Chân dung các doanh nhân nổi tiếng ứng viên đại biểu Quốc hội

Trong số 868 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV, có 30 người là lãnh đạo các công ty, hiệp hội doanh nghiệp. Đây đều là những doanh nhân có uy tín cao trong cộng đồng kinh doanh.

dsc-0400-1615255716-0800

Doanh nhân Lê Viết Hải. Ảnh: HBC

Doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958 trong một gia đình có 11 anh chị em tại Thừa Thiên Huế. Bố làm hiệu trưởng trường Bồ Đề (Huế), mẹ kinh doanh buôn bán nhỏ. Năm ông lên 9 tuổi, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn. Tuy hoàn cảnh gia đình không dư giả nhưng ông vẫn được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp với tấm bằng Kiến trúc sư của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.

Ông Hải từng kể, năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, ông được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP. HCM. Sẵn chuyên môn cộng thêm đam mê kinh doanh từ nhỏ, lại nhận thấy tiềm năng của ngành xây dựng rất lớn, năm 1987, ông Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Ban đầu với số lượng nhân viên ít ỏi là 20 người, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân.

Ngày 1/12/2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành CTCP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (nay là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình). 6 năm sau đó cổ phiếu Hòa Bình chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã HBC.

Sau khi liên tục đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc trong 33 năm từ khi thành lập Hòa Bình, tháng 7/2020, ông Lê Viết Hải đã nhường vị trí này cho người con trai là Lê Viết Hiếu. Với động thái chuyển giao việc điều hành Tập đoàn Hòa Bình cho người kế nhiệm, ông Hải cho biết bản thân có nhiều thời gian hơn, tự tin làm tròn trách nhiệm nếu trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.

4 (4)

Ông Phạm Đức Ấn. Ảnh báo Đầu tư

Doanh nhân Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) 

Ông Phạm Đức Ấn sinh năm 1970 tại Nghệ An, là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân và Cử nhân Kế toán - Đại học Luật Hà Nội. Ông từng kinh qua các vị trí lãnh đạo cao cấp ở nhiều ngân hàng lớn như gân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) và Agribank.

Cụ thể, ông Ấn từng có hơn 20 năm công tác tại BIDV với vị trí cao nhất là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Đến năm tháng 8/2012 ông được biệt phái sang giữ vị trí Tổng Giám đốc VRB. 2 năm sau, ông Phạm Đức Ấn được điều động sang giữ vị trí thành viên Hội đồng thành viên Agribank, sau đó, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Agribank từ tháng 6/2014 đến cuối năm 2018.

Đầu năm 2019, ông Phạm Đức Ấn được bổ nhiệm là Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Đến tháng 4/2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã bổ nhiệm ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ông Phạm Đức Ấn khẳng định sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành, trọng tâm là các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư phát triển và đề xuất các sáng kiến triển khai chương trình an sinh xã hội, tập trung giúp đỡ người nghèo, cận nghèo... nếu trúng cử làm ĐBQH.

Mr.-Huan-2-1024x695

Ông Nguyễn Quang Hân. Ảnh: Halcom

Doanh nhân Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Huân sinh năm 1964 tại Thái Bình. Về trình độ học vấn, ông có bằng kỹ sư cơ khí, kỹ sư quản trị kinh doanh của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ngoài ra, ông tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh của Đại học California Mirama (Mỹ) và có chứng chỉ sau đại học về quản lý ngành nước và môi trường của trường Đại học Bách Khoa Tampere (Phần Lan).

Doanh nhân Nguyễn Quang Huân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước và phát triển hạ tầng. Triết lý kinh doanh của ông là “Không săn lùng lợi nhuận bằng mọi cách”.

Ông từng nắm giữ nhiều vị trí cấp cao ở các đơn vị như Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), Công ty TNHH Nước và Môi trường Đường Thành (W&E Lted.), Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Thăng Long,…

Là thành viên sáng lập và là người xây dựng, phát triển Công ty Halcom Việt Nam trong suốt 18 năm qua, ông Nguyễn Quang Huân chính thức ngồi ghế chủ tịch HĐQT của công ty này từ năm 2013 đến nay.

Đáng chú ý, doanh nhân Nguyễn Quang Huân còn được biết đến là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (khóa II), Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Ủy viên Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IX).

1_ojbp

Ông Nguyễn Như So. Ảnh PLVN

Doanh nhân Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (DBC)

Ông Nguyễn Như So sinh 23/8/1957 tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ông từng có quãng thời gian 15 năm phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc.

Năm 1996, khi đang làm tốt công việc thì ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. Thời điểm đấy, Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc sắp phá sản. Khi ông So về, tỉnh đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty Nông sản Bắc Ninh.

Dưới sự lãnh đạo của ông So, Công ty Nông sản Bắc Ninh dần phát triển. Năm 2008, Công Nông sản Bắc Ninh được đổi tên thành Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam, cổ phiếu của công ty cũng chính thức được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngày 26/3/2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Đến nay, sau 25 năm, Dabaco là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín của ngành công, nông nghiệp thực phẩm, 3F - sạch từ trang trại, nhà máy tới bàn ăn, sở hữu hệ thống trên 60 đơn vị thành viên.

quan-tri-bien-dong-toi-uu-gia-tri-day-manh-tieu-thu-no-luc-vuot-kho-nam-bat-co-hoi-an-toan-ve-dich-10-.4810

Ông Lê Mạnh Hùng. Ảnh: PVN.

Doanh nhân Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN

Ông Lê Mạnh Hùng, sinh năm 1973, tại Hưng Yên. Ông Hùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa với bằng Kỹ sư Công nghệ Tổng hợp Hoá dầu và Hữu cơ. Tiếp đó, năm 2003, ông Hùng lấy bằng Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ hoá dầu ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, ông Hùng trở thành Tiến sỹ chuyên ngành Hoá dầu và xúc tác hữu cơ.

Trong sự nghiệp của mình, ông Lê Mạnh Hùng đã có bề dày kinh nghiệm trong ngành dầu khí. Cụ thể, năm 2000, ông làm kỹ sư công nghệ tại Công ty liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt Nga. Tới giai đoạn 2001-2005, ông Hùng là kỹ sư công nghệ, khối kỹ thuật, thuộc Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC).

Ông Hùng cũng có một năm công tác tại Ban Chế biến Dầu khí, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trước khi về làm nhiệm vụ tại Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính Phủ từ năm 2006-2007. Sau đó, ông Hùng được điều động trở lại Phó trưởng ban Chế biến dầu khí.

Năm 2009, ông được bầu làm Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh hóa dầu Long Sơn, trưởng Ban quản lý dự án Cụm khí điện đạm Cà Mau. Đến năm 2011, ông được bầu làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC).

Từ năm 2011-2013, ông Hùng lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban quản lý dự án đến Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC). Ông là người có vai trò quan trọng trong việc điều hành, quản lý công tác xây dựng, sản xuất của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Năm 2013, ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc PVN, phụ trách các lĩnh vực: công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp khí, các dự án điện khí; công tác an toàn - sức khỏe - môi trường; công tác quản lý chất lượng và công nghệ thông tin của tập đoàn.

Từ năm 2019 đến nay, ông giữ chức thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, nếu được bầu là ĐBQH khoá XV, với những kiến thức kinh nghiệm của mình, ông sẽ cố gắng nghiên cứu, tham gia ý kiến trong hoạt động Quốc hội để có được cơ chế chính sách, pháp luật thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp nói chung, trong đó có PVN.

trinh-chi-cuong-dai-dong-tien-1621297218

Ông Trịnh Chí Cường. Ảnh: Nhựa Đồng Tiến

Doanh nhân Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến

Ông Trịnh Chí Cường sinh năm 1982, là con trai cả của doanh nhân gốc hoa Trịnh Đồng, người nổi tiếng với thương hiệu nhựa gia dụng Đại Đồng Tiến ở thị trường Việt Nam. Sau 7 năm du học và làm việc ở Singapore, ông về nước và bắt tay ngay vào công việc quản lý công ty của cha khi chỉ mới 26 tuổi.

Tuy phải tiếp nhận vai trò chủ chốt khi tuổi còn trẻ, nhưng nhờ sự nhiệt huyết và kiến thức được đào tạo bài bản, CEO Trịnh Chí Cường đã nhanh chóng khẳng định năng lực của mình khi lèo lái con thuyền Đại Đồng Tiến trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam, quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 đã hơn mức 1.000 tỷ đồng.

Trong chương trình hành động của mình, ông Trịnh Chí Cường khẳng định sẽ tập trung nghiên cứu, học hỏi, cập nhật kiến thức về luật liên quan đến lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, nhằm kết nối và thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân Việt Nam.

Ứng cử viên Trịnh Chí Cường bày tỏ, nếu được cử tri tín nhiệm, bầu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại điện tử - xã hội số, áp dụng công nghệ hiện đại vào đời sống. Bên cạnh đó, quan tâm, chủ động tiếp cận với những dự án kết nối địa phương, để tạo sức mạnh tổng lực cho khu vực, đặc biệt là khu vực phía nam, kết nối cả nước.

Do van Ve

Ông Đỗ Văn Vẻ. Ảnh: Internet.

Doanh nhân Đỗ Văn Vẻ, Phó TGĐ Tập đoàn Hương Sen

Ông Đỗ Văn Vẻ sinh ngày 26/3/1962, là người con của tỉnh Thái Bình. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1987 và bắt đầu công tác tại Tập đoàn Hương Sen từ năm 1988 với vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp Dệt nhuộm Hương Sen.

Khi đó, theo chia sẻ của ông Trần Văn Sen (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hương Sen), xí nghiệp chỉ có 3 Đảng viên bao gồm ông Đỗ Văn Vẻ và 2 nhân viên khác. Sau khi trình đơn và được Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà xin ý kiến tỉnh, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Hương Sen trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước có Chi bộ Đảng.

Trước đó, ông Đỗ Văn Vẻ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Trong suốt nhiệm kỳ từ năm 2011-2016, ông Vẻ đã đưa ra nhiều ý kiến và đóng góp vào chính sách cũng như sự phát triển của đất nước.

dang-bo-tap-doan-sao-mai-to-chuc-dai-hoi-lan-thu-v

Ông Lê Xuân Quế. Ảnh Vietnamnet.

Doanh nhân Lê Xuân Quế, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Sao Mai

Ông Lê Xuân Quế sinh năm 1968 tại Triệu Sơn, Thanh hóa. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng, ông bắt đầu công tác tại Xí nghiệp Tây Sông Hậu - Bộ Xây dựng từ năm 1992.

5 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Phương Nam ở tuổi 29. Ông Lê Xuân Quế bắt đầu công tác tại Tập đoàn Sao Mai từ năm 2003 với chức vụ thành viên HĐQT và đương nhiệm cho đến tháng 4/2019.

Trong quá trình công tác, Ông Quế cũng tham gia hoạt động thành lập và giữ các chức vụ quản trị các công ty thành viên của Tập đoàn Sao Mai như thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản…

Ông Lê Xuân Quế hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Sao Mai đồng thời là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch An Giang. Tính đến cuối năm 2020, số cổ phiếu ASM mà ông Quế nắm giữ là 716.793 đơn vị, tương đương 0,28% vốn điều lệ.

Về hoạt động chính trị, năm 2016, ông Lê Xuân Quế trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Đầu tháng 3 vừa qua, ông được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

tran-khac-tam

Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng. Ảnh: PV.

Doanh nhân Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng

Ông Trần Khắc Tâm, sinh năm 1972, người dân tộc Hoa, quê ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ông là tiến sỹ khoa học quản trị kinh doanh.

Ông Tâm hiện giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI. Ông Tâm là đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa XVIII.

Trong chương trình hành động của mình, ông Trần Khắc Tâm cam kết, nếu trúng cử trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND sẽ luôn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri.

Đặc biệt, ứng viên Trần Khắc Tâm khẳng định sẽ phát huy lợi thế công việc để mạnh mẽ kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp bên ngoài, giải quyết công ăn việc làm cho bà con. Đồng thời tiếp tục kiến nghị chính sách bao tiêu nông sản nhằm cải thiện tình trạng được mùa rớt giá như vừa xảy ra với hành tím ở Vĩnh Châu hay ổi ở Kế Sách… nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Ngoài ra, ứng viên hứa cố gắng hết sức quan tâm đến công tác từ thiện, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, người có công với cách mạng bằng các nguồn tự có của doanh nghiệp cùng với vận động tài trợ từ bên ngoài.

Nhật Huỳnh/Nhà Đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chan-dung-cac-doanh-nhan-noi-tieng-ung-vien-dai-bieu-quoc-hoi-a150472.html