Sàn chứng khoán nghẽn lệnh liên tục: Nhiều nhà đầu tư đề nghị lãnh đạo HoSE từ chức

Sự cố nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tháng 6. Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ năng lực quản lý của HoSE, đề nghị lãnh đạo từ chức.

Nhà đầu tư bức xúc

Anh T.Đ.Tuân (nhà đầu tư tại Hà Nội) kể: Ngày 6/6, anh quyết định chốt lời sau một thời gian cầm cổ phiếu SSI. Tại thời điểm đó, giá khớp trên bảng là 48.650 đồng/cổ phiếu và có 300.000 cổ phiếu mua với giá 48.500 đồng. Anh đặt lệnh LO (lệnh giới hạn) bán 90.000 cổ phiếu SSI với giá 48.500 đồng/cổ phiếu nhưng lệnh treo, 15 phút sau khi đặt, lệnh mới lên sàn. Lúc đó, diễn biến thị trường đã xấu đi trong khi công ty chứng khoán lại áp dụng dừng tính năng sửa/ hủy lệnh khiến anh không thể cập nhật giá cho khớp với diễn biến của thị trường. Lệnh bị "khóa" đến cuối phiên, trong khi giá liên tục giảm khiến anh Tuân không bán được cổ phiếu. Các phiên sau đó, giá SSI liên tục sụt giảm. “Đến hôm nay, giá SSI đã giảm xuống còn 44.000 đồng/phiếu, so với điểm đỉnh tôi định bán, tôi thiệt hại tới 320 triệu đồng. Những phần thiệt hại này là do lỗi của lãnh đạo HoSE”, anh Tuân nói.

Nhiều nhà đầu tư phản ánh, kể cả khi đặt lệnh MP (lệnh mua bán chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất/giá mua cao nhất hiện có trên thị trường) cũng mất 5-7 phút mới hiện lên sàn. Bảng điện tử lúc đứng hình, khi nhảy lung tung khiến nhà đầu tư không thể cập nhật chính xác diễn biến giao dịch để đặt lệnh bán mà không bị thiệt hại. Việc các công ty chứng khoán tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh cũng bị nhà đầu tư phản đối gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh HoSE liên tục gặp sự cố. Nhiều nhà đầu tư khẳng định, việc hạn chế sửa, hủy lệnh khiến nhà đầu tư phải đặt lệnh trong cảnh đoán mò xu hướng. Theo đó, họ kẹt giữa hai lựa chọn: vốn/cổ phiếu bị treo tới hết phiên nếu lệnh LO không khớp, hoặc chấp nhận đua lệnh MP mua bán bằng mọi giá.

Ngày 9/6, PV Tiền Phong phản ánh những bức xúc của nhà đầu tư tới lãnh đạo HoSE. Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE, nói: “Việc thay đổi hệ thống giao dịch để nâng cao năng lực là quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư”. Ông Trà cho biết, trong khoảng 1,5 năm (từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5/2021), mức độ tăng trưởng giao dịch trên HoSE lên hơn 400%, làm trầm trọng thêm mức độ quá tải, dẫn đến tình trạng hệ thống xử lý chậm. Tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt mức 22,4 nghìn tỷ đồng.

Ông Trà cho biết, việc tạm dừng sửa, hủy lệnh của các công ty chứng khoán đã giảm tỷ lệ sửa, hủy từ khoảng 33,5% xuống dưới 8%. Hiện tượng nghẽn lệnh có thể chấm dứt vào cuối tháng 6/2021, khi HoSE và FPT triển khai hệ thống mới. Phía FPT cho biết, hệ thống đang trong giai đoạn kiểm thử diện rộng, trên tiêu chí về hiệu năng, bảo mật và lên các kịch bản chuyển đổi hệ thống.

Đề nghị tạm ngừng giao dịch

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư có ý kiến đề nghị HoSE ngừng giao dịch khi không sửa được các lỗi hiện tại. Cùng với đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE cần phải từ chức vì để nhà đầu tư bị thiệt hại rất lớn. Tuần qua, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư kêu gọi cộng đồng ký tên, đứng đơn kiện HoSE và Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà vì vận hành, quản lý hệ thống yếu kém, để xảy ra sự cố triền miên, gây thiệt hại kinh tế cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Trà cho rằng, ông chịu trách nhiệm trước người bổ nhiệm, chứ không phải những người kêu gọi ông từ chức.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng, thị trường chứng khoán bị tổn thương suốt 3 tháng qua vì tình trạng nghẽn lệnh xảy ra hằng ngày; điều này bắt nguồn từ năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo HoSE. “Sự yếu kém này không phải bây giờ mới lộ rõ mà đã có vài trường hợp nghiêm trọng trong các năm trước đây. Thực tế, sự cố tại phiên giao dịch 22/1/2018 đã khiến sàn HoSE phải dừng hoạt động và mời chuyên gia Thái Lan tới để sửa chữa trong 3 ngày mới có thể hoạt động bình thường trở lại”, ông Hải nói.

Theo luật sư Nguyễn Chí Hiếu, Công ty Luật TNHH Sen Vàng, HoSE quản lý hệ thống giao dịch, có trách nhiệm đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru, an toàn, nếu xảy ra sự cố, công ty chứng khoán, nhà đầu tư đều là bên bị ảnh hưởng. Theo đó, lỗi xuất phát do sàn tắc nghẽn có thể quy trách nhiệm cho HoSE. Việc các công ty chứng khoán tạm dừng tính năng hủy, sửa lệnh có phạm luật như nhận định của nhiều nhà đầu tư? Ông Hiếu nói. “Chi phí cơ hội không đặt ra trong trách nhiệm đền bù thiệt hại. Việc tạm dừng hủy, sửa lệnh gây thiệt hại mà không xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật thì không thể xác định”.

Điều 17 Quy chế giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (ban hành năm 2018) quy định: Trường hợp thành viên sử dụng hệ thống nhập lệnh tại sàn, khi nhập sai lệnh trong thời gian khớp lệnh định kỳ, đại diện giao dịch được phép sửa lệnh giao dịch bằng cách hủy lệnh sai, nhập lại lệnh đúng, nhưng phải xuất trình bản sao lệnh gốc của khách hàng và được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM chấp thuận.

Việt Linh - Ngọc Phúc/Tiền Phong

https://tienphong.vn/san-chung-khoan-nghen-lenh-lien-tuc-nhieu-nha-dau-tu-de-nghi-lanh-dao-hose-tu-chuc-post1344600.tpo

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/san-chung-khoan-nghen-lenh-lien-tuc-nhieu-nha-dau-tu-de-nghi-lanh-dao-hose-tu-chuc-a150854.html