Ưu tiên của Cuba không phải là tiền hay lợi nhuận bán vắc-xin. Sức khỏe của người dân mới là thứ họ đặt lên hàng đầu.
Tại thời điểm này, trên thế giới đã có 10 vắc-xin COVID-19 được các quốc gia chấp thuận sử dụng. Chúng đều được phát triển bởi các cường quốc vắc-xin bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Đức.
Trong số hơn 300 loại vắc-xin khác vẫn đang được phát triển trên toàn thế giới, có khoảng 20 ứng cử viên đã tiến tới được thử nghiệm giai đoạn III, cũng là giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trước khi vắc-xin được chấp thuận.
Những cái tên sở hữu chúng vẫn tiếp tục lặp lại, đó là các cường quốc khoa học như Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh và Mỹ. Nhưng cũng có một số cái tên mới tham gia vào cuộc đua bao gồm Israel, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đến đây, liệu chúng ta có bỏ sót một "tay chơi" nào đó hay không – một quốc gia có tiếng trong ngành vắc-xin nhưng chưa được kể đến?
Cuba!
Phía sau những bức tường cấm vận, chính phủ Cuba đang tài trợ trực tiếp cho 4 dự án phát triển vắc-xin COVID-19 100% nội địa. Một ứng cử viên trong số đó là Soberana 02, phát triển bởi Viện Vắc-xin Finlay, Havana đã bước tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.
Finlay cũng đang phát một triển vắc-xin COVID-19 khác là Soberana 01. Hai ứng cử viên còn lại của Cuba là Abdala và Mambisa, hiện đang được phát triển bởi Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Quốc gia Cuba.
Trong số đó, đặc biệt có Mambisa là một vắc-xin dạng xịt, có nghĩa là bạn sẽ xịt chúng vào mũi chứ không phải tiêm.
Là một quốc gia bị cấm vận nhưng Cuba lại có nền công nghệ sinh học rất phát triển. Họ đã tự nghiên cứu và sở hữu được những nền tảng vắc-xin đến cả Mỹ cũng thèm muốn, bao gồm Cimavax, một loại vắc-xin chống ung thư phổi.
Với những lợi thế đó, Cuba không ngại đặt cược lớn vào chương trình vắc-xin nội địa của mình. Mục tiêu của họ là có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vắc-xin COVID-19 cho toàn bộ dân số vào cuối năm 2021.
Các quan chức Cuba cho biết họ có thừa năng lực sản xuất vắc-xin cho thị trường nội địa. Đến cuối năm nay, dự kiến Cuba sẽ xuất xưởng tới 100 triệu liều Soberana 02.
Với dân số chỉ 11 triệu người và giả sử mỗi người cần 2 mũi tiêm thì Cuba vẫn có tới hàng chục triệu liều vắc-xin dư thừa có thể xuất khẩu hoặc hỗ trợ các nước khác, đặc biệt là các nước Nam bán cầu và trong khối xã hội chủ nghĩa.
Chương trình vắc-xin COVID-19 đầy hứa hẹn của Cuba – nhưng ít người biết đến
Giáo sư Beate Kampmann, giám đốc Trung tâm vắc-xin tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết: "Viện Finlay là một viện nghiên cứu sinh học hàng đầu ở Cuba. Họ thực ra là một xí nghiệp lâu đời và rất mạnh. Viện Finlay cái nôi sản xuất vắc-xin cho rất nhiều nước Mỹ Latinh, bao gồm cả vắc-xin uốn ván và các vắc-xin liên hợp khác".
Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III có thể chứng minh Soberana 02 hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, đây sẽ là vắc-xin chống lại virus SARS-CoV-2 đầu tiên của Mỹ Latinh. Cuba sẽ vượt qua cả các quốc gia khác có nền kinh tế mạnh hơn như Brazil để nhận lấy vinh dự và cơ hội xuất khẩu đó.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III là thử nghiệm cuối cùng trước khi một loại vắc-xin được các cơ quan quản lý quốc gia như Bộ Y tế chấp thuận sử dụng. Nó thường yêu cầu tới sự tham gia của hàng trăm đến hàng ngàn tình nguyện viên, trong đó, vắc-xin sẽ được đánh giá cả về mặt an toàn lẫn tính hiệu quả phòng bệnh so với nhóm đối chứng.
Các vắc-xin COVID-19 của Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều đã vượt qua Giai đoạn III của thử nghiệm lâm sàng trước khi được chấp thuận sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Và để được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt trong trường hợp khẩn cấp, Cuba sẽ cần chứng minh vắc-xin của họ có hiệu quả trên 50% bên cạnh tính an toàn bắt buộc.
Hiện vẫn chưa có nhiều dữ liệu được Cuba công bố về tính an toàn và hiệu quả của Soberana 02. Nhưng trong một chương trình truyền hình Mesa Redonda nổi tiếng tại Cuba, các nhà khoa học nước này nói rằng vắc-xin Soberana 02 đang "hoạt động tốt".
Giống với các loại vắc-xin thành công trước đây, Cuba đang sử dụng các nền tảng công nghệ sở trường của họ để phát triển vắc-xin COVID-19. Theo đó, Soberana 02 là một loại vắc-xin liên hợp, nghĩa là nó mang một phần protein gai của virus SARS-CoV-2.
Nếu chỉ tiêm riêng phần gai protein này vào cơ thể người, nó sẽ không kích hoạt được phản ứng miễn dịch mạnh. Vì vậy, các nhà khoa học Cuba sẽ gắn, hay "liên hợp" các gai protein này với một chất khác để tăng hiệu quả của vắc-xin Soberana 02.
Dữ liệu hiếm hoi mà Cuba công bố là các thử nghiệm trên động vật đã cho thấy vắc-xin này tạo được phản ứng miễn dịch trung hòa mạnh mẽ.
Kampmann cho biết Cuba đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I vắc-xin Soberana 02 từ tháng 10 năm ngoái. Giai đoạn 2 được bắt đầu vào ngày 21 tháng 12 năm 2020 và dự kiến sẽ tuyển 910 người tham gia trong suốt một năm.
Tuy nhiên, trong một tweet vào ngày 5 tháng 1, Viện Vắc xin Finlay cho biết có 700 tình nguyện viên đã nhận được liều vắc-xin Soberana 02 đầu tiên trong giai đoạn II và họ sẽ thực hiện giai đoạn III theo hình thức cuốn chiếu ngày tháng 3 năm 2021.
Khi cuộc thử nghiệm lớn này bắt đầu, vắc-xin sẽ được tiêm cho 42.000 người Cuba. Sau khi có dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả, Soberana 02 sẽ được triển khai tới toàn bộ dân số.
Ngành công nghệ quốc doanh và tinh thần quốc tế
Trong một vài thập kỷ qua, Cuba đã rất chú trọng trong việc đầu tư cho ngành công nghiệp công nghệ sinh học quốc doanh của mình . Sau cuộc cách mạng năm 1959, các công ty dược phẩm thuộc sở hữu nước ngoài và trong nước đã được quốc hữu hóa. Điều này tạo điều kiện cho chính phủ Cuba trực tiếp điều hành ngành công nghiệp công nghệ sinh học tập trung kể từ đó.
Giáo sư Helen Yaffe, một chuyên gia về Cuba, cho biết: "Ở các nước tư bản tiên tiến Châu Âu và Mỹ, chúng ta sẽ không biết nhiều về sức mạnh khoa học y tế và vai trò với sức khỏe toàn cầu của Cuba. Nhưng với các nước ở miền Nam bán cầu, họ biết rất rõ. Tại sao ư? Bởi vì trong hơn 60 năm qua, Cuba đã gửi tới đó hơn 400.000 lượt chuyên gia chăm sóc sức khỏe tới giúp đỡ họ".
Quốc đảo bé nhỏ và có tinh thần quốc tế cộng sản này đã quen với việc xuất khẩu các chuyên gia y tế đến các khu vực bị khủng hoảng trên thế giới. Họ còn tạo nên hẳn một chương trình để thực hiện nghĩa cử cao đẹp đó mang tên Henry Reeve Brigade.
Kế hoạch này đã gây chú ý ngay từ đầu đại dịch COVID-19, khi các bác sĩ Cuba được gửi đến tận vùng dịch Lombardy tại Ý. Công việc này đã thúc đẩy một chiến dịch đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho các bác sĩ Cuba.
Cách tiếp cận này được một số người coi là chủ nghĩa nhân đạo trong y tế, những người khác coi đó là một hành động ngoại giao. Nhưng dù sao thì Yaffe nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ sinh học ở Cuba rất đặc biệt.
Vì nó thuộc sở hữu của nhà nước và không được hỗ trợ bởi nguồn tài chính đầu cơ. Do đó, ưu tiên của Cuba không phải là tiền hay lợi nhuận bán vắc-xin. Sức khỏe của người dân mới là thứ họ đặt lên hàng đầu.
Những người bạn ở miền Nam bán cầu
Theo WHO trong một báo cáo công bố năm 2015, Cuba là "quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia Nam bán cầu". Các nước bạn bè thân thiết của Cuba bao gồm Algeria, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Mexico, Argentina, Việt Nam và Malaysia.
Liên minh châu Phi đại diện cho tất cả 55 quốc gia ở Châu Phi đã thể hiện sự quan tâm đến chương trình vắc-xin của Cuba. Theo Kampmann các nước Mỹ Latinh cũng có khả năng đặt hàng vắc-xin Soberana 02 nếu nó được chứng minh là có hiệu quả.
Hiện Cuba vẫn đang xuất khẩu vắc-xin sốt vàng da và vắc xin uốn ván cho các nước Mỹ Latinh, do đó Kampmann cho biết họ đang nhận được rất nhiều sự tin tưởng.
Hơn nữa, "vắc-xin của Cuba thường có giá cả rất hấp dẫn. Nó có thể sẽ rẻ hơn các loại vắc-xin đã được cấp phép khác, vốn chúng quá đắt đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình", Kampmann nhấn mạnh.
Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico cho biết nước này đang xem xét phê duyệt thử nghiệm giai đoạn III đối với một loại vắc-xin Cuba. Trước đó, Viện Pasteur của Iran đã trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên nhận được vắc-xin Soberana 02. Iran có dự định sẽ thực hiện một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên 150.000 tình nguyện viên cùng với Cuba.
Cả hai nước từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng. Do đó, Iran cũng khó nhận được các loại vắc-xin COVID-19 của Phương Tây. Hiện quốc gia này đang có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực láng giềng Trung Đông gần đó.
Vào ngày 8 tháng 1, Iran đã cấm nhập khẩu các mũi vắc-xin COVID-19 từ Mỹ và Anh. Ngược lại, nước này bắt đầu triển khai vắc-xin Sputnik V của Nga cho các nhân viên y tế. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông sẵn sàng tiêm vắc-xin Sputnik V để chứng minh rằng nó an toàn.
Ngoài Iran, giáo sư Yaffe cho biết Cuba còn có rất nhiều mối quan hệ ngoại giao thân thiết có thể giúp họ xuất khẩu vắc-xin. Một số quốc gia như Jamaica, Venezuela, Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm và muốn đặt mua Soberana 02, ngay sau khi nó hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.
Đó là một lợi thế trong cách tiếp cận của Cuba, họ thực sự coi các quốc gia khác là bạn hàng của mình chứ không phải chỉ là một thị trường kiếm lợi nhuận.
Theo Pháp luật & bạn đọc
https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ca-the-gioi-dang-bo-quen-cuba-mot-cao-thu-vac-xin-trong-dai-dich-covid-19-162211902203011637.htm
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ca-the-gioi-dang-bo-quen-cuba-mot-cao-thu-vac-xin-trong-dai-dich-covid-19-a148181.html