Vì sao bất động sản không “mất giá” dù kinh tế khó khăn?

Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng dòng tiền của nhà đầu tư vẫn âm thầm đổ vào thị trường bất động sản, dù có lúc chậm lại. Kinh tế khó khăn không có nghĩa bất động sản mất sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Trong báo cáo quý 2 mới công bố, Công ty nghiên cứu thị trường JLL cho biết bất chấp đại dịch Covid-19, phân khúc nhà liền thổ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình tiếp tục tăng.

Cụ thể, giá bán trung bình đạt 65,5 triệu đồng/m2, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước và 8% so với quý trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn ở thành phố Thủ Đức, Đồng Nai, Long An và những dự án nằm ở khu vực có mật độ đô thị hóa cao như Bình Dương.

Trong khi đó, tại thị trường căn hộ TP.HCM do nguồn cung khan hiếm cộng với sự leo thang của chi phí nguyên vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư tự tin tăng giá khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm ngoái.

null

Dịch bệnh dù có tác động đến lượng giao dịch, nhiều vụ mua bán không thực hiện được nhưng giá bất động sản gần như chưa có điều chỉnh rõ rệt.

Mặc dù giá bán tăng, nhưng nhu cầu thị trường vẫn tăng trưởng tích cực với khoảng 6.745 căn hộ đã được giao dịch trong quý 2/2021, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu mua nhà để ở dẫn dắt thị trường.

“Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn bất ổn, việc thiếu hụt các kênh đầu tư hoặc lãi suất tiền gởi ngân hàng đang sụt giảm sẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư rót tiền vào bất động sản”, đại diện JLL nhận định.

JLL dự báo giá bán sẽ tiếp đà tăng trưởng theo tâm lý thị trường, từ đó có khả năng sẽ đẩy mức giá trung bình ở tất cả phân khúc lên một mức cao mới.

Quan sát thị trường trong suốt hai năm qua, ông Nghĩa một nhà đầu tư ở TP.HCM, nhận định dịch bệnh dù có tác động đến lượng giao dịch, nhiều vụ mua bán không thực hiện được nhưng nhìn chung giá bất động sản gần như chưa có điều chỉnh rõ rệt. Chỉ có một vài trường hợp cá biệt giảm giá 5-10% trên thị trường thứ cấp.

Tại một buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho hay dù trải qua nhiều đợt sốt rồi nguội lạnh, nhưng những sản phẩm bất động sản có giá trị và tiềm năng nhà đầu tư vẫn rất quan tâm.

Theo ông Phúc, yếu tố then chốt để bất động sản hút các nhà đầu tư chính là lợi nhuận. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đô thị hóa nhanh, dư địa phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông cho đến thị trường nhà ở vẫn còn dư địa lớn. Các doanh nghiệp đều nhìn thấy nhu cầu rộng mở khi diện tích nhà ở bình quân đầu người tại Việt Nam vẫn đang thấp so với các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, quan niệm từ xưa đến nay vẫn là người sinh ra nhưng đất không sinh ra. Vì vậy, đất và sản phẩm bất động sản trên đất, ngay cả chung cư là hữu hạn.

“Lô đất muốn xây dựng chung cư phải có hệ số sử dụng đất, có số lượng căn hộ giới hạn nên tính hữu hạn của bất động sản thể hiện rất rõ. Tương tự với khu dân cư, quy hoạch khu dân cư có dân số bao nhiêu, bao nhiêu đơn vị ở cũng có hạn. Nhu cầu nhà ở lớn trong khi nguồn cung có hạn sẽ đẩy giá tăng”, ông Phúc phân tích.

Theo ông Phúc, cũng như nhiều lĩnh vực khác, đầu tư vào bất động sản cũng luôn có rủi ro, nhưng rủi ro không lớn nếu nhà đầu tư mua bất động sản có pháp lý rõ ràng của chủ đầu tư uy tín. Trong tình huống xấu nhất, giá bất động sản sẽ đứng hoặc có thể tăng chậm chứ không giảm.

“Thông thường, giá tăng lên ít nhất bằng tốc độ lạm phát, trung bình tăng khoảng 10% mỗi năm. Đối với những khu vực có hạ tầng giao thông tốt, nhiều tiềm năng, mức tăng có thể lên đạt 20-50% mỗi năm” ông Phúc nhận định.

Theo ông Phúc, thị trường bất động sản sẽ có sức bật tốt sau dịch. Bên cạnh những nhà đầu tư rời thị trường thì vẫn có những nhà đầu tư khác gia nhập thị trường.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, đánh giá thời gian qua kinh tế luôn phát triển, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, những người có tiền đang nhiều lên. Từ đó, tạo ra nhu cầu nhà ở và cả nhu cầu đầu tư bất động sản.

Thêm vào đó, trong hai năm qua dù dịch bệnh, kinh tế trồi sụt thị trường chứng khoán đang phát triển. Nhiều nhà đầu tư có được lợi nhuận ở đây và hiện thực hóa lợi nhuận đó bằng tài sản, bằng nhà và đất. Những người làm sản xuất, kinh doanh sản xuất hiệu quả cũng có xu hướng biến lợi nhuận thành tài sản.

Cuối cùng, khi nhu cầu mua nhà đất tăng lên, lập tức sẽ có những người chuyên đi đầu tư nhà đất. Giới này càng làm cho thị trường bất động sản thêm nhộn nhịp.

Theo Thanh Thịnh/Cafeland

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-bat-dong-san-khong-mat-gia-du-kinh-te-kho-khan-a151306.html