Khoản lãi 400 tỷ của Bamboo Airways đến từ đâu?

Trong một năm đầy khó khăn của ngành hàng không thế giới, việc hãng bay non trẻ Bamboo Airways báo lãi 400 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 34% so với năm 2019 là diễn biến thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. 

bmo7879vietnam6405532563140860718mr-1545909223563113129794

Ảnh: Bamboo Airways

Năm 2020, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) công bố lãi trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2019.

Đây là thông tin bất ngờ với giới đầu tư, bởi 2020 là một năm đầy khó khăn với ngành hàng không toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. "Anh cả" của hàng không Việt - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) báo lỗ sau thuế tới 11,2 nghìn tỷ đồng, với doanh thu sụt giảm 60%. Quý 1/2021, Vietnam Airlines lỗ tiếp 5.000 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế ăn mòn gần hết vốn góp chủ sở hữu.

Vậy thì với Bamboo Airways, khoản lãi đáng ngạc nhiên trong năm qua đến từ đâu? Đây là vấn đề thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư, trong bối cảnh thành viên của FLC Group không công khai số liệu tài chính.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, Bamboo Airways đạt doanh thu 175,3 triệu USD trong năm 2020, tăng 16% so với năm 2019. Tuy nhiên giá vốn bán hàng lên tới 331,3 triệu USD, tăng 66% so với năm 2019, khiến mảng "core" của Bamboo Airways lỗ gộp tới 156 triệu USD trong năm, tương đương khoảng 3.600 tỷ VND, bằng già nửa vốn điều lệ.

Để bù đắp, Bamboo Airways thu về khoản doanh thu hoạt động tài chính lên tới 201,2 triệu USD, tương đương khoảng 4.600 tỷ đồng, là nguyên nhân chính giúp lãi trước thuế ở mức 17,2 triệu USD, lãi sau thuế là 13,46 triệu USD.

Trong năm 2019, năm hoạt động đầu tiên, nghiệp vụ tương tự với doanh thu tài chính 78,5 triệu USD cũng đã giúp Bamboo Airways thoát lỗ và mang về khoản lãi sau thuế 10,46 triệu USD.

Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của Bamboo Airways tới cuối năm ngoái là 583 triệu USD, tăng 83% so với đầu năm, chiếm phần lớn, tới 82% là các khoản phải thu, gồm ngắn hạn (220,2 triệu USD) và dài hạn (255,6 triệu USD); đầu tư tài chính dài hạn là 42,2 triệu USD. Khá bất ngờ khi tài sản cố định của Bamboo Airways chỉ ở mức 2,4 triệu USD, trong khi tiền và tương đương duy trì ở 38,7 triệu USD.

Bên kia bảng cân đối kế toán, phần lớn nguồn vốn của Bamboo Airways là vốn chủ sở hữu (327,5 triệu USD, trong đó vốn điều lệ 303 triệu USD), vay nợ ngắn và dài hạn là 119 triệu USD.

Về phân tích dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm qua ở mức dương 22 triệu USD, là diễn biến tích cực so với mức âm 132,4 triệu USD trong năm 2019. Tuy nhiên với việc đẩy mạnh đầu tư, với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động này âm 46 triệu USD (so với âm 0,4 triệu USD năm 2019), Bamboo Airways do vậy đã sử dụng khá nhiều vốn vay để duy trì thanh khoản. Năm 2020, doanh nghiệp này vay 187,2 triệu USD, trong khi trả nợ 159,5 triệu USD.

Về cơ cấu sở hữu, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 56,5% cổ phần Bamboo Airways, CTCP Tập đoàn FLC là cổ đông lớn thứ 2, có 25,85%, CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding và CTCP Xây dựng FLC Faros nắm giữ lần lượt 6,27% và 5,63%, các cổ đông khác sở hữu 5,75%.

Ở diễn biến đáng chú ý, Bamboo Aiways từ đầu năm đến nay đã dồn dập thực hiện 3 đợt tăng vốn, từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng đầu tháng 2, lên 12.500 tỷ đồng giữa tháng 4 và chỉ 2 tuần sau, vào cuối tháng 4 nâng lên 16.000 tỷ đồng.

Cũng từ đầu năm đến nay, ông Trịnh Văn Quyết đã nhiều lần thế chấp cổ phần Bamboo Airways tại các ngân hàng Sacombank, NCB, OCB với tổng khối lượng khoảng hơn 310 triệu đơn vị, tương tự là FLC Group và Xây dựng Faros với khoảng 130 triệu đơn vị. Trong đó đáng kể nhất là đợt thế chấp 90 triệu cổ phiếu của FLC Faros ngày 8/4 và 92 triệu đơn vị của ông Trịnh Văn Quyết ngày 17/5, đều tại Sacombank - đối tác toàn diện của FLC Group.

Bamboo Airways được thành lập năm 2017, bay chuyến đầu tiên tháng 1/2019, chỉ sau thời gian ngắn đã trở thành hiện tượng thú vị của thị trường hàng không trong nước, khi đánh chiếm thị phần đáng kể của hai ông lớn truyền thống Vietnam Airlines và Vietjet. Thành viên FLC Group có kế hoạch nâng số lượng máy trong đội bay lên ít nhất 40 chiếc trong năm nay (kỳ vọng là 50 chiếc), tăng 10-20 chiếc so với năm 2020.

Hãng hàng không này cũng dự kiến mở rộng tuyến đường bay lên 70-80 đường, trong đó tập trung chính vào các tuyến bay thẳng kết nối các điểm đến du lịch tiềm năng chưa hãng nào khai thác.

Đối với mạng bay quốc tế, hãng đang chuẩn bị các công đoạn để có thể bay ngay sau khi Chính phủ và các điều kiện thị trường cho phép. Trong đó, các tuyến bay thẳng Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… dự kiến trở lại vào quý II và các đường bay thẳng đi Tokyo (Nhật Bản), Melbourne, Sydney (Australia), Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ...cũng được chuẩn bị để đưa vào khai trương trong năm nay.

Năm 2021, Bamboo Airways đặt mục tiêu 20 triệu lượt khách trên 110.000 chuyến bay và chiếm 30% thị phần hàng không nội địa, tăng mạnh so với mức 20% năm 2020.

Với thị trường Mỹ, Bamboo Airways vừa qua đã gửi hồ sơ lên Bộ Giao thông vận tải của Mỹ (United States Department of Transportation) đề nghị quyền tiếp cận khai thác đường bay thẳng đến Mỹ. Theo đó, các chuyến bay thẳng từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Los Angeles, San Francisco, California/New York, New York/Seattle, Washington/Dallas, Texas và xa hơn nữa đến Vancouver, Montreal và Toronto của Canada.

Bamboo Airways dự kiến sẽ bắt đầu các chuyến bay từ TP.HCM đi thẳng tới Los Angeles và San Francisco kể từ quý 3/2021. Trung bình sẽ có từ 4 – 7 chuyến bay hàng tuần bằng máy bay Boeing B787-9 Dreamliner.

Thanh Hương/Nhà Đầu tư

https://nhadautu.vn/khoan-lai-400-ty-cua-bamboo-airways-den-tu-dau-d52973.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khoan-lai-400-ty-cua-bamboo-airways-den-tu-dau-a150752.html