Từ một hãng hàng không quốc gia, sở hữu thị phần vận chuyển hành khách và quy mô đội bay lớn nhất cả nước, trong cơn bão Covid-19, Vietnam Airlines đang ngày càng lún sâu vào thua lỗ nặng nề, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng.
Số liệu thống kê cho thấy, Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ nhất ngành hàng không. Đến cuối tháng 12/2020, lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.
Theo đánh giá, mức lỗ này thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 29/12/2020 là 14.445 tỷ đồng. Tuy nhiên, như vậy đã là quá đủ để thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỷ đồng của hãng hàng không này trong 5 năm 2015 - 2019.
Bên cạnh đó, tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.967 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa xuống còn 1.647 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng xuống còn 494 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng 72% lên 11.187 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 18.507 tỷ đồng xuống còn gần 6.141 tỷ đồng.
Trong khi "anh cả" của ngành hàng không thua lỗ, nợ nần thì hai hãng còn lại có mức lỗ hạn chế hơn nhiều. Cũng trong 2020, Bamboo Airways lỗ gộp gần 3.600 tỷ đồng, Vietjet lỗ từ hoạt động vận chuyển hàng không 1.453 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận riêng lẻ ghi nhận lỗ từ hoạt động vận chuyển hàng không, song doanh thu của công ty mẹ Vietjet Air năm 2020 vẫn đạt 15.203 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 18.220 tỷ đồng và đặc biệt là lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng. Vietjet trở thành doanh nghiệp hàng không hiếm hoi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới có lãi trong năm 2020.
Phần cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50% cho thấy Vietjet đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay sụt giảm mạnh. Đến cuối năm 2020, Vietjet có tổng tài sản 45.197 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.325 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,28 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới.
Lý giải nguyên nhân khiến Vietnam Airlines có kết quả kinh doanh thua lỗ nặng nề nhất trong ngành hàng không, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, việc tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là vận chuyển hành khách và hàng hóa với quy mô đội bay lớn nhất nước (hơn 100 tàu bay) dẫn đến mức thua lỗ cao hơn các hãng khác.
Vietnam Airlines cũng là hãng có thị phần vận chuyển hàng không quốc tế lớn nhất so với hai hãng còn lại, chiếm 65% doanh thu vận chuyển khách quốc tế đi - đến Việt Nam. Do đó, khi đường bay quốc tế đóng cửa do đại dịch, Vietnam Airlines cũng chịu thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với các hãng khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối như Vietnam Airlines, từ nhiều năm nay chỉ tập trung hoạt động kinh doanh chính là vận chuyển hàng không và thoái hết vốn khỏi các lĩnh vực khác. Do đó, các doanh nghiệp này không có cơ hội để lấy doanh thu từ các ngành khác bù vào vận chuyển hàng không như doanh nghiệp tư nhân.
Hơn nữa, theo TS. Ngô Trí Long, với cơ cấu cổ đông nhà nước nắm chi phối, phần vốn nhà nước chiếm 86%, khi xảy ra khủng hoảng, Vietnam Airlines khó có thể linh hoạt xử lý như bán tài sản, phát hành cổ phiếu, kêu gọi vốn mà phải xin ý kiến của nhà nước. Việc làm này mất rất nhiều thời gian và thủ tục.
Khoảng tối trong năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước
Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, năng lực quản trị đối phó khủng hoảng của doanh nghiệp nhà nước, kể cả sau cổ phần hoá vẫn còn khoảng cách quá xa so với doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi chờ đợi chính sách và việc thực thi chính sách hỗ trợ từ nhà nước, nếu như các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways chủ động tích cực tự cứu mình thì Vietnam Airlines lại chỉ trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Do đó, khi thiếu sự hỗ trợ này thì tình trạng khó khăn của doanh nghiệp ngày càng thêm trầm trọng.
"Khi vận tải hàng không thua lỗ, tài chính mất cân đối nghiêm trọng thì Vietnam Airlines chỉ có mỗi cứu cánh là đi vay nợ để bù đắp, kể cả vay nợ từ Nhà nước khiến cho qui mô nợ phình to quá mức và gánh nặng nợ sẽ đeo đẳng Vietnam Airlines nhiều năm tới ngay cả sau khi thị trường hàng không trở lại hoạt động bình thường", ông Ánh nhận định.
Mặt khác, mặc dù cả Vietnam Airlines và Vietjet đều thực hiện các biện pháp tương tự như cắt giảm chi phí, chuyển sang vận tải hàng hóa, đàm phán với đối tác để khắc phục khó khăn do dịch bệnh, nhưng rõ ràng hiệu quả và hiệu lực thực thi của Vietjet cao hơn hẳn so với Vietnam Airlines.
Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này được vị chuyên gia kinh tế này chỉ ra là do sự khác biệt lớn giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân về cơ chế và đội ngũ quản lý.
Nếu Vietnam Airlines chịu sự quản lý của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên đội ngũ quản lý thiếu sự chủ động sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm thì đội ngũ quản lý của các doanh nghiệp tư nhân chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật, có toàn quyền chủ động, năng động, sáng tạo trong quản lý doanh nghiệp miễn là pháp luật không cấm. Những phẩm chất này càng đặc biệt quan trọng khi đối phó với khủng hoảng.
Hội đồng quản trị (HĐQT) của doanh nghiệp tư nhân là những người chủ sở hữu thật sự của doanh nghiệp và ban giám đốc là những người được HĐQT thuê làm việc. Trong khi đó, HĐQT của Vietnam Airlines chỉ là đại diện cho chủ sở hữu còn ban giám đốc được bổ nhiệm và giao nhiệm vụ.
Nói cách khác, đối với doanh nghiệp nhà nước (kể cả sau cổ phần hoá) thì thành viên HĐQT không phải là người chủ, không phải là doanh nhân mà chỉ là người làm thuê, thậm chí là công chức, viên chức làm công ăn lương và thành viên Ban giám đốc cũng tương tự như vậy.
Quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá chỉ được cải thiện khi thành viên HĐQT có quyền, trách nhiệm và lợi ích hoàn toàn gắn với sự phát triển của doanh nghiệp và thành viên ban giám đốc do HĐQT đó thuê theo hợp đồng chứ không phải bổ nhiệm, ông Ánh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ánh, trong khó khăn chung của ngành hàng không, tuy cùng đề xuất ưu đãi tài chính tín dụng từ phía Nhà nước song chỉ có Vietnam Airlines được đồng ý hỗ trợ trong khi Vietjet và Bamboo Air đều chưa được xem xét sau nhiều lần kiến nghị.
Điều này cho thấy, sự đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân còn khoảng cách quá xa giữa lời nói và việc làm. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái hơn và hệ quả là kể cả sau cổ phần hoá vẫn muốn và được núp bóng Nhà nước nên giảm cả động lực lẫn khả năng cạnh tranh, hoạt động hiệu quả trên thị trường, vị chuyên gia này cho hay.
Theo An Chi/The Leader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tai-sao-vietnam-airlines-thua-lo-nang-ne-nhat-nganh-hang-khong-a151384.html