"Thực ra, công thức ở đây rất đơn giản. Kinh nghiệm của AEON đó là, khách hàng phàn nàn gì, chúng ta khắc phục điều đó. Và chừng nào khách hàng còn có bất mãn, doanh nghiệp còn có thể vui, vì sản phẩm vẫn có hướng cải thiện", ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc AEON Top Value.
Góp mặt tại Hội thảo tập huấn "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài" vừa được tổ chức tại Hà Nội, đại diện AEON đã có những chia sẻ hết sức thiết thực.
Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc AEON Top Value cho biết, Tập đoàn Nhật Bản luôn coi Việt Nam là một đối tác chiến lược, và mong muốn phát triển theo hướng song phương.
Minh chứng là ở Việt Nam, Tập đoàn AEON đã đầu tư 4 trung tâm thương mại, điều hành 74 siêu thị và 114 cửa hàng tiện lợi. Còn tại quê nhà Nhật Bản, AEON đã hỗ trợ ít nhất 6 doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Shiotani Yuichiro đánh giá, con số này vẫn còn rất ít, và dư địa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài vẫn rất rộng mở.
Làm sao tăng được lượng hàng xuất khẩu?
Qua thời gian kiểm chứng tại thị trường Việt Nam, Tổng Giám đốc AEON Top Value nhìn nhận, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp nước ta đang bị cuốn vào "cuộc chiến về giá" khi tham gia vào các mạng phân phối nước ngoài. Và bản thân ông không hề ủng hộ hướng đi này.
Ông Shiotani Yuichiro giải thích, tại hệ thống bán lẻ và siêu thị của AEON, người ta phân chia sản phẩm dựa trên 2 nhu cầu là hiện tại và tiềm năng.
Với các sản phẩm dựa trên nhu cầu hiện tại, mẫu mã, chất lượng sản phẩm là tương đương nhau, do đó, doanh nghiệp chỉ có thể cạnh tranh về giá. Vô hình trung, cuộc đua giá rẻ sẽ chỉ khiến các doanh nghiệp ngày một hạ thấp giá trị của mình, thậm chí là dẫn tới phá sản.
Ông cho rằng, nếu xét về giá, doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều đối thủ cạnh tranh như Campuchia, Myanmar - với lực lượng nhân công rẻ, tốc độ phát triển nhanh. Vì vậy, chỉ còn hướng phát triển các sản phẩm tiềm năng, nhưng hướng đi này không hề dễ:
"Các doanh nghiệp ngồi đây đều có mục đích chung là mong muốn tăng được lượng hàng xuất khẩu. Tôi đánh giá cao các bạn. Nhà máy của các bạn có năng lực sản xuất tốt, thiết bị hiện đại, nhân công tay nghề cao. Nhưng cuối cùng vẫn không tăng được lượng hàng xuất khẩu, tại sao vậy?".
Làm sao tăng được lượng hàng xuất khẩu?
Để trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo AEON đưa ra công thức: V = Q / P
Trong đó, V (value) là giá trị sản phẩm. Q (quality) là chất lượng sản phẩm. Còn P (price) là giá sản phẩm bán ra thị trường.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn bán được hàng ra nước ngoài, yếu tố V (value) phải tăng. Nhưng để giá trị sản phẩm tăng, sẽ có 2 trường hợp xảy ra.
Trường hợp đầu tiên và cũng là thực trạng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, đó là giảm giá, trong khi chất lượng sản phẩm giữ nguyên. Theo cách này, giá trị V (value) vẫn tăng, nhưng không bền vững. Về lâu dài không có lợi cho doanh nghiệp.
Còn theo trường hợp thứ hai, doanh nghiệp cần phải tăng chất lượng sản phẩm, trong khi giá vẫn giữ nguyên, thì tự khắc giá trị sản phẩm sẽ tăng. Và đây là hướng đi mà ông Shiotani Yuichiro khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng: nâng cao chất lượng sản phẩm, bổ sung thêm nhiều giá trị cho khách hàng.
"Xin hỏi mọi người đã ăn cơm chưa?"
Lãnh đạo AEON đặt câu hỏi cho cả khán phòng. Và phần lớn những câu trả lời ông nhận về là: chúng tôi đã ăn cơm rồi!
"Đúng. Các bạn ăn cơm rồi nghĩa là đã no bụng, và tất nhiên là sẽ không ai muốn ăn thêm nữa. Tôi hỏi như vậy, vì muốn cho các bạn thấy rõ một ví dụ về bài toán cung - cầu, mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải", Tổng Giám đốc AEON Top Value nói.
Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có ý định tiến ra sân chơi nước ngoài đều sở hữu các nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn, kĩ thuật. Sản lượng cho ra rất cao, nhưng lại không qua được khâu đánh giá sản phẩm.
Điều này đồng nghĩa cung lớn cầu. Nói cách khác, sản phẩm chưa chưa đáp ứng được thị trường. Do đó, ông Shiotani Yuichiro cho rằng, doanh nghiệp cần liên tục bổ sung thêm nhiều giá trị cho sản phẩm:
"Thực ra, công thức ở đây rất đơn giản. Kinh nghiệm của AEON đó là, khách hàng phàn nàn gì, chúng ta khắc phục điều đó. Và chừng nào khách hàng còn có bất mãn, doanh nghiệp còn có thể vui, vì sản phẩm vẫn có hướng cải thiện".
Doanh nghiệp Việt có thể bán một chiếc hộp giá 8.000 thành 100.000 đồng
Lãnh đạo AEON đưa ra dẫn chứng, trong hệ thống siêu thị của Tập đoàn này có một đối tác chuyên sản xuất các hộp nhựa đựng thức ăn, đồ ăn trưa. Ban đầu những chiếc hộp này bán khá tốt, vì giá rẻ - giá bán buôn khoảng 20 cent - tương đương 8.000 đồng.
Nhưng càng về sau, khách càng phàn nàn. Vì phần viền hộp sử dụng chất liệu silicon có những lỗ khí nhỏ, dù người sử dụng có rửa sạch tới đâu, vẫn sẽ có nấm mốc, vi khuẩn.
Vậy là đơn vị sản xuất đã thay vật liệu ở phần viền hộp bằng nhựa đàn hồi, đặc biệt không có các lỗ khí. Kết quả là loại hộp mới dù chỉ thay đổi rất nhỏ, nhưng đã được bán lẻ với giá 5 USD - tương đương 100.000 đồng, kéo theo đó, doanh số tăng 20 lần so với trước khi cải tiến.
Từ đây, ông Shiotani Yuichiro rút ra kết luận: "Kinh doanh hiệu quả luôn xuất phát từ những thay đổi nhỏ. Từng chút, từng chút một nâng cấp sản phẩm của mình, tôi tin rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm gặt hái thành công ở cả trong và ngoài nước".
Theo Việt Hưng/TheLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sep-aeon-bay-cach-giu-doanh-nghiep-viet-co-the-ban-mot-chiec-hop-gia-8-000-thanh-100-000-dong-a14844.html