Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc phòng chống dịch bệnh đang được nhiều người quan tâm. Với tần suất tiếp xúc cộng đồng cao, các tiểu thương tại các chợ dân sinh, tiệm tạp hóa hay nhân viên siêu thị đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19.
Nhân viên siêu thị, tiểu thương lo ngại nhiễm dịch bệnh
Ngày 17/6, UBND TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra quyết định phong tỏa siêu thị Big C tại ngã tư Vũng Tàu trong vòng 21 ngày do có người mắc COVID-19 từng ghé qua mua sắm. Từ 5h ngày 17/6, cơ quan chức năng giăng dây, lập các chốt kiểm soát tại các cửa ra vào siêu thị Big C, TP Biên Hòa. Nhân viên và khách hàng không được ra vào để ngành y tế phun xịt khử khuẩn.
Trước đó, nhiều khu chợ cũng đã bị phong tỏa do có trường hợp tiểu thương buôn bán tại chợ nghi nhiễm COVID-19. Ngày 15/6, lực lượng chức năng phong tỏa một khu chợ tại Quận Bình Tân, TP.HCM vì liên quan một ca nghi nhiễm Covid-19 là tiểu thương buôn bán tại chợ này. Bà Minh Anh (Q.Bình Tân), có sạp bán rau củ quả ngay sát cổng chợ cho biết dù lo ngại về dịch bệnh nhưng vì mưu sinh nên vẫn duy trì việc buôn bán. “Thấy khu chợ giăng dây vì nghi có ca nhiễm tôi rất lo lắng. Nhưng vì mưu sinh nên tôi không thể đóng sạp được. Để phòng dịch, tôi đeo khẩu trang, đội nón tránh giọt bắn, cố gắng giữ khoảng cách với khách tới mua đồ và sát khuẩn tay liên tục”.
Ngày 12/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang đã có văn bản thông báo về việc phong tỏa khu vực chợ Ba Dừa (huyện Cai Lậy) nghi ngờ có ca nhiễm Covid-19 trong khu vực chợ. Ngay sau đó, UBND huyện Cai Lậy và UBND thị xã Cai Lậy đã quyết định phong tỏa chợ Ba Dừa và một khu dân cư tại thị xã Cai Lậy. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã tiến hành truy vết và đưa đi cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi mắc trên.
Siêu thị, cửa hàng bán lẻ phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi ngày
Quan sát tại các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, việc thực hiện các biện pháp 5K được siết chặt và tuân thủ nghiêm ngặt hơn các khu chợ dân sinh. Đơn cử như tại VinMart, VinMart+, nhà bán lẻ này đã thiết lập quy trình phòng chống dịch tuân thủ chặt chẽ quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát. Quy trình phòng dịch được áp dụng với cả hàng hóa và nhân viên bán lẻ. Hàng hóa trước khi vào siêu thị phải được kiểm dịch khắt khe, đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng mới được nhập hàng. Tất cả nhân viên bán lẻ tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch và được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Bên cạnh đó, khách hàng trước khi vào siêu thị mua sắm đều được hướng dẫn rửa tay khử khuẩn và đo thân nhiệt ngay tại cổng vào.
Masan ủng hộ hàng nghìn sản phẩm cho các tuyến đầu chống dịch
Dù áp dụng nhiều biện pháp phòng chống, nguy cơ nhiễm dịch COVID-19 của nhóm nhân viên ngành bán lẻ vẫn rất cao. Trước tình hình đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã gửi công văn đề xuất đến Bộ Y Tế và Bộ Công Thương. Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội nêu ý kiến: “Với tính chất đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm phơi nhiễm COVID-19 là rất cao. AVR khẩn thiết đề nghị Bộ Y Tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.”
Các sản phẩm thiết yếu của Tập đoàn Masan được trao tận tay các nhân viên y tế và lực lượng công an tại các chốt chống dịch tại TPHCM
Ngày 3/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến Chính phủ kiến nghị người lao động tại các điểm bán lẻ hàng hóa thiết yếu như siêu thị, chợ truyền thống... cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Do đây là nhóm hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng; đồng thời, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh. Việc bổ sung lao động trong ngành bán lẻ hàng hoá thiết yếu vào danh sách được ưu tiên tiêm vaccine sớm nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị ngành y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Tập đoàn Masan đồng hành cùng Bộ Y tế hỗ trợ nhân dân Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch Covid-19
Bà Nguyễn Thị Phương (Phó Tổng Giám Đốc VinCommerce, đơn vị điều hành chuỗi bán lẻ VinMart / VinMart+) cho biết mỗi ngày hệ thống bán lẻ này phục vụ hàng triệu lượt khách hàng. Mặc dù tuân thủ tuyệt đối phương án 5K để bảo vệ người tiêu dùng góp phần đẩy lùi đại dịch, nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch COVID-19 của nhóm nhân viên ngành bán lẻ vẫn rất cao. Nhà bán lẻ này đề xuất được Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện cho hơn 22.000 cán bộ nhân viên hiện đang công tác tại 59 tỉnh thành của hệ thống bán lẻ này được nhanh chóng tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19. “Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ song song tạo một môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.” – Bà Phương cho biết.
Thực hiện giãn cách khi ăn trưa tại một nhà máy của Masan
Cùng với đề xuất của VinCommerce, mới đây thêm nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng bán lẻ có nguy cơ phơi nhiễm cao thuộc Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)... cũng có đề nghị tương tự, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng chi kinh phí, chủ động tìm vaccine để tiêm chủng cho người lao động, thông qua cơ quan chức năng và doanh nghiệp đầu mối.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/can-gap-rut-dua-lao-dong-nganh-ban-le-vao-nhom-doi-tuong-duoc-uu-tien-vaccine-a150970.html