Nhiều chiêu lừa đảo tài khoản ngân hàng

Thời gian qua, kẻ gian đã mạo danh hàng loạt các cơ quan chức năng như viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng để lấy thông tin, trộm tiền trong tài khoản của khách hàng. Agribank phát đi cảnh báo tình trạng kẻ gian giả mạo các chương trình khuyến mãi của ngân hàng kèm đường link website. 

Cuối tháng 11, một khách hàng 87 tuổi đến Ngân hàng Xây dựng (CB) chi nhánh Đồng Nai yêu cầu vay cầm cố 2 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 260 triệu đồng và chuyển số tiền vay này cho một tài khoản Techcombank mở tại TP HCM.

Thấy bất thường, nhân viên ngân hàng trao đổi hỏi han khách hàng và được khách hàng chia sẻ bị một đối tượng lạ tự xưng là cơ quan công an gọi điện đe dọa liên quan đến đường dây tội phạm về ma túy. Chúng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra. Nếu sau 1 tháng điều tra, khách hàng không liên quan đến đường dây tội phạm thì sẽ chuyển tiền trả lại. Do lo sợ nên khách hàng đã làm theo hướng dẫn của kẻ “giả công an”. Đây là một trong số ít những trường hợp lừa đảo được phát hiện và ngăn chặn.

Nhiều tài khoản lừa đảo ngân hàng.

Nhiều hình thức lừa đảo tài khoản ngân hàng. Ảnh: Ngọc Thắng.

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa phát đi cảnh báo tình trạng kẻ gian giả mạo các chương trình khuyến mãi Agribank kèm đường link website, ứng dụng Agribank E-Mobile và Internet banking chính thức của Agribank gần giống với giao diện chính thức và đề nghị khách hàng đăng nhập để “lĩnh thưởng”. Sau khi đăng nhập những đường link giả mạo thì bị “hack” tài khoản, mất tiền.

Còn theo Ngân hàng Vietcombank, kẻ gian sử dụng hàng loạt thủ đoạn như giả mạo người thân; lập fanpage giả trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng tư vấn sản phẩm dịch vụ và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, lấy trộm thông tin tài khoản ngân hàng; giả mạo tin nhắn trúng thưởng, tin nhắn cảnh báo, yêu cầu khách hàng gửi thông tin thẻ hoặc bấm vào các đường link đi kèm và nhập thông tin dịch vụ cho kẻ gian.

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo cũng mua các tên miền website có địa chỉ dễ gây nhầm lẫn với địa chỉ mà khách hàng muốn truy cập (chỉ khác nhau một ký tự) và thiết kế giao diện website giống hệt với trang web thật khiến người xem nhầm tưởng để lừa đảo.

Theo thống kê của Công an Hà Nội, từ ngày 17/6 - 17/9, trên địa bàn TP đã xảy ra 88 vụ giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 67 tỷ đồng.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nhieu-chieu-lua-dao-tai-khoan-ngan-hang-1314379.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhieu-chieu-lua-dao-tai-khoan-ngan-hang-a146760.html