Nischal Shetty, một lập trình viên 36 tuổi, đã tự gây dựng tiếng tăm cho mình ở đất nước tỷ dân Ấn Độ.
Chỉ trong nửa đầu năm 2021, startup kinh doanh tiền mã hóa của anh đã đạt tốc độ phát triển gấp 12 lần, trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Ấn Độ. Nischal Shetty giờ đây đang đặt ra mục tiêu đưa WazirX trở thành kỳ lân tiền mã hóa đầu tiên của quốc gia này.
Được biết đến là một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, nhưng ít ai ngờ được rằng, bước đột phá ở mảng tiền điện tử của Shetty lại đến từ các hành động phản ứng lại hành vi chèn ép từ phía các công ty công nghệ lớn.
“Luôn có lý do để mọi người tham gia vào thế giới tiền mã hóa”, Shetty cho hay.
Bắt đầu từ các nền tảng xã hội
Nischal Shetty là nhà sáng lập kiêm CEO của WazirX, một nền tảng tiền mã hóa cho phép người dùng mua, bán và giao dịch các đồng tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin, Ether, Litecoin và XRP.
Được thành lập vào năm 2018 cùng với hai nhà đồng sáng lập Sameer Mhatre và Siddharth Menon, công ty của Shetty đã tận dụng làn sóng đầu tư vào tiền số của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chưa đầy hai năm sau khi ra mắt, công ty đã được Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - mua lại. Vào tháng 4/2020, token tiền mã hóa của WazirX - WRX - đạt định giá hàng tỷ USD.
Trước khi WazirX ra đời, bộ ba nhà sáng lập bắt đầu với một doanh nghiệp truyền thông xã hội.
“Satrtup đầu tiên của tôi liên quan tới lĩnh vực quản lý mạng xã hội”, Shetty chia sẻ. “Nếu bạn có tài khoản Twitter, tài khoản Instagram, bạn có thể ngồi một chỗ và quản lý tất cả những tài khoản này".
Ý tưởng được đặt tên là Crowdfire đã thành công. Tuy nhiên, không lâu sau, các gã khổng lồ truyền thông xã hội đã hạn chế API (giao diện lập trình ứng dụng), khiến những nhà phát triển bên thứ ba khó có thể phát triển các lĩnh vực có liên quan. Điều này buộc Shetty và các nhà đồng sáng lập khác phải thay đổi.
“Chúng tôi đã cắt giảm một số tính năng bị cho là không phù hợp với các mạng lưới khi đó, dù chúng có khả năng sinh lời”, Shetty nhớ lại. “Điều đó dẫn chúng tôi đến hệ sinh thái phi tập trung”, mà cụ thể ở đây là blockchain - cơ sở dữ liệu phân tán không được kiểm soát bởi bất cứ bên nào.
Tham gia lĩnh vực tiền mã hóa
Shetty cùng các nhà đồng sáng lập đã gặp may mắn khi thời điểm phát triển sự nghiệp của họ trùng với khoảng thời gian mà tiền kỹ thuật số, nhất là đồng Bitcoin, bùng nổ.
Năm 2018, bộ ba quyết định sử dụng kiến thức chuyên môn về công nghệ của họ để tạo ra một nền tảng dựa trên blockchain cho các giao dịch tiền mã hóa.
“Tôi nhận ra rằng các sàn giao dịch quốc tế hoạt động theo cách rất khác những sàn ở Ấn Độ. Do đó, chúng tôi quyết định xây dựng một sàn giao dịch tập trung vào hệ sinh thái của Ấn Độ", Shetty nói.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi WazirX ra mắt, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với các giao dịch thanh toán bằng tiền điện tử. WazirX đã phải nhanh chóng thay đổi, hoạt động như một bên thứ ba quản lý người mua và bán.
Đến tháng 11/2019, Binance đã mua lại WazirX, bước đi đầu tiên trong kế hoạch tiến chân vào thị trường Ấn Độ của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới này.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Ở thời điểm hiện tại, WazirX cho biết số người dùng của startup này đã tăng gấp 4 lần trong quý II/2021 lên 6,5 triệu người. Chỉ riêng tháng 6, khối lượng giao dịch đạt tới 6,2 tỷ USD.
“Số người dùng đăng ký mới trong 4, 5 tháng qua nhiều hơn 3 năm trước đó. Nó cho thấy tốc độ tăng trưởng của chúng tôi nhanh tới cỡ nào”, Shetty cho hay.
Thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm 2021. Theo CoinMarketCap, tính tới tháng 5 vừa qua, tổng giá trị vốn hóa của thị trường đạt tới 2.500 tỷ USD. Con số ở thời điểm hiện tại là 1.460 tỷ USD.
“Sự mới lạ là nguyên nhân khiến tiền mã hóa trở nên hấp dẫn với với nhà đầu tư. Kế đó là sự thuận tiện trong giao dịch”, ông Ganesh Vasudevan, Giám đốc nghiên cứu tại IDC Financial Insights, nhận xét. “Các nền tảng giao dịch đã ra mắt nhiều ứng dụng cực kỳ thuận tiện và hiệu quả".
Thách thức pháp lý
Tuy nhiên, ngành công nghiệp tiền mã hóa đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trên toàn cầu. Giới chức trách lo ngại rằng tiền mã hóa có thể tạo điền kiện cho các hành vi tội phạm và trốn thuế.
Hồi tháng 6, chủ sở hữu Binance của WazirX bị cấm thực hiện các hoạt động theo quy định tại Anh. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nước đang dần siết chặt việc quản lý với thị trường tiền mã hóa toàn cầu.
Về phần mình, WazirX cũng vướng vào cuộc tranh cãi giữa những nhà chức trách Ấn Độ.
“Đang có sự thiếu quyết đoán về cách xử lý loại tài sản này – cho dù xem xét nó dưới tư cách tiền tệ, hàng hóa, hay bất cứ hình thái tài sản nào khác", ông Vasudevan thuộc IDC Financial Insights đánh giá.
Một phần nguyên nhân là tác động tiêu cực đến môi trường của hoạt động khai thác tiền mã hóa. Các ước tính chỉ ra riêng việc khai thác Bitcoin đã tiêu thụ hơn 60 TWh/năm, nhiều hơn mức tiêu thụ điện ở nhiều nước như Thụy Sĩ và Singapore.
Cơ hội cho ngành công nghệ Ấn Độ
Bất chấp những khó khăn trước mắt, Shetty vẫn khẳng định ngành công nghiệp này sẽ mang tới nhiều lợi ích cho người dân ở những quốc gia như Ấn Độ.
Hồi tháng 6, WazirX trở thành sàn giao dịch các token không thể thay thế (NFT) đầu tiên tại Nam Á, với nỗ lực giúp người sáng tạo trên khắp Ấn Độ giao dịch những tài sản kỹ thuật số bao gồm tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc.
“Nếu nhìn vào lịch sử của Ấn Độ, một trong những động lực lớn nhất cho sự phát triển kinh tế thần tốc là phần mềm", Shetty lập luận. “Giờ đây, tiền mã hóa là một phần mở rộng của toàn bộ hệ sinh thái phần mềm đó. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng Ấn Độ không thể bỏ lỡ cơ hội này".
Con đường trước mắt cho WazirX nói riêng và thị trường tiền kỹ thuật số nói chung sẽ còn nhiều khó khăn. Nhưng sau những thăng trầm đã gặp phải vài năm qua, lập trình viên 36 tuổi này cho hay, anh đã sẵn sàng cho hành trình phía trước.
“Sứ mệnh của chúng tôi là giúp tiền mã hóa tiếp cận với mọi người dân Ấn Độ", Shetty khẳng định. “Tôi tin rằng thị trường Ấn Độ có tiềm năng thu hút 100 triệu người tham gia. Hành trình của chúng ta mới chỉ bắt đầu".
Theo NDH
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lap-trinh-vien-36-tuoi-xay-dung-san-giao-dich-tien-ma-hoa-lon-nhat-an-do-a151311.html