Tổng cục Thống kê mới cho biết, GDP nửa đầu năm nay ước tăng 5,64%, tốc độ gấp ba lần mức tăng của 6 tháng đầu năm 2020. Con số này cũng chỉ thấp hơn mức tăng 7,05% và 6,77% của năm 2018 và 2019, nhưng tương đương hai năm 2016 và 2017.
Nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng và bối cảnh, con số này có thể là một bất ngờ. Việt Nam vẫn chưa sạch bóng Covid-19, thậm chí diễn biến trong nửa đầu năm nay còn phức tạp hơn. Năm trước, dịch bùng phát ở các thành phố, chủ yếu ảnh hưởng là du lịch. Nhưng năm nay Covid-19 xuất hiện ở các khu công nghiệp, những địa phương được xem là "thủ phủ" của công nghiệp chế biến, chế tạo, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương hay đợt bùng phát mới tại TP HCM. Nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Trong bối cảnh như vậy, GDP vẫn tăng cao.
Sự khó khăn còn có thể nhìn từ hoạt động của khối doanh nghiệp. Nửa đầu năm, cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 8%; 26.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9%. Nhưng ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể cũng lên tới hơn 70.000, tăng gần 25%. Đặc biệt, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng gần 34%, mà theo lý giải của lãnh đạo cơ quan thống kê, là "không thể chờ, chịu thêm được nữa".
Tốc độ tăng GDP có bất thường không? Câu hỏi này được ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) khẳng định với báo chí là "không". Lý do là con số tăng trưởng này xuất phát từ một mức nền rất thấp của quý II/2020. Nửa đầu năm trước, GDP chỉ tăng 1,82%, mức thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê. Hai quý đầu năm 2020 cũng là giai đoạn đầu Việt Nam hứng chịu đại dịch, trong đó có một thời gian dài cách ly toàn xã hội khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.
Một lý do khác còn đến từ đà phục hồi của công nghiệp chế biến, chế tạo trước đợt dịch bùng phát gần đây. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp dẫn chứng, tăng trưởng khu vực công nghiệp trong nửa đầu năm đạt 9,3%, mức tăng chỉ thấp hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm không có Covid-19. Sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt bùng phát dịch gần đây, vẫn tăng 9%. Theo ông Thúy, nếu không có dịch, Bắc Giang có thể tăng 30-40%. Tương tự, sản xuất công nghiệp tại Bắc Ninh có thể tăng trên 20%, thay vì con số 10% hiện tại.
"Nếu không có đợt bùng phát cuối tháng 4 thì ngành công nghiệp có mức tăng còn cao hơn nữa, có thể đạt 11-12%, chứ không phải chỉ 9,3% như hiện nay", ông Lê Trung Hiếu đánh giá.
Ông Lê Duy Bình Giám đốc điều hành Economica Vietnam đánh giá "con số 5,64% là tương đối cao, bất ngờ", nhưng cho biết có cơ sở để tin vào mức tăng trưởng này. Theo đó, GDP được hỗ trợ bởi xuất nhập khẩu, dịch vụ, bán lẻ hàng hoá tiêu dùng, nông nghiệp, chế biến chế tạo.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nửa đầu năm qua Việt Nam hứng chịu hai đợt bùng phát Covid-19 tương đối nặng hơn so với năm 2020.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là 5,8%. Với các chuyên gia từ Bloomberg, khoảng cách còn xa hơn. Cuộc khảo sát của hãng tin này với sáu nhà kinh tế học dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng tới 7,2% trong quý II.
"Mức tăng trưởng nhảy vọt so với cùng kỳ năm ngoái do cơ sở so sánh yếu, thực tế dữ liệu GDP cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với tổn thất kinh tế nặng nề do nỗ lực kiểm soát Covid-19", Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại Capital Economics, đánh giá.
Chuyên gia này cũng nói thêm, với những đợt bùng phát lẻ tẻ đang tiếp tục diễn ra, nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn trong những tháng tới.
Bắc Giang dồn tổng lực xét nghiệm cho công nhân và người dân. Ảnh: Giang Huy. |
Có thể hoàn thành mục tiêu năm
Với mức tăng 5,64% trong nửa đầu năm, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 6% của năm nay, theo ông Lê Trung Hiếu, kinh tế cần tăng 6,3% trong 6 tháng cuối năm.
"Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% là thách thức, còn tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam có thể thực hiện được", ông Hiếu nói và cho rằng Chính phủ không cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế trong năm nay có thể đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, với GDP tăng 6,1-6,3%. Kết quả này tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của WB, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.
Ông Lê Duy Bình không đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP, bởi theo ông con số tăng trưởng không quá quan trọng. "Việt Nam cần tập trung lúc này là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặt được nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong những năm tới", ông Bình nói.
Chuyên gia này lưu ý thêm về lạm phát. Dù CPI đang ổn định, chỉ số giá của một số nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp đã tăng một cách đáng kể. Những chỉ số này chưa ngay lập tức ảnh hưởng đến lạm phát nhưng nếu không điều hành tốt, diễn biến này sẽ tạo rủi ro về cuối năm nay và trong năm tới.
Nhập siêu cũng là điều đáng lưu tâm khi Việt Nam đã nhập siêu tháng thứ hai và có dấu hiệu sang tháng thứ ba. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao thời gian gần đây.
"Chúng ta còn 6 tháng cho mục tiêu 6,5%. Nếu nỗ lực và trong điều kiện khống chế được dịch bệnh, tăng trưởng của nền kinh tế có thể tiệm cận con số đó", ông Bình nói, nhưng cũng nhấn mạnh, không nên quá chú trọng về tốc độ tăng trưởng GDP vì nó có thể tạo ra sức ép với chính sách tiền tệ, tài khoá...
"Dư địa chính sách của Việt Nam không còn lớn, phải thận trọng. Việc sử dụng nguồn lực năm nay cũng phải thay đổi để hiệu quả hơn chứ không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà tiếp tục bơm tiền, tăng đầu tư. Đấy chưa chắc là cách tốt nhất", ông nói.
Minh Sơn - Phương Ánh/TheoVnexpress
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tai-sao-ganh-dich-kinh-te-van-tang-truong-gap-ba-cung-ky-a151172.html