Trong "năm đại hạn" của ngành hàng không, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất gần 11.100 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với ước tính trước đó.
Vietnam Airlines báo lỗ gần 11.100 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu đạt 8.202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ.
Trong đó, giảm mạnh nhất vẫn là doanh số từ vận tải hàng không và bán hàng, tuy nhiên Vietnam Airlines có doanh số khác tăng hơn hai lần cùng kỳ, lên mức 490 tỷ đồng.
Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp hàng không quốc gia đứng ở mức 515 tỷ đồng, giảm 63%.
Doanh thu tài chính giảm 37% còn 144 tỷ đồng, do thiếu hụt khoản lãi tiền gửi, cho vay và cổ tức, lợi nhuận được chia. Trong khi chi phí tài chính tăng 62% lên gần 80 tỷ đồng, các chi phí vận hành như bán hàng và quản lí doanh nghiệp được tiết giảm, về mức 489 tỷ đồng và 549 tỷ đồng, lần lượt giảm 52% và 21% so với cùng kỳ 2019.
Ba tháng cuối năm vừa qua, các công ty liên kết của Vietnam Airlines lỗ 46 tỷ đồng, khoản lợi nhuận khác cũng giảm 40% còn 128 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 422 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 24 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 40.612 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu tài chính giảm mạnh và các chi phí neo ở mức cao, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 11.097 tỷ đồng.
Mức lỗ này thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 29/12/2020 là 14.445 tỷ đồng.
Kết quả này là do doanh nghiệp đã hoàn thành tất cả các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bố chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của chính phủ.
Tính tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.967 tỷ đồng, giảm 17% so với cuối năm trước. Sự hao hụt này là do tiền nhàn rỗi giảm một nửa xuống 1.646 tỷ đồng; khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 86% còn 494 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 50% còn 1.850 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 7.904 tỷ đồng xuống 3.795 tỷ đồng...
Về nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp đứng ở mức 56.826 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ còn 1/3 so với cuối năm 2019, xuống 6.140 tỷ đồng do bị khoản lỗ lũy kế bào mòn.
Trong "năm đại hạn" của ngành hàng không, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay, giảm hơn 48% so với năm ngoái vì Covid-19. Sản lượng hành khách của hãng cũng ước đạt 14,23 triệu lượt, hàng hóa khoảng gần 195.000 tấn, giảm lần lượt 51% và 47% so với năm 2019.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines cho biết sẽ tập trung khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng cũng triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng sẽ thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không... nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.
Đáng chú ý, với sự đồng hành của Chính phủ và khả năng ứng phó trước khó khăn, ban lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ luỹ kế vào năm 2025.
Theo Vietnam Finance
https://vietnamfinance.vn/vietnam-airlines-bao-lo-gan-11100-ty-dong-20180504224249105.htm
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vietnam-airlines-bao-lo-gan-11-100-ty-dong-a148004.html