Tham vọng của nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn khi rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore?

Vĩnh Hoàn "bắt tay" CJ và Baemin rót vốn vào startup thịt tôm nhân tạo tại Singapore, hướng đến công nghiệp protein thay thế.

base64-16269432590931751512758-80-0-618-1028-crop-16269432759021675477622-1626954921.png

Mục tiêu của Shiok Meats trong tương lai sẽ đưa công nghệ sản xuất thịt hải sản từ các tế bào trở thành công nghệ hàng đầu trong ngành thực phẩm toàn cầu. Vào năm 2050, công ty đặt tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người trên thế giới.

Tham vọng lớn

Ngày 21/7, Shiok Meats, công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm cho biết đã hoàn tất màn gọi vốn từ các công ty hàng đầu trong ngành thực phẩm Hàn Quốc là Woowa Brothers Asia Holdings và CJ CheilJedang Corporation. Ngoài ra thương vụ còn có sự góp mặt của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC).

vne-cell-jpg-4295-1584345269-1626954716.jpg
Công ty Shiok Meats sẽ dùng thịt tôm nuôi cấy từ tế bào gốc để sản xuất bánh bao. Ảnh: SCMP.

Bên cạnh đó, vòng gọi vốn này nhận được đầu tư từ IRONGREY (công ty gia đình tại Hàn Quốc chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ), Big Idea Ventures, Twynam Investments, Henry Soesanto, The Alexander Payne Living Trust,... Tính đến hiện tại tổng số vốn Shiok Meats đã huy động lên tới 30 triệu USD.

Tiến sĩ Sandhya Sriram, Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập của Shiok Meats cho biết, 12 - 18 tháng tiếp theo là thời gian quan trọng đối với công ty. Số tiền huy động được sẽ dùng để thúc đẩy các hoạt động R&D cũng như xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại ở Singapore.

Theo kế hoạch, Shiok Meats sẽ ra mắt sản phẩm tại Singapore muộn nhất vào năm 2023.

Thực chất của thịt tôm nhân tạo là gì?

Công ty khởi nghiệp Shiok Meats do hai nhà khoa học Sandhya Sriram và Ka Yi Ling được thành lập từ năm 2018. Đây là công ty sản xuất thịt và hải sản dựa trên tế bào đầu tiên ở Đông Nam Á và là công ty sản xuất thịt động vật giáp xác (tôm, tôm hùm, cua, tôm càng) đầu tiên trên thế giới theo hướng bền vững, lành mạnh, không độc hại.

Hiện Shiok Meats có hơn 30 nhà khoa học, kỹ sư, kỹ sư công nghệ thực phẩm và các chuyên gia kinh doanh. Công ty dự định ra mắt tại Singapore muộn nhất vào năm 2023.

Đây là thịt nhân tạo sản sinh bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ bắp trong một dung dịch huyết thanh dinh dưỡng và phát triển thành miếng thịt động vật.

"Nhiều công ty sử dụng thực vật để tạo ra hải sản nhân tạo, nhưng chúng tôi sử dụng tế bào gốc để tạo ra hải sản thực sự. Chúng tôi không ủng hộ những cách gọi như thịt nhân tạo, thịt giả hoặc thịt trong phòng thí nghiệm", Sriram chia sẻ.

Theo Sriram, một lợi thế lớn của thịt nuôi cấy là tính bền vững. Loại thịt này cũng sạch hơn, không chứa thuốc kháng sinh, kim loại nặng, vi nhựa hoặc xâm phạm quyền động vật.

thit-nhan-tao-1626954716.jpg
Một sản phẩm thịt nhân tạo được tiêu thụ ở thị trường Mỹ.

Sriram cho biết bước tiếp theo là giảm chi phí. Hiện nay, giá thành để sản xuất một kilogram tôm là 5.000 USD. Với sự đầu tư lớn hơn vào nghiên cứu và phát triển, công ty hướng đến giảm chi phí xuống còn 50 USD một kilogram giúp con người thay thế thịt thật trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm sạch gia tăng trên toàn cầu.

Nếu thành công, Shiok Meats sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đưa tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm vào bữa ăn các gia đình.

Các nhà khoa học đã sử dụng mẫu các tế bào từ tôm để nuôi thành thịt tôm ở dạng băm.

Điều đặc biệt, các tế bào này được nuôi bằng dưỡng chất trong dung dịch và giữ ở môi trường 28 độ C để các tế bào sinh sôi và biến thành thịt trong khoảng từ 4 đến 6 tuần.

Theo các nhà khoa học, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm tốt hơn thịt tự nhiên, không chỉ bởi việc sản phẩm không chứa kháng sinh mà còn có thể được bổ sung vitamin hay sắt hoặc điều chỉnh mùi vị theo ý của khách hàng.

Hiện rào cản lớn nhất trong việc đưa thịt nhân tạo vào thương mại là chi phí sản xuất cao và mùi vị của sản phẩm.

Trước đó, các nhà khoa học Nga vừa phát triển thành công loại thịt ngựa nhân tạo từ tế bào gốc của ngựa với sự trợ giúp của công nghệ ấp hiện đại.

Họ đã lấy các mẫu mô cơ từ những con ngựa non bằng cách sinh thiết, đưa mẫu vật vào lò ấp để có được thành phẩm hoàn chỉnh đảm bảo cấu trúc dinh dưỡng cho sự tăng trưởng.

Trước đó, vào tháng 10/2019, thông qua phòng thí nghiệm đặc biệt, các nhà khoa học Nga cũng đã sản xuất ra một viên thịt bò nhân tạo nặng 40g.

40g thịt nhân tạo đầu tiên thu được trong điều kiện phòng thí nghiệm có giá 900.000 rúp (khoảng 328 triệu đồng).

Tới năm 2023, số thịt này sẽ xuất hiện trên các sạp thịt ở Nga. Theo tính toán, sau 5 năm nữa một kg thịt bò nhân tạo sẽ có giá bán lẻ vào khoảng 800 rúp (khoảng 290 nghìn đồng).

Ngoài thịt động vật lấy từ tế bào, chúng ta còn có một loại thịt khác không chăn nuôi nhân tạo được lấy từ tế bào gốc, rau củ,...

Các nhà khoa học xác định thịt dựa trên protein, carbohydrate, lipit, khoáng chất và vitamin, tất cả những chất có thể tìm được ở thế giới thực vật và sản xuất thành công loại thịt này, nó đã được bán ở 35.000 điểm, trong đó có nhiều khu ăn uống tại các siêu thị. Với thành phần chính là đậu, gạo, củ dền,...

Mục tiêu của Shiok Meats trong tương lai sẽ đưa công nghệ sản xuất thịt hải sản từ các tế bào trở thành công nghệ hàng đầu trong ngành thực phẩm toàn cầu. Vào năm 2050, công ty đặt tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người trên thế giới.

Nếu nắm bắt được sự phát triển này và thành công, Vĩnh Hoàn sẽ trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên theo đuổi việc đưa tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm vào bữa ăn các gia đình.

Theo Khánh Hà/Diễn đàn doanh nghiệp

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tham-vong-cua-vinh-hoan-khi-rot-von-vao-startup-san-xuat-thit-tom-nhan-tao-tai-singapore-a151452.html