Coca-Cola VN báo lỗ triền miên và chuyển lỗ phát sinh giai đoạn trước, đến năm 2015 mới bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu vừa ban hành, Tổng Cục thuế đã thông tin vì sao doanh nghiệp này lỗ.
"Bí quyết" nằm ở hương liệu
Theo đó, Tổng Cục thuế cho hay trong giai đoạn từ 2007 đến 2015, Coca-Cola Việt Nam có phát sinh giao dịch với các bên liên kết về mua nguyên liệu, gồm hương hiệu, chất cô đặc, mua bán tài sản cố định, nhận dịch vụ, vay vốn, mua bán hàng hóa là các sản phẩm nước giải khát mang thương hiệu của Tập đoàn Coca-Cola.
Coca-Cola Việt Nam mua hương hiệu, chất cô đặc từ các bên liên kết để sản xuất ra các sản phẩm nước giải khát hoàn chỉnh để bán, phân phối, tiếp thị tại thị trường Việt Nam dưới thương hiệu của Tập đoàn Coca-Cola hoặc thương hiệu cấp phép của Tập đoàn Coca-Cola.
Công thức sản xuất hương liệu, chất cô đặc là bí quyết sản xuất độc quyền của Tập đoàn Coca-Cola. Coca-Cola Việt Nam chỉ sử dụng hương liệu, chất cô đặc pha chế cùng với đường, chất tạo ngọt, nước và khí CO2 và thực hiện đóng chai đóng lon để tạo ra các sản phẩm nước giải khát hoàn chỉnh. Hoặc tạo ra nước giải khát bán tại chỗ trong các máy bán hàng đặt tại các nhà hàng, quán ăn nhanh, rạp chiếu phim.
Phần lớn các sản phẩm nước giải khát hoàn chỉnh do Coca-Cola Việt Nam sản xuất được bán cho các khách hàng độc lập tại thị trường Việt Nam dưới các kênh bán hàng là nhà phân phối, siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim. Ngoài ra công ty này có phát sinh doanh thu bán nước giải khát cho các bên liên kết ở nước ngoài nhưng tỉ trọng thấp, ảnh hưởng không trọng yếu đến kết quả kinh doanh của công ty.
Theo Tổng Cục thuế, Coca-Cola Việt Nam đã kê khai, nộp các tờ khai giao dịch liên kết và lập hồ sơ xác định giá thị trường cho các năm tài chính từ 2007 đến 2015. Số liệu Coca-Cola Việt Nam kê khai phản ánh thua lỗ và chuyển lỗ phát sinh giai đoạn trước, dẫn đến năm 2015 mới bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phương pháp xác định giá mà công ty này áp dụng là phương thức so sánh lợi nhuận. Kết quả phân tích so sánh tại hồ sơ xác định giá thị trường với các đối tượng được chính Coca-Cola Việt Nam lựa chọn cho thấy, trong 5 năm, từ 2007 đến 2012, kết quả kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam nằm dưới biên độ giá thị trường chuẩn được hình thành từ các đối tượng so sánh độc lập do chính Coca-Cola Việt Nam tự lựa chọn.
Đáng lưu ý, Coca-Cola Việt Nam không thực hiện điều chỉnh kết quả kinh doanh của các năm có kết quả năm dưới biên độ giá thị trường chuẩn mà chỉ thực hiện điều chỉnh liên quan đến giá đường đối với kết quả tài chính, điều chỉnh tối ưu hóa tài sản, tức điều chỉnh chỉ tiêu của đối tượng so sánh, không điều chỉnh chỉ tiêu của Coca-Cola Việt Nam.
Ấn định giá ba năm, lợi nhuận thuần tăng gần 362 tỉ đồng
Từ đó, đoàn thanh tra xác định Coca-Cola Việt Nam thuộc trường hợp ấn định giá giao dịch liên kết, đồng thời sử dụng dữ liệu do Coca-Cola Việt Nam lựa chọn tại hồ sơ xác định giá thị trường để ấn định giá. Qua đó làm tăng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này qua ba năm 2007, 2011 và 2012 tổng cộng gần 362 tỉ đồng.
Tuy nhiên Coca-Cola Việt Nam không đồng ý với biên bản thanh tra và cho rằng biên bản thanh tra được lập dựa trên một quy trình thanh tra không được tuân thủ. Vì biên bản làm việc trước đó chỉ ghi nhận các thông tin thực tế về chức năng hoạt động của công ty, cơ sở dữ liệu so sánh, phương pháp so sánh. Không có bất kỳ vi phạm nào hoặc đề xuất điều chỉnh nào liên quan đến vấn đề xác định giá giao dịch liên kết được đề cập tại biên bản làm việc.
Coca-Cola Việt Nam cũng viện dẫn các yếu tố tác động như: do biến động các yếu tố đầu vào, trong đó chủ yếu là do biến động của giá nguyên vật liệu mua từ các bên độc lập như đường, nguyên liệu đóng gói…
Đối với phần nguyên liệu mua từ các bên liên kết, Coca-Cola Việt Nam cho rằng giá mua nguyên liệu luôn ổn định, thậm chí là cố định qua các năm, nên biến động kết quả kinh doanh là do các yếu tố khác ngoài chi phí hương liệu. Tỉ trọng chi phí hương liệu trên giá vốn thấp.
Bên cạnh đó, Công ty Coca-Cola Việt Nam cũng lấy lý do là ảnh hưởng của công suất bất thường và chi phí thấp, do yếu tố cạnh tranh trên thị trường đồ uống, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi dẫn đến ảnh hưởng bất lợi từ các đối thủ cạnh tranh và do ảnh hưởng suy thoái kinh tế… dẫn đến kết quả mà Công ty Coca-Cola Việt Nam đã kê khai với cơ quan thuế.
Tuy nhiên cơ quan thuế khẳng định việc Coca-Cola Việt Nam không thực hiện điều chỉnh kết quả kinh doanh của các năm có kết quả năm dưới biên độ giá thị trường chuẩn là áp dụng không đúng quy định tại Thông tư 117 và thông tư 66 của Bộ Tài chính, do vậy cơ quan thuế có quyền ấn định giá với giao dịch liên kết.
Qua thanh tra, Tổng Cục thuế đã giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỉ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỉ đồng. Giảm thuế GTGT còn được khấu trừ (tháng 12-2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỉ đồng.
20 năm mới nộp 32 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp
Trước đây, Công ty Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục thuế TP.HCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ "khủng", từ năm 2013 bắt đầu kê khai lãi.
Cụ thể năm 2013, Coca-Cola Việt Nam lãi 150 tỉ đồng và tiếp tục lãi 350 tỉ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên dù có lãi trong hai năm này nhưng đến thời điểm đó Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo cơ quan thuế, "bí quyết" để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỉ đồng.
Sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Coca- Cola Việt Nam cho biết đã nộp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách nhà nước thông qua các hình thức thuế khác nhau, trong số đó khoảng 32 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/coca-cola-viet-nam-long-vong-bao-lo-ra-sao-20210205113315093.htm
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/coca-cola-viet-nam-long-vong-bao-lo-ra-sao-a148062.html