Ông Lê Minh Trí: Nhiều người 20-30 tuổi đứng tên tài sản nghìn tỷ

“Hiện, kê khai tài sản chúng ta chỉ ở trong hệ thống chính trị, nhưng khi người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên cả, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. Trong khi hiện nay có những người 20-30 tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ' ông Lê Minh Trí phản ánh khi đề cập tới việc xử lý tài sản tham nhũng.

Sáng 12/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao.

Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, kết quả công tác của VKSND và TAND các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động tố tụng ngày càng công khai, minh bạch; chất lượng ngày càng được nâng lên.

Đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản

Báo cáo công tác của Viện VKSND Tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết nhiệm kỳ qua, VKSND Tối cao đã tập trung giải quyết, kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc.

Theo ông Lê Minh Trí, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.

nguoi tham nhung khong bao gio tu dung ten tai san anh 1
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết nhiệm kỳ qua, số tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng. Ảnh: Hải Ninh.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, góp ý cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông, số tiền 80.000 tỷ thu hồi trong các vụ án tham nhũng cần được thể hiện rõ nét trong tương quan với các nhiệm kỳ trước, để toát lên kết quả của nhiệm kỳ vừa qua.

Giải trình rõ hơn, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định “thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước”.

Ông lý giải trước đây, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử lúc tuyên án mới tính đến vấn đề thu hồi tài sản. Nhưng nhiệm kỳ này, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, ngay từ đầu lúc khởi tố vụ án đã quan tâm đến thu hồi tài sản, các giai đoạn tố tụng sau đó cũng đều quan tâm đến nội dung này.

Ông Trí nhận định do nhiều thủ tục được tháo gỡ, phối hợp ngay từ đầu nên việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao hơn. Điển hình, nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%.

Lưu ý để thu hồi được tài sản tham nhũng cần có nhiều biện pháp, ông Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản và coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản.

“Hiện, kê khai tài sản chúng ta chỉ ở trong hệ thống chính trị, nhưng khi người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên cả, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên”, ông Trí nêu thực tế.

Ông cũng phản ánh hiện nay có những người 20-30 tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ.

“Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị hỏi ngay, và như vậy sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý”, ông Trí nói.

Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định nếu làm như vậy chắc chắn sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.

Xét xử nghiêm hơn 7.400 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế

Báo cáo công tác của TAND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết nhiệm kỳ qua, dù số lượng công việc tăng với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, các tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao.

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%.

nguoi tham nhung khong bao gio tu dung ten tai san anh 2
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết nhiệm kỳ này, việc xét xử các vụ án hình sự không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội. Ảnh: Hải Ninh.

“Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật”, ông Bình thông tin.

Liên quan đến việc tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, theo Chánh án TAND Tối cao, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo.

Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; đồng thời, áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Thẩm tra báo cáo công tác của hai cơ quan tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận trong hoạt động tố tụng đã giảm mạnh các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, trong nhiệm kỳ chưa phát hiện trường hợp nào tòa án kết án oan người vô tội.

Song song với đó, các cơ quan tư pháp đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng, không có trường hợp nào xét xử quá hạn luật định.

Cũng theo bà Nga, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng. Tỷ lệ giải quyết án tham nhũng đạt cao.

Cơ quan thẩm tra đánh giá các cơ quan tư pháp đã khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử đúng tiến độ các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.

Theo Hoài Thu/Zing News

https://zingnews.vn/ong-le-minh-tri-nhieu-nguoi-20-30-tuoi-dung-ten-tai-san-nghin-ty-post1172582.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-le-minh-tri-nhieu-nguoi-20-30-tuoi-dung-ten-tai-san-nghin-ty-a147677.html