Tự tin rằng xe điện Việt có đủ tính năng mà xe Tesla có, ông Phạm Nhật Vượng tính toán, đến năm 2026 sẽ bán hàng trăm nghìn chiếc VinFast sang Mỹ.
Văn phòng đầu tiên của VinFast tại châu Âu được đặt ở thủ đô Paris (Pháp) do bà Trần Thị Hồng Bích, Quyền Giám đốc VinFast châu Âu điều hành. Trước đó bà từng là phó Giám đốc khối hành chính (back office) của VinFast.
Theo thông tin trên LinkedIn, hồ sơ của bà Bích Trần giới thiệu là một Giám đốc Điều hành giàu kinh nghiệm, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Quan hệ Chính phủ với lịch sử làm việc trong ngành công nghệ thông tin và dịch vụ. Có kỹ năng về Quản lý chung, Quản lý Vận hành, Tiếp thị và Bán hàng.
Ngoài ra, bà Bích Trần còn có kinh nghiệm ở lĩnh vực vận tải đường sắt , an ninh, vệ tinh, chuyển đổi dữ liệu và ô tô. Nữ tướng VinFast tốt nghiệp Trường Kinh doanh Henley, bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - MBA.
Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp niêm yết, bà Bích từng là CEO kiêm thành viên Ban giám đốc Toyota Hà Nội trong khoảng thời gian 5 năm, đưa đơn vị này lọt top 3 các nhà bán hàng của Toyota tại Việt Nam.
Sau khi rời Toyota Hà Nội, bà Bích Trần giữ vị trí Phó Trưởng phòng đại diện tại Việt Nam của công ty kỹ thuật EWTC (Singapore) và quản lý tại BeePack và Alexandra & Sophia. Ngoài ra, bà Bích Trần từng giữ chức Giám đốc điều hành Quỹ ngăn chặn chấn thương châu Á với Chiến dịch khuyến khích tham gia giao thông an toàn tại Việt Nam.
Ít ai biết, bà Bích Trần còn đồng hành với KFC Việt Nam trong hơn 4 năm, giai đoạn từ 2014 đến 2018 ở vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT.
Trước khi về với VinFast, bà giữ chức Quản lý phát triển kinh doanh của Tập đoàn Thales, một công ty đa quốc gia của Pháp đến từ Pháp; chuyên thiết kế, xây dựng hệ thống điện tử và cung cấp dịch vụ cho thị trường hàng không vũ trụ, quốc phòng, vận tải, an ninh. Trụ sở chính của Thales đặt tại Paris.
Hiện tại, ngoài giữ chức Quyền Tổng giám đốc VinFast châu Âu, bà Bích Trần cũng đang nằm trong Hội đồng quản trị của Hiệp hội bơi thuyền Việt Nam.
Tại Mỹ, trong số các nhân sự mới lần này có sự xuất hiện của ông Jeremy Snyder - người có kinh nghiệm 10 năm làm việc lại vị trí quản lý cấp cao thuộc Tesla, dưới vai trò Giám đốc Phát triển thị trường Mỹ của VinFast.
Theo hồ sơ LinkedIn, Jeremy Snyder giới thiệu đã bắt đầu làm việc cho VinFast từ tháng 7/2020. Ông tốt nghiệp cử nhân Khoa học, chuyên ngành Xã hội học và Trái đất, Khoa học Địa lý thuộc đại học Massachusetts Boston. Ngoài ra, ông Snyder cũng từng tốt nghiệp Đại học Tulane, ngành Kỹ thuật cơ khí.
Ông Jeremy Snyder cho biết bản thân gia nhập VinFast với mục tiêu đưa thương hiệu ô tô Việt Nam vào thị trường Mỹ, thúc đẩy và mở rộng sản phẩm xe điện của VinFast trên đất Mỹ và toàn thế giới.
Giám đốc VinFast tự nhận thấy mình có những điểm mạnh như khả năng lãnh đạo, hoạch định chiến lược, lập và triển khai kế hoạch, xây dựng đội ngũ nhân sự, bán hàng, tiếp thị thương hiệu...
Khi mới bắt đầu sự nghiệp ông Snyder từng làm việc trong ban giám đốc của công ty do gia đình sở hữu, sau đó ông tiếp tục thử sức ở lĩnh vực truyền thông, marketing, quan hệ khách hàng tại hai công ty là Music Vision và Zama Media, trong đó Zama là công ty mà ông Snyder tham gia với tư cách đồng sáng lập.
Như đã nói, ông Snyder có kinh nghiệm 10 năm làm việc tại Tesla với các vị trí quản lý cấp cao như Trưởng bộ phận Phát triển Kinh doanh toàn cầu cùng nhiều sự án đặc biệt khác; GM (General Manager) kiêm Giám đốc khu vực miền Đông (Mỹ); GM kiêm Giám đốc bán hàng khu vực miền Tây; GM của Tesla Motors khu vực Tây Nam.
Ngoài ra, ông Snyder còn lại đại sứ thương hiệu cho Tesla, người phát ngôn chính của hãng trước truyền thông. Với những vị trí kể trên, ông Snyder đã có cho mình rất nhiều thành tích đáng nể.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) – nói rằng việc sản xuất xe điện là không dễ dàng nhưng ‘đó là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình’, tập đoàn này đang cạnh tranh với xe xăng chứ không phải xe điện.
Theo đó, Vingroup sẽ phát triển theo ‘concept’ cho thuê pin. Cụ thể, pin được chuyển từ người mua sở hữu sang VinFast sở hữu và làm dịch vụ cho thuê, tính tiền thuê pin cộng tiền nạp điện đúng bằng mà khách hàng trả cho xăng. “Xe điện chạy đến đâu tính tiền đến đó” – ông Vượng nói.
Ông Phạm Nhật Vượng đánh giá xe điện có chi phí vận hành rẻ hơn, chi phí sửa chữa bảo dưỡng bảo trì tối đa bằng 35% so với xe xăng. Thêm nữa, xe điện có tính năng thông minh hơn rất nhiều, do đó, việc cạnh tranh với xe xăng là rất khả thi.
Nhược điểm của xe điện là quãng đường chạy không quá dài. Tuy nhiên, Vingroup đã khắc phục bằng công nghệ sạc siêu nhanh, trong 20 phút sạc từ 70 – 80% pin, chạy thêm được khoảng 400 km.
“Vì sao chúng tôi tự tin bán xe trên thế giới?” – ông Phạm Nhật Vượng đặt vấn đề.
Lãnh đạo Vingroup cho biết xe điện của VinFast được sản xuất hướng tới tiêu chuẩn cao nhất, có các tính năng thông minh hàng đầu thế giới, tới năm 2023 sẽ có tính năng tự lái cấp độ 3. “Có thể nói những gì Tesla có thì chúng ta đều có, thậm chí cao cấp hơn” - ông Vượng chia sẻ.
Tập đoàn này cũng lên kế hoạch bán hàng trăm nghìn xe VinFast tại Mỹ vào năm 2026.
“Ở Mỹ tổng số xe điện trên tổng số ô tô chỉ chiếm 2%. Một năm Mỹ bán từ 16 đến 18 triệu xe, chỉ cần chiếm được 1% thị phần chúng tôi đã có 160 đến 180 nghìn xe” – ông Vượng lý giải.
Năm 2021, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu ở mức 170.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.500 tỉ đồng. Tập đoàn này cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 12,5%, tương ứng tổng số cổ phần phát hành dự kiến 422,8 triệu đơn vị. Sau phát hành, Vingroup sẽ tăng vốn điều lệ lên 38.052 tỉ đồng.
Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, củng cố ba trụ cột chính là Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ, nhằm tạo thế ‘kiềng ba chân’ vững chãi hơn.
Theo Lam Trường/Doanh nhân Việt Nam
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-dieu-hanh-cua-vinfast-tai-my-va-chau-au-he-lo-tham-vong-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-a151395.html