Cô thường cười cùng với họ, nhưng trong lòng cô có cảm giác khủng khiếp, buồn tủi. Đó là một trong nhiều sự phân biệt mà cô phải chịu đựng trong nhiều năm.
Cô nói để một người da đen trở thành vận động viên bơi lội rất khó và phán quyết mới của Liên đoàn Bơi lội Quốc tế (FINA) khiến điều đó càng trở nên khó khăn hơn.
Công ty Soul Cap gần đây đã cố gắng làm cho chiếc mũ bơi Afro của họ (vốn vừa vặn với mái tóc dày của người gốc Phi) được chấp thuận ở Thế vận hội Tokyo mùa hè năm nay. Ban đầu, FINA từ chối chiếc mũ này vì cho rằng nó không tuân theo "hình dạng tự nhiên của cái đầu", nhưng sau những phản ứng dữ dội, FINA đang xem xét lại lệnh cấm.
Ngoài việc gọi lệnh cấm là "lố bịch" và "phân biệt chủng tộc", các nhà tư vấn làm việc với những công ty trong danh sách Fortune 500 về vấn đề đa dạng cho biết quyết định của FINA là điểm cần học hỏi, không chỉ cho các nhà lãnh đạo Olympic mà còn cho giới lãnh đạo doanh nghiệp.
"Khi chúng ta nói về thứ gì đó không phù hợp với 'hình dạng tự nhiên của cái đầu' thì chính xác đó là cái đầu của ai?" Tiffany Jana, người sáng lập công ty tư vấn đa dạng, công bằng và hòa nhập TMI, nói.
Một bài học cho tất cả lãnh đạo
Phản ứng dữ dội chống lại FINA đã diễn ra rất nhanh.
Soul Cap đã lên tiếng phản đối phán quyết trên, cho rằng nó không khuyến khích nhiều vận động viên trẻ tuổi thuộc nhóm người thiểu số theo đuổi môn thể thao này. Và một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu FINA gỡ bỏ lệnh cấm đã tập hợp được hơn 59,000 chữ ký.
Jana, tác giả cuốn Subtle Acts of Exclusion (Những hành vi loại trừ tinh vi), cho rằng việc FINA bỏ qua cơ hội để có môi trường hòa nhập hơn là một bài học cho giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Một số nhà văn còn nói ngôn ngữ của FINA gợi nhớ đến chuyện đo các cục gồ lên trên hộp sọ để dự đoán các đặc điểm tâm thần hồi những năm 1800, thời người ta thường lập luận rằng những người không da trắng là thấp kém hơn vì hình dạng cái đầu của họ.
Jana nói rằng quyết định trên cho thấy sự thiếu nhận thức về cảm xúc, lịch sử và "trí thông minh tổng thể". Kerryn Agyekum, một chuyên gia về DEI (đa dạng, công bằng, hòa nhập) tại công ty tư vấn The Raben Group, đồng ý. Cả hai đều nói không còn chấp nhận được chuyện lãnh đạo không nhận thức được việc phân biệt chủng tộc ảnh hưởng như thế nào đến chuyên ngành, lĩnh vực, hay thậm chí là công ty hoặc môn thể thao của họ.
Hãy ngừng giám sát người da đen và những người không phải da trắng khác
Có một sự tương đồng giữa lệnh cấm đội mũ bơi Afro và lệnh cấm về bím tóc, địa điểm và những cách khác mà người da đen chăm sóc tóc của họ.
Các chuyên gia về DEI cho biết cả hai lệnh cấm này đều cố ý hoặc vô tình phân biệt chủng tộc.
Đạo luật CROWN, một đạo luật ngăn chặn sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc dựa trên kết cấu hoặc kiểu tóc của một người, đã được thông qua ở 11 bang, trong đó có New York và California. Tuy nhiên, không có luật nào ngăn chặn sự phân biệt đối xử như vậy ở cấp độ quốc gia.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo doanh nghiệp không nên chờ đợi Đạo luật CROWN. Jana cho rằng họ nên đặt câu hỏi về hiện trạng, và ngừng giám sát người da đen cũng như những người không phải da trắng khác, hoặc làm cho điều đó khó tồn tại hơn trong môi trường làm việc.
Ví dụ, các nhà lãnh đạo nên xem xét lại các quy định về việc trình bày ý kiến tại nơi làm việc, điều chỉnh các chính sách chăm sóc sức khỏe để bao gồm cả những người chuyển giới và phi giới tính, và đảm bảo văn phòng của họ có thể tiếp cận được đối với những loại người khác nhau.
Jana cho rằng văn hóa ở nơi làm việc và văn hóa trong thể thao có thể thay đổi, nhưng chỉ khi các nhà lãnh đạo sẵn sàng tham gia vào việc này, và việc phụ nữ đã đạt được thành tựu như thế nào trong thế giới nghề nghiệp là minh chứng cụ thể cho điều đó. Nhiều công ty hiện có phòng cho con bú, cung cấp các sản phẩm hỗ trợ nguyệt kỳ miễn phí và có chế độ nghỉ phép có lương.
Hãy chấp nhận sai lầm để mở ra sự tiến bộ
Không một nhà lãnh đạo hoặc tổ chức nào sẽ luôn giải quyết mọi thứ ổn thỏa, đặc biệt là khi nói đến sự đa dạng, công bằng và hòa nhập. Tuy nhiên, chính những gì các nhà lãnh đạo làm sau khi họ mắc sai lầm sẽ cho thấy họ là ai, các chuyên gia tư vấn về DEI cho biết.
“Bạn không thể đi từ chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc được thể chế hóa đến bất kỳ hình thức không tưởng quốc tế, toàn cầu nào mà không vấp ngã, không học hỏi. Điều tôi quan tâm bây giờ là FINA sẽ làm gì tiếp theo", Jana nói.
Jana cho rằng để FINA là một tổ chức chống phân biệt chủng tộc thì ủy ban của tổ chức này không chỉ rút lại lệnh cấm mà còn phải đưa ra lời xin lỗi và cam kết xem xét lại toàn bộ hoạt động của họ.
"Hãy cho tôi thấy các bạn đang làm việc đó" Jana nói.
Theo Nhã Thanh/Vietstock
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bai-hoc-lon-cho-gioi-lanh-dao-doanh-nghiep-tu-mot-lenh-cam-o-olympic-a151430.html