Mua KBC sau phát biểu “Ai bỏ KBC sau này ôm hận” của ông Đặng Thành Tâm: Tưởng không hận mà hận không tưởng?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục đi lên mạnh mẽ với giao dịch bùng nổ, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP lại gây thất vọng với diễn biến có phần trầm lắng trong khoảng 3 tháng trở lại đây.

Trước đó, cổ phiếu này từng có giai đoạn tăng sốc từ giữa tháng 12/2020 và nhanh chóng đạt đỉnh 45.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/1/2021, ghi nhận mức tăng gần 180% trong hơn 1 tháng. KBC sau đó đã hạ nhiệt đôi chút và gần như đi ngang quanh mức 40.000 đồng/cổ phiếu đến trước kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra vào ngày 10/4 vừa qua.

Tại Đại hội, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC đã khiến giới đầu tư bất ngờ với phát biểu “Ai bỏ KBC sau này ôm hận”. Ông Tâm nhấn mạnh thêm "Chưa bao giờ KBC vui như ngày hôm nay và trong tương lai còn vui hơn nữa. Sau một thời gian rất dài, rất xa thì hôm nay KBC đã trở lại với chính mình. Các tỉnh thành mời gọi liên tục, mỗi nơi cho nhiều đất để làm khu công nghiệp mà phía doanh nghiệp không cần xin".

Tưởng chừng sau phát biểu “đanh thép” của ông Đặng Thành Tâm, hiệu ứng tích cực có thể giúp KBC bứt lên khỏi vùng tích lũy hay xa hơn là vượt đỉnh. Tuy nhiên, diễn biến hoàn toàn trái ngược sau đó đã khiến không ít nhà đầu tư “hối hận’ nhưng không phải vì rời bỏ KBC mà vì mua cổ phiếu này giữa thời điểm VN-Index thăng hoa.

Kể từ sau ĐHĐCĐ thường niên, cổ phiếu này gần như chỉ giảm với biên độ bắt đầu lớn hơn. Cổ phiếu này trượt khỏi nền tích lũy và rơi xuống dưới mức giá thấp nhất trong nhịp điều chỉnh sâu hồi cuối tháng 1. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 32.800 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 17% so với thời điểm ngay trước khi ông Tâm “cảnh báo” cổ đông.

Diễn biến cổ phiếu KBC 6 tháng trở lại đây
“Tỉnh táo” trước lời kêu gọi của ông Đặng Thành Tâm, nhóm Dragon Capital tỏ ra khá quyết đoán trong việc chốt lời cổ phiếu KBC thời gian gần đây. Các quỹ thành viên của nhóm này tiêu biểu là VEIL, Norges Bank,... đã liên tục bán ra cổ phiếu KBC qua đó giảm sở hữu từ 9,1% (trước ĐHĐCĐ) xuống còn xấp xỉ 6,8% như hiện nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital, Giám đốc phụ trách quỹ VEIL từng chia sẻ "Dragon Capital đã đầu tư vào KBC rất lâu, một lần thua và một lần huề vốn, lần thứ ba này không thành công vượt bậc thì chúng tôi sẽ không đầu tư nữa”.

Vị này còn nhấn mạnh “Chúng tôi nhận thấy KBC đạt đủ 3 điều kiện thiên thời địa lợi nhân hoà. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung, dòng vốn FDI rút khỏi Trung Quốc đổ vào Việt Nam rất nhiều. Các ông lớn như Samsung Apple đều đổ vào Việt Nam, KBC có thể tận dụng nguồn vốn FDI vào khu công nghiệp và các dự án BĐS của Kinh Bắc. Sốt đất khắp nơi mà chúng ta lại giữ được các đại dự án, 10 năm trước Kinh Bắc rất khó khăn nhưng vẫn giữ được Tràng Cát. 3 tháng đầu năm nay KBC đấu giá thành công nhiều khu công nghiệp mới và KBC sẽ trở lại lợi hại hơn xưa".

KHÁT VỐN PHÁT TRIỂN KCN

Mới đây, KBC đã thông qua nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu với mục tiêu huy động tối đa 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong quý 2/2021, KBC sẽ phát hành tối đa 10 triệu trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Giá phát hành sẽ được quyết định bởi các cấp có thẩm quyền nhưng sẽ không thấp hơn 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu phát hành sẽ có kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 10,5%/năm và trái chủ sẽ được thanh toán lãi vào mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng.

Trong 2 năm trở lại đây, KBC liên tục huy động hàng trăm tỷ qua kênh trái phiếu. Gần nhất vào cuối tháng 3, KBC vừa hút tiếp 400 tỷ trái phiếu, lãi suất cũng vào mức 10,5%/năm.

Ngoài ra, vào ngày 11/5, KBC cũng quyết định vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng kỳ hạn tối đa hai năm để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh từ công ty con là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Năm 2021, Kinh Bắc đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 6.600 tỷ đồng, gấp ba lần số thực hiện năm ngoái. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 573% so với năm 2020. Với kết quả đạt được, KBC đã thực hiện được hơn 30% kế hoạch doanh thu và gần 36% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu tiên.

Đi cùng kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, KBC dự kiến sẽ huy động nguồn vốn khoảng từ 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng trong năm 2021 để đầu tư hạ tầng các dự án cũ và mới và bổ sung nguốn vốn kinh doanh.

Công ty cho biết sẽ cam kết tăng tốc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, KCN Tràng Duệ 3, KĐT mới Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ, KĐT Tràng Cát để tạo ra các sản phẩm sẵn có đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2021, KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.002 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Lãi ròng thu về 714,5 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với quý 1/2020 trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 599 tỷ đồng, cao nhất trong một quý công ty từng ghi nhận.

Thanh Hà/Bizlive

https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/doanh-nghiep/mua-kbc-sau-phat-bieu-ai-bo-kbc-sau-nay-om-han-cua-ong-dang-thanh-tam-tuong-khong-han-ma-han-khong-tuong-3564295.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mua-kbc-sau-phat-bieu-ai-bo-kbc-sau-nay-om-han-cua-ong-dang-thanh-tam-tuong-khong-han-ma-han-khong-tuong-a150513.html