Cụ thể, vị CEO 8X của siêu doanh nghiệp này đã cho ra mắt sàn TMĐT Cộng đồng USG (USG Community - United State of Global Community). Sàn TMĐT vận hành bởi Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn cầu (GAB Group), một trong những tập đoàn thuộc hệ sinh thái đa dạng của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh.
Ông Quốc Anh cho biết, mô hình kinh doanh sàn TMĐT Cộng đồng USG là sự kết hợp các yếu tố nền tảng công nghệ phối hợp với hệ sinh thái toàn cầu dựa trên 5 yếu tố chính, bao gồm: Nền tảng Automation (tự động hóa mua - bán), Big Data (tập hợp dữ liệu, phân tích thị trường), Block Chain (lưu trữ dữ liệu thông tin), AI (đưa ra giải pháp phục vụ khách hàng tốt nhất) và Replication 5.0 (một hệ thống nhân bản dựa trên cấu trúc USG hiện tại).
Theo kế hoạch phát triển được vị CEO này tiết lộ, chỉ trong giai đoạn 2021 - 2025, sàn TMĐT này sẽ mở rộng tới 200 quốc gia và thu hút hơn 3 tỷ người tham gia. Cụ thể, trong năm đầu tiên từ 31/7 đến 31/12/2021, sàn này sẽ thu hút 1,6 triệu doanh nghiệp trong nước và hơn 50 triệu người dân Việt Nam tham gia. Năm thứ 2 từ 3/3 -31/7/2022, sàn USG sẽ có mặt tại 50 quốc gia, với 1 tỷ người tham gia. Năm thứ 3 từ 3/3 - 31/12/2023, công ty sẽ mở rộng triển khai trên 100 quốc gia và có khoảng 2 tỷ người tham gia. Cuối cùng là từ 3/3/2024 - 31/12/2025, sàn TMĐT này sẽ tiếp tục phát triển mở rộng tới 200 quốc gia và có khoảng trên 3 tỷ người tham gia vào cộng đồng.
Theo vị CEO này, hiện thế giới có hai mô hình TMĐT. Mô hình thứ nhất là tập trung, tức sàn vừa là nơi tổ chức mua - bán, vừa gom sản phẩm về kho của mình và vận chuyển đến người tiêu dùng, tiêu biểu là Amazon. Còn USG đi theo mô hình phân kỳ, sàn chỉ đứng ra hỗ trợ, giám sát chất lượng sản phẩm còn vận chuyển tới khách hàng là việc của nhà sản xuất.
Ông Quốc Anh cho rằng, mình chọn mô hình TMĐT phân kỳ là do bản thân không đủ nguồn lực và kinh phí để đầu tư một sàn TMĐT tập trung. Bởi theo ông này, với mô hình phân kỳ, USG chỉ xây dựng trong 1 tháng, với chi phí chưa tới 100 triệu đồng và chỉ cần 5 người làm việc, trong đó, ông phụ trách chính, 4 người còn lại chỉ làm việc vào buổi tối (?).
Cũng theo vị CEO này, để tham gia vào USG, thay vì miễn phí như các sàn TMĐT khác, phía GAB Group sẽ thu phí các gói duy trì tài khoản. Với khách hàng cá nhân, các gói dao động từ 49.000 đến 199.000 đồng/tháng. Còn đối với các doanh nghiệp, phí duy trì tài khoản sẽ từ 199.000 - 999.000 đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi đơn hàng thành công, doanh nghiệp phải trả chiết khấu 5% cho sàn. Đổi lại, tuỳ theo gói tài khoản, cá nhân sẽ được USG chia 2 - 8 cổ phần, doanh nghiệp được chia 8 - 40 cổ phần của GAB Group. Theo thông tin công bố, doanh nghiệp này sẽ phát hành 20 tỷ cổ phần và 20 tỷ trái phiếu.
Theo ước tính của vị CEO này, đến cuối năm nay, sàn TMĐT USG sẽ mang về cho GAB Group mỗi tháng 78.850 tỷ đồng tiền phí duy trì gói và 6.000 tỷ đồng từ chiết khấu đơn hàng. Tổng cộng, doanh thu của USG vào khoảng 84.850 tỷ đồng mỗi tháng.
Có thể nói, những con số cũng như kỳ vọng mà vị CEO 8X này đưa ra được giới chuyên gia đánh giá là những con số không tưởng. Bởi chỉ tính theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tính đến 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, sau rất nhiều năm Việt Nam phát triển TMĐT, vậy lấy đâu ra con số 1,6 triệu doanh nghiệp để tham gia sàn USG?
Còn về con số doanh thu theo tính toán của vị CEO này khoảng 84.850 tỷ đồng/tháng, đây là một doanh thu “siêu” khủng mà các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam hiện nay như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không dám mơ tới (cả năm 2020 doanh thu của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng). Nếu tính sơ sơ, doanh thu 1 năm của sàn TMĐT USG này vào khoảng hơn 44 tỷ USD, gấp hơn 6 lần doanh thu của cả thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2020 (doanh thu năm 2020 của TMĐT Việt Nam là 7 tỷ USD).
“Đây là một con số doanh thu rất “siêu tưởng" đối với một sàn TMĐT vừa mới chân ướt, chân ráo gia nhập thị trường. Ngay cả đối với những sàn TMĐT lâu năm trên thị trường như Ladaza, Shopee hay Tiki cũng còn lâu mới tham vọng con số doanh thu “siêu” khủng trong thời gian siêu tốc này. Đây đúng là một trường hợp trước nay chưa từng có trên thương trường Việt Nam”, một chuyên gia đánh giá.
Bình luận về mô hình sàn TMĐT mà ông chủ "siêu doanh nghiệp" theo đăng ký đặt ra, một chuyên gia cho biết, trên thế giới hiện nay có 9 mô hình TMĐT, nhưng tuyệt nhiên không có mô hình TMĐT nào là mô hình phân kỳ(?). Theo đó, 9 mô hình TMĐT phổ biến trên thế giới hiện nay bao gồm: B2B: Business to Business - Doanh nghiệp với Doanh nghiệp; B2C: Business to Consumer - Doanh nghiệp với Khách hàng; B2E: Business to Employee - Doanh nghiệp với Nhân viên; B2G: Business to Goverment - Doanh nghiệp với Chính phủ; G2B: Govermen to Business - Chính phủ với Doanh Nghiệp; G2G: Govermen to Govermen - Chính phủ với Chính phủ; G2C: Govermen to Citizen - Chính phủ với Công dân; C2C: Consumer to Consumer - Khách hàng với Khách hàng và C2B: Consumer to Business - Khách hàng với doanh nghiệp. Trong đó, Alibaba.com của Trung Quốc theo mô hình B2B, Amazon.com thì theo mô hình B2C.
Còn tại Việt Nam hiện nay, các sàn TMĐT chủ yếu đi theo 3 mô hình TMĐT truyền thống là B2B, B2C và C2C. Trong đó, Tiki.vn và Ladaza.com áp dụng mô hình B2C, còn Shopee.vn đang áp dụng mô hình C2C.
“Tôi thật sự choáng với những con số mà vị Giám đốc doanh nghiệp này đưa ra, cũng đã từng nghe nhiều về doanh nghiệp này, nhưng khi được nghe về doanh thu thì thật sự sốc. Còn về chuyên môn, tôi chưa từng nghe nói đến mô hình TMĐT nào là mô hình TMĐT phân kỳ cả, trong ngành TMĐT cũng không hề có khái niệm này. Nghe chia sẻ của vị Giám đốc này thì đúng là các “ông lớn” trong ngành cũng không dám...mơ", vị chuyên gia về TMĐT chia sẻ.
Theo Đình Đại/Diễn đàn doanh nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-con-so-sieu-tuong-cua-sieu-doanh-nghiep-500000-ty-dong-a151474.html