Việt Nam sẽ có 3 - 5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tờ trình về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, trong đó có phần quan trọng liên quan đến cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn này là nâng cao nội lực của hệ thống các TCTD trên cơ sở hoạt động minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, an toàn, hiệu quả, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với chi phí phù hợp.

Các mục tiêu cụ thể bao gồm giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực, phù hợp với thay đổi về cấu trúc kinh tế.

Bên cạnh đó, mục tiêu cũng đề ra nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ.

Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh của các TCTD.

Đặc biệt, trong kế hoạch cơ cấu lại hệ thống các TCTD có đề ra mục tiêu có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II phương pháp tiêu chuẩn.
Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển mô hình ngân hàng số nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng trên cơ sở ứng dụng các công nghệ CMCN 4.0. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp chính.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, đảm bảo giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới.
Cụ thể, xây dựng tiêu chí phân loại, xếp hạng các TCTD và hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát thích hợp với từng loại.

Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý để thí nghiệm các vấn đề mới phát sinh như cho vay ngang hàng, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện xử lý nợ xấu, nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh.'

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nâng cao sức cạnh tranh của ngành nhân hàng Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại của CMCN 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm, mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các TCTD cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn , vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD.

Thứ năm, tăng cường năng lực tài chính và chất lượng của các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với giám sát trên cơ sở rủi ro.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, can thiệp sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng.

Thứ bảy, củng cố, phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững, dần đưa hệ thống TCTD là hợp tác xã trở thành một trong những nền tảng trong hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng ở khu vực nông nghiệp – nông thôn.

Theo Trần Thúy/Bizlive

https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/tai-chinh/viet-nam-se-co-3-5-ngan-hang-niem-yet-tren-thi-truong-chung-khoan-nuoc-ngoai-3564512.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/viet-nam-se-co-3-5-ngan-hang-niem-yet-tren-thi-truong-chung-khoan-nuoc-ngoai-a150560.html