Kế hoạch tăng gấp 10 lần lô giao dịch tối thiểu lên 100 cp/lệnh và áp dụng thuế đánh vào cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng từ ngày 05/12/2020 có thể khiến mục tiêu 5% dân số tham gia đầu tư chứng khoán năm 2025 trở nên xa vời.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang trải qua giai đoạn hưng phấn hơn bao giờ hết. Liên tục nhiều phiên giao dịch trở lại đây, thanh khoản thị trường đạt trên 10 ngàn tỷ đồng, con số mà trước kia nhà đầu tư “lâu lâu mới thấy một lần”.
Tuy nhiên, chuỗi ngày hưng phấn này có thể không còn được nhìn thấy nữa trong thời gian tới khi một số thông tin xuất hiện đang tác động mạnh lên tâm lý nhà đầu tư và có rủi ro thành rào cản ngăn chặn dòng vốn mới tham gia TTCK.
Giao dịch theo lô 100 cổ phiếu: Chính sách cải lùi?
Đầu tiên, đó là thông tin dự kiến tăng đơn vị giao dịch lô chẵn (lô giao dịch) từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, theo đề xuất từ Sở GDCK Tp.HCM (HOSE). Thông tin này lập tức khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí lo ngại điều đó sẽ kéo thanh khoản thị trường giảm xuống, hạn chế nhà đầu tư tham gia vào chứng khoán. Lãnh đạo một công ty chứng khoán khi được hỏi đã chia sẻ: “Việc điều chỉnh lô chẵn sẽ làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ có vốn nhỏ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ khó bán cổ phiếu lẻ hơn”.
Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi nhà đầu tư vốn ít có thể phải thay đổi khẩu vị đầu tư theo yêu thích của mình (những cổ phiếu bluechip giá cao, sáng cửa tăng giá nhưng rủi ro thấp hơn) sang nhóm cổ phiếu rủi ro cao hơn. Và nếu không chấp nhận, nhà đầu tư có thể chọn dừng “cuộc chơi”, tìm lợi nhuận ở kênh đầu tư khác.
Nói thế để thấy kế hoạch tăng đơn vị giao dịch lô chẵn vô hình trung là rào cản cho lớp nhà đầu tư mới muốn tham gia thị trường chứng khoán. Điều này càng làm mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào năm 2020 và 5% năm 2025 theo Ðề án Cơ cấu lại Thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020-2025 thêm xa vời.
Kể từ đầu năm nay, đặc biệt từ tháng 3, lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng đột biến và cụm từ “nhà đầu tư F0” cũng xuất hiện nhiều hơn. Quan trọng hơn, chính những nhà đầu tư F0 đã đóng góp lớn vào sự hồi phục thị trường chứng khoán bất chấp sự tháo chạy của khối ngoại.
Giờ đây, HOSE lại muốn đưa ra chính sách có thể làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ có vốn nhỏ, liệu có là chính sách cải tiến?
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc tăng lô giao dịch lên gấp 10 lần sẽ hạn chế mạnh sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời giảm mạnh dòng vốn từ nhà đầu tư F0 vào các cổ phiếu bluechip do những cổ phiếu này trở nên đắt đỏ trước tiên. Do đó, VAFI đã có 2 văn bản gửi SSC và HOSE, thẳng thắn kiến nghị không thực hiện.
Lần thứ nhất, VAFI có văn bản phản đối chủ trương nâng lô giao dịch lên 100 cp vào ngày 16/4/2007 khi HOSE có ý định áp dụng từ ngày 07/05/2007. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, ông Trần Đắc Sinh, TGĐ HOSE lúc bấy giờ, đã hủy kế hoạch. |
Một chính sách mới đưa ra mà đầy những rào cản trong khi chưa phác họa được cái lợi nào thì có ý nghĩa gì? Trong khi đó, những chính sách còn dang dở, bao nhà đầu tư ngóng chờ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đâu phải ít. Chẳng hạn, phải kể đến chính sách cho bán chứng khoán chờ về, cho phép giao dịch T+0, bán khống…
Hay như góp ý của vị chuyên gia đã đồng hành lâu năm cùng thị trường chứng khoán rằng: “HOSE nên bỏ đợt khớp lệnh định kỳ ATO đi, hãy làm như sàn HNX, chỉ để ATC với thời điểm khớp ngẫu nhiên (theo hệ thống của Thái Lan)”.
Đánh thuế cổ tức bằng cổ phiếu: Bất hợp lý?
Chưa hết “sợ” trước chính sách tăng lô chẵn thì nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán lại nhận thêm thông tin từ ngày 05/12/2020, khi bán cổ phiếu được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị tính 5% thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, theo Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020, tổ chức (các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nơi các cá nhân ủy thác danh mục đầu tư…) sẽ khai và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán.
Điều đó nghĩa là khi nhà đầu tư bán lượng cổ phiếu (từ cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng) tương ứng tỷ lệ nhận được thì lập tức bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.
Chính điều này khiến nhà đầu tư trăn trở rất nhiều, bởi khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu làm lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm nhưng giá trị thì giảm đi. Vào ngày chốt quyền hưởng cổ tức, giá tham chiếu cổ phiếu bị điều chỉnh giảm tương ứng, đồng nghĩa tài sản của nhà đầu tư không tăng. Như vậy, việc đánh thuế 5% liệu có hợp lý, đặc biệt trong trường hợp giá cổ phiếu sụt giảm trên thị trường?
Về phía VAFI, tổ chức này cho rằng cán bộ hoạch định chính sách thuộc Vụ Chính sách Thuế - Tổng cục Thuế chưa hiểu bản chất các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, chỉ nghĩ đơn thuần “cổ phiếu thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu” là cổ đông nhận được tiền thưởng từ doanh nghiệp, do vậy một khi có thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập đầu tư vốn.
Theo VAFI, trả cổ tức bằng cổ phiếu thực tế không phải hình thức phân phối lợi nhuận sau thuế hay chia tiền mặt cho cổ đông. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm chia, không làm giảm lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp như trường hợp chia cổ tức bằng tiền mặt, cũng không làm tăng giá trị cổ phiếu về mặt sổ sách và thị giá trên lý thuyết (trên thực tế, sau chia tách, thị giá cổ phiếu có thể giảm hoặc tăng tùy thuộc nhiều yếu tố), cho nên, khi cổ đông nhận được cổ phiếu thì khoản này không được coi là thu nhập từ đầu tư vốn.
Hơn nữa, cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng không thể coi là thu nhập từ đầu tư vốn vì những nghiệp vụ này doanh nghiệp không mất 1 đồng trả cho nhà đầu tư. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng ngoài làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu còn ghi nhận sự tăng tài sản, tăng vốn điều lệ doanh nghiệp nhờ kinh doanh có lãi, trên thế giới không tồn tại sắc thuế nào đánh vào cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay đánh vào sự gia tăng tài sản của doanh nghiệp nhờ việc kinh doanh có lợi nhuận. Doanh nghiệp kinh doanh thành công đồng nghĩa với việc trả nhiều thuế VAT, TNDN, các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân và cổ đông cũng phải trả nhiều thuế cổ tức hơn nhưng tuyệt nhiên không có sắc thuế nào đánh vào sự gia tăng vốn điều lệ.
Thêm một lý do nữa để nhà đầu tư cân nhắc việc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ tìm đến kênh đầu tư an toàn hơn, gửi tiết kiệm là một kênh như thế.
Làm thế nào để thị trường chứng khoán phát huy vai trò trở thành kênh huy động vốn hàng đầu cho nền kinh tế, dần giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng là bài toán trăn trở của các nhà làm chính sách tại Việt Nam. Đến nay, thị trường chứng khoán dù sôi động nhưng quy mô vẫn rất nhỏ và cần nhiều chính sách khích lệ phát triển chứ không phải những quy định trở thành rào cản ngăn nhà đầu tư bước vào “sân chơi” này.
Khi Nghị định 126 có hiệu lực, các công ty chứng khoán sẽ phải điều chỉnh hệ thống quản lý tài khoản của nhà đầu tư, tách bạch được đâu là cổ phiếu gốc, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức, để thực hiện khấu trừ khi nhà đầu tư bán chứng khoán.
Việc này hóa ra lại vô cùng bất cập, chẳng hạn đối với cổ phiếu công ty chứng khoán nhận chuyển khoản từ thành viên lưu ký khác, hoặc cổ phiếu nhà đầu tư lưu ký mới tại công ty chứng khoán, các văn bản pháp luật và cơ quan liên quan chưa hướng dẫn, cũng như chưa có hệ thống và quy định đồng bộ cách xác định nguồn gốc chứng khoán phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn (cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng). Điều đó sẽ dẫn tới công ty chứng khoán không thể thực hiện được việc kê khai và nộp thuế thay cho nhà đầu tư. |
Theo FILI
http://fili.vn/2020/12/nhung-he-luy-tu-chuyen-nang-lo-giao-dich-den-danh-thue-co-tuc-bang-co-phieu-3355-810398.htm
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-he-luy-tu-chuyen-nang-lo-giao-dich-den-danh-thue-co-tuc-bang-co-phieu-a146675.html