Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được. Với lòng tin vào tài trí và khả năng của người Việt Nam, 30 năm qua, ông Nguyễn Đức Thuấn và đồng đội đã gây dựng, phát triển TBS Group và chứng minh tiềm năng của ngành công nghiệp nước nhà trên thương trường quốc tế.
Trưởng thành từ những cuộc chia ly
TGĐ Thái Bình Shoes sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo ở Thái Bình. Ngay từ nhỏ, sống trong cảnh đất nước và quê hương gặp nhiều khó khăn vất vả, ông Thuấn luôn có một khao khát có thể làm gì đó giúp cho quê hương, đất nước mình trở nên giàu mạnh.
Đến tuổi trưởng thành, vẫn mang trong mình những ý chí và khát vọng ngày bé, sau thời gian rèn luyện trong quân đội, ông lại miệt mài đèn sách để chuẩn bị hành trang cho mình sau này gây dựng và giúp đỡ cho nền kinh tế nước nhà.
Ngay sau khi xuất ngũ ông Nguyễn Đức Thuấn cùng đồng đội của mình là ông Cao Thanh Bích và Nguyễn Thanh Sơn đã góp 2 tỷ bắt đầu “tấn công” vào mặt trận kinh tế với suy nghĩ và kế hoạch táo bạo là thành lập và phát triển công ty da giày đặt tên là Thái Bình Shoes (TBS), và “đứa con” ấy sau này đã trở thành một trong những công ty sản xuất lớn nhất Việt Nam, mang tầm quốc tế.
Tháng 9 năm 1992, nhà máy sản xuất mang tên Thái Bình Shoes đầu tiên được cấp phép hoạt động.
Với kinh nghiệm dày dạn, ý chí kiên định được tôi luyện trong môi trường quân đội đã tạo ra bước đệm vững chắc cho ba người đồng đội, đồng nghiệp khi bắt tay vào xây dựng tập đoàn Thái Bình Shoes và từng bước đưa TBS tiến gần hơn tới hoài bão đưa nền công nghiệp Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.
Năm 1993, TBS thành công ký hợp đồng đầu tiên, gia công giày nữ cho Orion, với số lượng 6 triệu đôi. Tuy nhiên, sau 3 năm, họ đã chia tay khi thấy sự hơp tác này không mang lại nhiều lợi nhuận như mong đợi.
Trong lúc hợp tác với Orion, TBS cũng không ngừng tìm kiếm các đối tác khác. Năm 1994, hãng giày thể thao lớn nhất nhì thế giới Reebok vào Việt Nam để tìm kiếm đối tác gia công sản phẩm. Người đầu tiên họ tìm đến chính là Hưng Thịnh, doanh nghiệp có quy mô lớn nhất của Tổng công ty Da giày Việt Nam. Lúc này, ông Nguyễn Kao Tường – Giám đốc Hiệp Hưng, một trong những nhà máy sản xuất giày lớn nhất Việt Nam thời điểm đó đã giới thiệu Reebok với TBS.
Tuy nhiên, để có được hợp đồng với Reebok, TBS buộc phải xây dựng thêm nhà máy chuyên về sản xuất giày thể thao. Năm 1995, ông Thuấn đã “liều lĩnh” vay 500.000 USD để xây dựng nhà máy thứ 2 cũng như mua thiết bị máy móc. Năm 1996, khi Orion quyết định thôi hợp tác, Thái Bình Shoes không “lâm vào thế bí” khi đã có Reebok thay thế.
3 năm sau, Reebok bất ngờ rút khỏi thị trường Việt Nam để tập trung cho các nhà máy gia công ở Trung Quốc. “Tin sét đánh” này đã khiến ông Nguyễn Đức Thuấn và TBS lâm vào cảnh vô cùng khó khăn và dường như không thể cầm cự được nữa. Cùng lúc này “vị cứu tinh” Decathlon xuất hiện.
Năm 1998, Decathlon đã chọn TBS thay vì sản phẩm của họ vừa tốt lại rẻ hơn các công ty khác. Mối lương duyên của cả hai kéo dài trong 15 năm, TBS trở thành đối tác chính của Decathlon và ngược lại. Có lúc, thương vụ này còn chiếm 1/2 doanh số của TBS.
Năm 2008, để trở thành đối tác chiến lược của DC, TBS tiếp tục đổ tiền đầu tư công nghệ mới no-sew. Tới năm 2011, nhằm trở thành công ty gia công túi xách cho nhãn hàng danh tiếng Coach, TBS đã bỏ ra 25 triệu USD để mở 2 nhà máy và mua thiết bị công nghệ. Thời điểm đó, TBS là doanh nghiệp xuất khẩu giày số 1 nhưng kinh nghiệm làm túi xách lại bằng 0.
Khi nhận được lời mời sản xuất túi xách cho Coach, ông Thuấn nghĩ: "Trong gần 1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu túi xách hằng năm, hầu hết đều từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN trong nước chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Nếu không làm, túi xách made in Vietnam sẽ không thể vươn ra thế giới”.
Với giá xuất khẩu bình quân 40 - 50 USD/sản phẩm, nếu xét về mặt giá trị, sản xuất túi xách có mức doanh thu cao hơn hẳn so với sản xuất giày hoặc hàng dệt may. Ngay cả doanh thu đạt được trên đầu người trong ngành túi xách cũng sẽ cao hơn từ 30 - 50% nếu so với sản xuất giày.
Tuy nhiên, con đường chinh phục đối tác đòi hỏi ông Thuấn phải có những quyết định táo bạo từ việc xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất để lấy được hợp đồng với đối tác mới tới việc thay đổi và tái cấu trúc toàn bộ hệ thống.
Nguồn kinh phí cho nhân lực và máy may lập trình lại có giá rất cao, giao động từ 14.000 - 36.000USD, nguyên vật liệu cho túi xách cao cấp lại là các loại da đắt tiền. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, ông Thuấn đã chinh phục được Coach với giá trị hợp đồng đầu tiên là 10 triệu đô la Mỹ. Theo kế hoạch, mỗi năm Coach sẽ mua hàng triệu sản phẩm của TBS Group.
Việc được tiếp cận với thương hiệu quốc tế và tham gia các hội chợ triển lãm, tham quan nhà máy, phòng nghiên cứu và phát triển của họ đã tạo ra một bước ngoặt về tư duy và định hướng đối với TBS Group.
Nhìn lại ngành da giày Việt Nam những năm gần đây mới thấy quyết định táo bạo của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thuấn là đúng đắn khi hiện nay, các thương hiệu túi xách có tiếng lâu nay tập trung sản xuất tại Trung Quốc.
Quyết tâm đưa người Việt làm chủ
30 năm trước, trong giai đoạn đất nước mới mở cửa, ngành sản xuất giày da của TBS được khởi tạo giữa những khó khăn, kiến thức về khoa học quản trị gần như con số không, thiếu thốn cả về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị.
Chủ tịch TBS Group, ông Nguyễn Đức Thuấn có lần chia sẻ câu chuyện về một chuyên gia người Hàn Quốc khuyên ông: “Hãy chỉ tập trung vào sản xuất, tôi sẽ giúp bạn hiệu quả kinh tế tốt hơn vì bạn không có được công nghệ, không có vật tư và khách hàng”. Chỉ 3 năm sau, chính những bạn hàng của chuyên gia này đã chuyển sang hợp tác với TBS Group, với đội ngũ nhân sự TBS toàn bộ là người Việt.
Học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, ông Thuấn sớm nhận thấy cần phải đầu tư nhiều vào chất xám hơn, mới có thể ăn sâu vào chuỗi giá trị. “Tôi đã đi nhiều quốc gia và học hỏi họ từng ngày, để rồi khi quay lại, tôi muốn hướng doanh nghiệp của mình đến sự tự cường, tự chủ”, ông Thuấn tâm sự.
Liên tiếp những năm sau là quá trình đầu tư chiều sâu, đồng thời mở rộng sản xuất như lắp đặt trung tâm nghiên cứu phát triển đầu tiên (1999), xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ đế giày (2002), hoàn thành kho bãi logistics… Hiện nay, TBS đã làm chủ thành công ngành công nghiệp sản xuất thời trang với hệ thống 18 nhà máy sản xuất giày, 3 nhà máy sản xuất đế, 8 nhà máy sản xuất túi trên khắp Việt Nam, 2 nhà máy tại Myanmar và Indonesia, văn phòng đại diện tại Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, 5 trung tâm phát triển sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Thuấn và Ban lãnh đạo TBS rất tâm đắc khi doanh nghiệp Việt đã tham gia sâu vào giá trị sản phẩm: “Trong mỗi đôi giày hay chiếc túi chúng tôi xuất đi 60 nước trên thế giới đã kết tinh giá trị chất xám của người Việt”.
Tổng kết con đường phát triển của TBS Group, ông Nguyễn Đức Thuấn tin tưởng: “Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được. Người Việt Nam có đủ khả năng làm chủ trên quê hương của mình”.
"Chìa khóa" chuyển đổi số
Hoạt động trong lĩnh vực sử dụng lực lượng lao động khá lớn, khi tiến vào kỷ nguyên số, ông Thuấn cho rằng để có thể thoát khỏi bẫy trung bình, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các công tác quản trị trên nền tảng số. Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, sau đó có thể thuê ngoài công nghệ để phân tích và tận dụng lượng thông tin quan trọng này.
Việt Nam đang có thời cơ dân số vàng với hơn 53 triệu người trong độ tuổi lao động. Mặt khác, da giày cũng là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Nhưng câu hỏi lớn nhất mà bất kỳ doanh nhân nào cũng phải đối mặt là “tại sao năng suất lao động của chúng ta lại thấp?”
Ngành công nghiệp thời trang trên thế giới có tổng giá trị khoảng 600 tỷ USD, riêng Trung Quốc vẫn là "anh cả" chiếm trên 50%. Việt Nam đang đứng thứ 2 trong ngành da giày, túi sách và xếp thứ 3 trong ngành dệt may.
Làm sao chúng ta có thể đẩy năng suất lao động ngang với những quốc gia đang cạnh tranh với chúng ta dữ dội nhất là Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar là điều mà ông Thuấn trăn trở.
Hiện thuế suất của Bangladesh và Myanmar gần bằng không, chi phí lao động của họ cũng chỉ bằng một nửa của Việt Nam và nguồn cung lao động rất dồi dào. Trong khi đó, nguồn cung lao động của Việt Nam trong những năm gần đây gặp rất nhiều vấn đề.
“Do đó, chúng ta phải tăng năng suất lao động. Mà muốn tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh, thì giải pháp đưa ra chính là phải quản trị trên nền tảng số”, ông Thuấn đặt vấn đề.
“Muốn tăng năng suất lao động thì cơ sở dữ liệu số là quan trọng nhất để đưa ra các quyết định sau đó”, ông Thuấn nói.
Cụ thể, TBS Group đã và đang đẩy mạnh quản trị trên nền tảng số từ những bước cơ bản như đưa các tác nghiệp thủ công hàng ngày sang công cụ số, cũng như kết nối, liên thông hệ thống dữ liệu từ hệ thống nghiên cứu, sản xuất, bán hàng...
Theo doanh nhân có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành da giày, doanh nghiệp phải kiểm soát mọi chi phí bao gồm nguyên vật liệu, khấu hao máy móc, nhân công… Nếu hệ thống sản xuất đạt được điều này, nghĩa là quá trình quản trị số tích phần nào đạt thành công.
“Người Việt Nam luôn có khát vọng làm giàu. Câu chuyện đặt ra để cùng nhau tham gia sâu chuỗi giá trị là doanh nghiệp có quy mô lớn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia ngành công nghiệp phụ trợ. Cái khó nhất là tất cả doanh nghiệp phải tạo ra một nền tảng cơ bản là công nghệ học của hệ thống, quản trị trên nền tảng tích hợp. Nghĩa là dùng khoa học công nghệ tích hợp lại để phục vụ dòng sản phẩm, ngành hàng riêng biệt. Chúng tôi là người đi trước trong ngành, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan”, ông Nguyễn Đức Thuấn, nhà sáng lập, Chủ tịch, Tổng giám đốc TBS Group chia sẻ.
Khánh Hà/Diễn Đàn doanh nghiệp