Nhà băng Việt có PE 5.100 lần, tăng vốn 'khủng' 4.500 tỷ và loạt giao dịch đáng ngờ

Chỉ từ tháng 12/2020 đến 30/3/2021, tức 4 tháng, NCB có tổng mức giao dịch thoả thuận lên tới 155 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 38% vốn điều lệ của nhà băng này.

Trong “bữa tiệc” lợi nhuận ngành ngân hàng, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã: NVB) sa lầy, kinh doanh bết bát nhưng vẫn lên kế hoạch tăng vốn "khủng" 4.500 tỷ đồng.

Giao dịch thoả thuận đột biến, liệu NCB có chủ mới?

Lãnh đạo NCB liên tục gom cổ phiếu NVB trong tháng 3, dù ngân hàng có kết quả kinh doanh khá bết bát.

Cụ thể, Tổng giám đốc Phạm Thế Hiệp đã mua vào 1,3 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 20 tỷ đồng. Phó Tổng giám đốc Dương Thị Lệ Hà cũng mua vào 1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 15 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/3, NVB có giá 15.200 đồng/cp, tăng 88% so với đầu năm, thanh khoản tăng đột biến lên mức 5-6 triệu cổ phiếu/phiên, gấp 2-3 lần so với thời gian trước đó.

Đặc biệt, lượng cổ phiếu giao dịch thoả thuận tăng mạnh. Tính từ tháng 12/2020 đến nay, tức khoảng 4 tháng đã có khoảng 155 triệu cổ phiếu NVB được giao dịch thoả thuận, chiếm gần 38% vốn điều lệ của NCB (4.100 tỷ đồng).

Cuối năm 2020, CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định cũng đã bán ra 2 đợt với tổng cộng 18,1 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ tại NCB xuống còn 2,86% và chính thức không còn là cổ đông lớn. Như vậy, sau giao dịch này, Năng lượng Sài Gòn - Bình Định mua bán cổ phiếu NVB không cần báo cáo công khai.

Cũng trong tháng 12/2020, con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng là Nguyễn Trần Trung Sơn đã mua vào 7,1 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên gần 4% tại nhà băng này. Như vậy, ông Nguyễn Tiến Dũng, cùng vợ Trần Hải Anh và con trai Nguyễn Trần Trung Sơn nắm giữ tổng cộng 42,97 triệu cổ phiếu NVB, chiếm tỷ lệ 10,47% vốn.

Sau những giao dịch đột biến, liệu NCB có "đổi chủ"? Tuy nhiên, chủ nhân của những giao dịch thoả thuận này vẫn chưa được hé lộ.

Neo giá cổ phiếu, kế hoạch tăng vốn “khủng”

Những giao dịch đột biến này cùng với động thái tăng giá và neo giá ở vùng cao của NVB nhiều khả năng liên quan đến kế hoạch tăng vốn “khủng” của NCB.

Theo văn bản xin ý kiến cổ đông, NCB dự kiến chào bán 150 triệu cổ phiếu NVB cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 4.100 tỷ đồng lên hơn 5.600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành từ quý I - II/2021.

Với số vốn được tăng thêm (hơn 1.500 tỷ đồng), NCB dự kiến dùng 50 tỷ để thay đổi và xây dựng hình ảnh hương hiệu, 150 tỷ để đầu tư phát triển hạng mục Digital Banking, khoảng 300 tỷ tăng vốn bổ sung cho Công ty AMC (công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại), 1.000 tỷ còn lại để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

NCB cũng xin ý kiến cổ đông về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2021. Theo đó, nhà băng này dự kiến phát hành 3.000 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương quy mô 3.000 tỷ đồng. Kỳ hạn của trái phiếu là 6 năm, lãi suất áp dụng cố định, mức lãi suất sẽ do HĐQT xác định tại phương án phát hành cụ thể và nằm trong khoảng 10%/năm +/-3%/năm theo tình hình thực tế. Thời điểm thực hiện phát hành trái phiếu dự kiến trong năm 2021.

Đặc biệt, theo văn bản gửi cổ đông, trái phiếu này chỉ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, giá chuyển đổi do HĐQT sẽ phê duyệt và không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Như vậy, NVB có kế hoạch tăng vốn 4.500 tỷ đồng trong năm 2021.

Tài chính bết bát, PE cổ phiếu lên tới 5.100 lần

NCB đứng ngoài “bữa tiệc lợi nhuận” của ngành ngân hàng khi nhà băng này vẫn kinh doanh sa lầy, lỗ lớn. Năm 2020, hàng loạt ngân hàng báo lãi lớn, lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh. Nhiều tổ chức tài chính dự báo quý 1/2021 là thời kỳ hoàng kim của lợi nhuận ngành ngân hàng.

Cổ phiếu của NCB có hệ số PE (hệ số giá/lợi nhuận của một cổ phiếu) lên tới 5.100 lần - mức kỷ lục của các nhà băng và các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Sở dĩ NVB có chỉ số PE cao kỷ lục là bởi vốn điều lệ của nhà băng này lên tới 4.100 tỷ nhưng tình hình tài chính lại rất bết bát. Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, NCB đạt thu nhập lãi thuần 602 tỷ đồng, nhưng do chi tới 500 tỷ đồng để xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng nên lỗ sau thuế gần 20 tỷ đồng.

Năm 2020, NCB đạt thu nhập lãi thuần 1.433 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ, song lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng do chi tới 800 tỷ đồng để xử lý các khoản theo đề án tái cấu trúc.

Tại ngày 31/12/2020, NCB có tổng tài sản 89.601 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 40.313 tỷ, tiền gửi khách hàng đạt 72.084 tỷ.

Về chứng khoán, lượng chứng khoán đầu tư giảm một nửa so với cùng kỳ, xuống 627 tỷ đồng, chứng khoán chính phủ tăng khá mạnh lên mức 7.028 tỷ đồng. Chứng khoán đầu tư đến ngày đáo hạn đạt 5.866 tỷ đồng, giảm 500 tỷ so với cùng kỳ.

Tổng nợ xấu của NCB tính đến cuối năm 2020 đạt 607 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Kể từ năm 2010 đến nay, NCB không trả cổ tức cho cổ đông vì lợi nhuận bết bát.

Theo Vnbusiness

https://vnbusiness.vn/co-phieu/nha-bang-viet-co-pe-5-100-lan-tang-von-khung-4-500-ty-va-loat-giao-dich-dang-ngo-1077484.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nha-bang-viet-co-pe-5-100-lan-tang-von-khung-4-500-ty-va-loat-giao-dich-dang-ngo-a148792.html