Người Việt muôn phương - (Bài 1): Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Trong những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, từ những năm tháng đấu tranh giành độc lập cho đến khi bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn có nhiều đóng góp quan trọng. Quá trình hình thành, sinh sống và phát triển của người Việt ở nước ngoài là một câu chuyện dài. 

Công dân Việt Nam tại Morocco trước khi lên đường về nước.

Công dân Việt Nam tại Morocco trước khi lên đường về nước.

Hàng trăm năm hình thành và phát triển

Theo Ủy ban người Việt ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, cách đây hàng trăm năm đã có người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống. Tiêu biểu như con cháu hoàng tộc họ Lý chính là Lý Long Tường (con thứ bảy của vua Lý Anh Tông, trị vì từ năm 1138-1175) đã sang Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) lập nghiệp. Thế kỷ 17-18 những người Việt sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào hay Trung Quốc.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, một số người Việt đi du học, làm công chức tại Pháp hoặc bị động viên đi lính, phu tại một số thuộc địa của Pháp. Trong thời kỳ chiến tranh, có thêm một số người ra đi lánh nạn, kiếm sống, theo chồng hồi hương hoặc đi tu nghiệp, du học ở nước ngoài. Tuy nhiên, trước năm 1975 số lượng người Việt Nam ở nước ngoài không lớn khoảng 16-20 vạn người ở 10 nước. Phần đông số này có tư tưởng sinh sống tạm thời, chờ điều kiện thuận lợi trở về nước.

Người Việt muôn phương - (Bài 1): Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 1
Bản đồ di cư của người Việt (biểu tượng chấm hoa chỉ những quốc gia, vùng lãnh thổ có người Việt sinh sống). 

Từ sau năm 1975, đã có sự thay đổi sâu sắc về số lượng, thành phần, tính chất cũng như địa bàn sinh sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Số người ra nước ngoài đã lên tới khoảng 2 triệu người, chủ yếu tới Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, các nước Tây và Tây Bắc Âu... Thêm vào đó sau năm 1980, một số khá đông sinh viên, thực tập sinh và lao động Việt Nam ở các nước thuộc Liên Xô (cũ), Đông Âu cũ ở lại làm ăn.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có những đặc điểm nổi bật như là cộng đồng trẻ, năng động, nhanh chóng hoà nhập và đại đa số có xu hướng định cư lâu dài ở nước sở tại chủ yếu là Mỹ, Úc, Canada các nước Tây Âu. Hiện tại, có khoảng 80% đã nhập quốc tịch nước cư trú nhưng hầu hết chưa thôi quốc tịch Việt Nam. Trong khi phần lớn người Việt tại Nga, Đông Âu vẫn coi cuộc sống là tạm cư, khi có điều kiện sẽ trở về nước.

Người Việt muôn phương - (Bài 1): Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 2
Khu Little Saigon tại miền Nam California (Hoa Kỳ).  

Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đặc điểm là phức tạp về thành phần xã hội, xu hướng chính trị và đa dạng về nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc. Đặc biệt, nhiều người trong số họ bị chi phối, phân hoá bởi sự khác biệt về giai tầng, chính kiến và hoàn cảnh ra đi cũng như cư trú ở các địa bàn khác nhau. Chính vì vậy, tính liên kết, gắn bó trong cộng đồng không cao. Cộng đồng sinh sống phân tán, sinh hoạt cộng đồng có khó khăn, việc duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống đang là thách thức lớn đối với tương lai của cộng đồng.

Dù được coi là thành đạt nhanh ở Mỹ và phương Tây, tiềm lực kinh tế của cộng đồng còn hạn chế, thu nhập bình quân đầu người nhìn chung thấp so với mức bình quân của người bản xứ (55% người Việt có cuộc sống ổn định, nhiều người vẫn phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội). Trong khi đó, tiềm lực chất xám, trí tuệ của cộng đồng khá lớn, nhất là ở phương Tây, Nga, Đông Âu.

Người Việt muôn phương - (Bài 1): Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 3
Một dãy cửa hàng đậm chất Việt Nam tại khu Little SaiGon (Hoa Kỳ).  

Hiện ước tính trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học, trên đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hoá, khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh và các tổ chức quốc tế.

Một thế hệ trí thức mới người nước ngoài gốc Việt đang hình thành và phát triển tập trung ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Châu Đại dương ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, chứng khoán.

Nguồn lực khổng lồ 

Giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của đất nước đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2015-2020 ước tăng khoảng 6,8%, đạt mục tiêu đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực. Quy mô GDP của Việt Nam hiện nay ước tính khoảng trên 340 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, trở thành nền kinh tế thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện với GDP bình quân đầu người ở mức 2.750 USD, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố và tăng cường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về những thành tựu trên đã khẳng định trong bài phát phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương được tổ chức tháng 01/2019, đó là do ý Đảng hợp với lòng dân, là sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao, là sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp quý báu và rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ta đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.

Người Việt muôn phương - (Bài 1): Quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 4
Lễ trao tộc phả Hoàng thân Lý Long Tường.  

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tính đến tháng 10/2020 ước đạt 15,7 tỷ USD, thấp hơn 7% so với năm 2019, nhưng vẫn giúp Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, theo công bố từ Ngân hàng Thế giới.

Tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD trong 5 năm qua, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới năm 2020, xếp thứ ba khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

“Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng trong công tác đối với kiều bào”, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết trong bài viết ngày 18/1.

Hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp của kiều bào tại Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức khác nhau, với 362 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD tính đến tháng 5/2020. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong mọi lĩnh vực tại các địa phương trong cả nước.

Nhiều thiết bị, vật tư y tế và khoảng 37 tỷ đồng đã được người Việt ở nước ngoài quyên góp để hỗ trợ đồng bào trong nước phòng, chống đại dịch Covid-19. Cộng đồng người Việt cũng tổ chức phòng chống dịch, hỗ trợ chính quyền và người dân sở tại bằng những hành động thiết thực, từ các suất ăn hỗ trợ bác sỹ, khẩu trang tự may khi khẩn cấp đến hỗ trợ trang thiết bị y tế, đóng góp tài chính.

“Nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương cảm động đã được người dân và lãnh đạo cấp cao các nước ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện một Việt Nam bao dung và chia sẻ trong mắt bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cho hay.

(Còn nữa)

Tiểu Vũ (biên soạn)
Theo Báo Pháp Luật
https://baophapluat.vn/nguoi-viet-muon-phuong-bai-1-qua-trinh-hinh-thanh-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-post383342.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-viet-muon-phuong-bai-1-qua-trinh-hinh-thanh-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-a150792.html