Duy trì sức hút
10 năm qua, tăng trưởng cho vay khối ngân hàng Việt Nam là 331% và lợi nhuận tăng 241%. Do đó, cổ phiếu ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi có thể được xếp vào cổ phiếu tăng trưởng. Trong giai đoạn 2021-2022, ngành tài chính nói chung hay ngân hàng nói riêng là ngành có triển vọng tăng trưởng kinh doanh tích cực nhất so với các doanh nghiệp niêm yết khác.
Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng nới lỏng tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trong một báo cáo gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, kết quả kinh doanh quý II/2021 của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nền so sánh thấp.
Bên cạnh đó, thông tin về việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại hàng loạt các ngân hàng (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng được cấp và đang xin thêm hạn mức) và các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức nhằm tăng vốn đặc biệt ở nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ là những sự kiện đáng chú ý trong thời gian tới.
SSI Research cũng nhận định tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý II dự kiến vẫn ở mức cao do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái sẽ tiếp tục đưa mức P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn hơn.
Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích - Nghiên cứu (Công ty Chứng khoán BIDV - BSC), nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm cổ phiếu chủ đạo của thị trường nửa cuối năm nay.
"Ngân hàng cũng chịu rủi ro do dịch bệnh, song không chỉ tại Việt Nam, mà tại các quốc gia khác, ngân hàng luôn được hưởng lợi khi kinh tế phục hồi. Do đó, xét tổng thể mọi yếu tố, tôi cho rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu tốt trong nửa cuối năm 2021", ông Long nhận định.
"Mạnh tay" gom hàng
Cùng với làn sóng mua vào cổ phiếu ngân hàng, thời gian qua, một loạt quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn đã rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng 20-40% danh mục nhờ vào triển vọng tăng trưởng cao của nhóm ngành này.
Đơn cử như tuần qua, bất chấp thị trường liên tục sụt giảm, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tháo chạy, khối ngoại đã tăng cường mua gom nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tâm điểm mua gom của khối ngoại tuần qua là cổ phiếu MBB của Ngân hàng MB. Trong phiên giao dịch ngày 9/7, khối ngoại đã chi 378 tỷ đồng mua vào gần 9 triệu cổ phiếu MBB. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, khối ngoại đã gom 21 triệu cổ phiếu của ngân hàng này.
Mã HDB của HDBank cũng đặc biệt thu hút khối ngoại khi từ cuối tháng Sáu, khối ngày đã liên tục mua ròng. Chỉ tính trong 3 phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại đã mua vào 4 triệu cổ phiếu ngân hàng HDBank.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa quyết định nâng hạn mức tài trợ thương mại và hạn mức tín dụng tuần hoàn cho HDBank từ 85 triệu USD lên 150 triệu USD, cho thấy sự tin tưởng cao và mong muốn hợp tác của các định chế tài chính quốc tế với HDBank. Dự kiến, trong tháng 7 này, HDBank sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%.
Quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund trong báo cáo tháng 6/2021 cũng cho biết HDB nằm trong top 4 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ và nhận định lợi nhuận của HDBank sẽ tăng 38% trong năm 2021 và 21% trong năm 2022. Ngoài HDBank, PYN Elite Fund còn quan tâm tới TPBank, VietinBank và MB.
Quỹ Phần Lan từng nhận định cổ phiếu ngân hàng tại các nước châu Âu đem lại mức sinh lời yếu nhưng các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam lại tăng trưởng mạnh mẽ.
"Trong 10 năm qua, tăng trưởng cho vay khối ngân hàng Việt Nam là 331% và lợi nhuận tăng 241%. Do đó, cổ phiếu ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi có thể được xếp vào cổ phiếu tăng trưởng", Quỹ viết trong một báo cáo gần đây.
Riêng giai đoạn 2016-2020, PYN Elite nhận thấy các ngân hàng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ 36%/năm giai đoạn 2016-2020. Quỹ dự báo tăng trưởng này khả năng cao sẽ chững lại trong năm 2021 nhưng vẫn ở mức tốt.
Một quỹ ngoại khác là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) với quỹ mô danh mục 1,32 tỷ USD cũng đầu tư lớn vào cổ phiếu ngành tài chính, tỷ trọng nhóm này đạt hơn 21% tại cuối tháng 5, tăng so với con số 17% hồi đầu năm. Các cổ phiếu được quỹ thuộc VinaCapital đầu tư phải kể đến là Eximbank, ACB, OCB hay VPBank.
Trong nhiều phiên gần đây, nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục mua ròng cổ phiếu STB của Sacombank. Riêng phiên 8/7, mã này được khối ngoại mua ròng gần 1,4 triệu đơn vị.
Phiên 7/7, sau ngày giảm sàn, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng hơn 3,95 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị gần 121 tỷ đồng. Ba phiên đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng 2,8-3 triệu cổ phiếu STB. Duy nhất phiên 6/7, mã này bị bán ròng 527.300 đơn vị.
Lũy kế từ đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng hơn 11,8 triệu cổ phiếu, gần bằng cả tháng 6, với giá trị tương ứng gần 366 tỷ đồng. Trong tháng 6, cổ phiếu này cũng được khối ngoại mua ròng 12 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 340 tỷ đồng.
Trước đó, Sacombank thông báo bán toàn bộ gần 81,6 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian dự kiến từ 1/7 đến 30/7, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Số lượng cổ phiếu bán theo phương thức thỏa thuận tối đa là 20.087 đơn vị.
Theo Thái Hoàng/Thời báo Ngân hàng
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/don-song-dau-tu-quy-ngoai-o-at-gom-co-phieu-ngan-hang-a151402.html