quốc đạt mức kỷ lục vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Giáo sư Xie tại Đại học South Carolina nhận định tiền kỹ thuật số là "mảnh ghép cuối cùng" của chiến lược giám sát. Trung Quốc đã sử dụng một loạt công nghệ để thu thập lượng lớn thông tin của công dân.
Trong một báo cáo mới đây, ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Goldman Sachs, hoài nghi về tính ẩn danh của tiền kỹ thuật số so với tiền mặt. Theo ông, đặc điểm chính của loại tiền này là các ngân hàng trung ương có thể "giám sát trực tiếp việc sử dụng chúng".
Đồng NDT chỉ chiếm hơn 4% các giao dịch quốc tế, so với 88% của đồng USD. Ảnh: CNN. |
Việc tạo ra một loại tiền kỹ thuật số có thể giúp Trung Quốc giảm các rủi ro kinh tế khác, nhất là khi căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn dai dẳng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh vẫn còn chặng đường dài phải đi để đạt được tham vọng.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đồng NDT chỉ chiếm hơn 4% trong các giao dịch quốc tế. Trong khi đó, đồng bạc xanh đạt 88%. "Trung Quốc vẫn rất xa mục tiêu thu hút sử dụng đồng NDT trên phạm vi quốc tế", ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khẳng định.
Cũng không rõ liệu cư dân Trung Quốc có nhanh chóng chấp nhận đồng NDT hay không. Hơn 800 triệu người Trung Quốc, tương đương 86% người dùng mạng Internet, dùng những dịch vụ thanh toán di động như Alipay và WeChat Pay.
Tuy không được ngân hàng trung ương đảm bảo, các chương trình của Alipay và WeChat Pay mang đến sự tiện lợi tương tự. Trong khi đó, cư dân Trung Quốc sẽ do dự vì lo ngại mất quyền riêng tư, nhất là với những giao dịch lớn hoặc tài sản muốn chuyển ra nước ngoài.
"Nhiều người sẽ thận trọng. Họ có thể mất quyền riêng tư hơn, trong khi không nhận thêm nhiều lợi ích", ông Xie bình luận.
Theo Zing
https://zingnews.vn/trung-quoc-mo-soan-ngoi-dong-usd-bang-tien-dien-tu-post1160144.html