Người ta vẫn tin rằng trên đời này chẳng có gì là ngẫu nhiên, mọi thứ xảy ra đều có lý do. Có những hành động không đáng để tâm nhưng lại tác động lớn đến tương lai của chúng ta, thay đổi lịch sử vận mệnh và tạo nên một trang sử mới.
Ngày đó, vận mệnh đã gõ cửa phòng của một giáo sư ĐH Stanford, khiến ông quyết định xuống tiền cho một startup non trẻ đang muốn tạo một công cụ tìm kiếm mới. Những gì xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử.
Chàng nghệ sĩ đến với công nghệ vì bị từ chối
David Ross Cheriton sinh năm 1951 tại Vancouver (Canada), là con thứ ba trong số 6 anh chị em. Tuy cha mẹ đều là kỹ sư, ông lại được khuyến khích tự do lựa chọn con đường mình muốn.
Từ bé, Cheriton đã là một cậu bé độc lập, thích "tự lực cánh sinh". Ông không chơi các môn thể thao đồng đội, tự xây nhà gỗ trong sân để tránh xa lũ trẻ hàng xóm. Chính vì thế, cũng không có gì khó hiểu khi cậu bé tài năng này đòi nghỉ học năm lớp 11 chỉ vì cảm thấy chương trình của trường dạy quá chậm.
"Thằng bé tự đi theo con đường của riêng mình", cha ông nhận xét. "Chúng tôi không định hướng cho cháu".
Dù là con nhà nòi kỹ thuật, Cheriton lại mơ ước trở thành một nghệ sĩ. Ông từng tham gia nhạc kịch ở trường, tham gia nhiều vở diễn ở địa phương. Cheriton còn ứng tuyển vào chuyên ngành guitar cổ điển của ĐH Alberta nhưng không may bị trường này từ chối.
Là một chàng trai với nhiều hoài bão, Cheriton vẫn rời quê nhà, đăng ký vào ngành Toán học của ĐH British Columbia vào năm 22 tuổi. Tại đây, ông đã tìm được tình yêu với một thứ mới mẻ: máy tính.
"Giáo viên dạy toán của tôi từng đề cập đến máy tính một lần… nhưng tôi chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy nó", ông nhớ lại. "Phải đến năm nhất đại học, tôi mới thực sự để ý tới lĩnh vực này và bắt đầu sử dụng máy tính".
Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân Toán học và Khoa học máy tính của ĐH British Columbia, Cheriton tiếp tục lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ĐH Waterloo. Ông làm giáo sư trợ giảng ở trường cũ một thời gian, trước khi chuyển sang ĐH Stanford (Mỹ) vào năm 1981 để tìm tài trợ cho các nghiên cứu của mình.
Đổi đời nhờ chọn bạn mà chơi
Chính tại nơi mà sau này sẽ trở thành cái nôi cho các thiên tài của Thung lũng Silicon, Cheriton đã gặp hai bước ngoặt lớn của cuộc đời.
Thứ nhất, ông hướng dẫn một nhóm phát triển microkernel dành cho hệ điều hành gọi là "V" - thứ sẽ trở thành một cải tiến không thể thiếu giống như các lớp Giao thức Internet và Giao diện Người dùng Đồ họa.
Thứ hai, ông dạy và kết giao với một nghiên cứu sinh tên là Andy Bechtolsheim.
Bechtolsheim là một nhân vật vô cùng thú vị của ĐH Stanford vào thập niên 80. Chàng nghiên cứu sinh người Đức này hiếm khi lên lớp đầy đủ, mà dành thời gian cho các dự án và sở thích cá nhân.
Một trong những dự án ưa thích của Bechtolsheim là hệ thống máy trạm kết nối mạng có tên là "Mạng ĐH Stanford", hay còn gọi tắt là SUN. Năm 1982, anh quyết định bỏ dở chương trình nghiên cứu sinh và thành lập công ty Sun Microsystems.
Năm 1986, Sun Microsystems lên sàn chứng khoán. Khoảng 9 năm sau, khi doanh nghiệp này đạt mức doanh thu hàng năm là 1 tỷ USD, Bechtolsheim ra đi để thành lập một công ty mới có tên là Granite Systems.
Và người đồng sáng lập với anh không ai khác là David Cheriton.
Sau khoảng 1 năm thành lập, Granite System được Cisco mua lại với giá 220 triệu USD. Khoảng 60% cổ phần của Bechtolsheim được chuyển thành 132 triệu USD tiền mặt.
Còn Cheriton - vị giáo sư khiêm tốn của ĐH Stanford, người trước đây chưa từng kiếm được quá 100.000 USD/năm - cũng sở hữu 10% cổ phiếu. Số tiền ông nhận được là 22 triệu USD trước thuế.
Lúc ấy, số tiền mà David Cheriton sở hữu đủ để ông thử vận may với các phi vụ đầu tư khác.
"Trong suốt một thời gian dài làm giáo sư đại học, tôi thực sự không có tiền để đầu tư", ông tâm sự. "Chỉ sau một đêm, tôi từ lo lắng không biết nên trả tiền nhà như thế nào thành vui mừng tự hỏi bản thân có nên trả sạch tiền thế chấp để không bao giờ phải nghĩ đến nó nữa".
Kế hoạch tham vọng của 2 nghiên cứu sinh
Kể từ đó, sinh viên ĐH Stanford thường xuyên tìm tới Cheriton để gọi vốn, hoặc đơn giản là chỉ để xin lời khuyên. Ông đã đóng góp không nhỏ các startup ở Thung lũng Silicon, trong số đó có một doanh nhân tên là Larry Page.
Lúc ấy, Larry Page vừa tốt nghiệp ĐH Michigan và đang học nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford. Hơn 1 năm sau, anh gặp hậu bối khóa dưới Sergey Brin - người cũng vừa tốt nghiệp ĐH Maryland.
Khi hai người trở thành bạn, Page đã có một khoảng thời gian tìm kiếm đề tài luận văn hấp dẫn. Vào cuối thập niên 90, sự bùng nổ của World Wide Web đã thu hút sự chú ý của Page và toàn bộ khoa Khoa học Máy tính của ĐH Stanford.
Tại thời điểm đó, các công cụ tìm kiếm như AltaVista, Lycos, Excite, Dogpile khá tồi tệ, luôn đầy ắp tin rác. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "ảnh Ferrari F50", trang kết quả đầu tiên mà người dùng nhận được chỉ toàn trang web nóng hoặc lừa đảo.
Larry Page muốn giải quyết vấn đề này, hay nói cách khác, tạo ra một giải pháp tìm kiếm tốt hơn. Anh muốn người dùng có thể tìm kiếm hàng triệu trang trên Internet và nhận về những kết quả chất lượng.
Vô tình, chàng nghiên cứu sinh này lại phát hiện ra một điều thú vị. Chất lượng của một luận văn tiến sĩ thường được đánh giá bởi số lần nó được trích dẫn trong phần tham khảo của các tài liệu khác. Như vậy, trích dẫn chính là một chỉ báo chất lượng đáng tin.
Page cho rằng ý tưởng này có thể được áp dụng trên Internet: chất lượng của một trang web sẽ được đánh giá bởi số đường link nó nhận được từ các trang web khác. Chỉ báo này vẫn đóng vai trò then chốt trong cách Google đánh giá những trang web ngày nay.
Để thực hiện ý tưởng này, Page đã nhờ Brin giúp mình trong một dự án được gọi là "Backrub’. Cuối cùng, họ cũng phát triển thành công thuật toán đánh giá chất lượng trang web gọi là "Page Rank".
Bên cạnh đó, cả hai còn cùng nhau viết luận văn được đặt tên là "The Anatomy of a Large-Scale Hypertextual Web Search Engine" (Cuộc giải phẫu công cụ tìm kiếm web siêu văn bản quy mô lớn). Nó đã trở thành tài liệu khoa học được tải xuống nhiều nhất trong lịch sử Internet vào thời điểm đó.
Tờ séc 100.000 USD làm nên lịch sử
Rốt cuộc, Larry Page và Sergey Brin quyết định sẽ biến luận văn tiến sĩ của mình thành một công ty startup. Ban đầu, mục tiêu của họ chỉ đơn giản là cấp phép sử dụng thuật toán cho các công cụ tìm kiếm lớn thời bấy giờ.
Dù vậy, họ bị các doanh nghiệp thẳng thừng từ chối, trong đó có cả Yahoo!. Không muốn lãng phí đứa con tinh thần, cả hai quyết tâm xây dựng một công cụ tìm kiếm của riêng họ. Dĩ nhiên, việc này sẽ cần khá nhiều tiền.
Kỳ lạ ở chỗ, cả Page lẫn Brin đều không phải là nghiên cứu sinh do David Cheriton chịu trách nhiệm. Thế nhưng, như nhiều học viên khác tại ĐH Stanford, họ cũng đã nghe danh vị giáo sư trúng đậm từ phi vụ Granite.
Vì thế, vào một ngày định mệnh năm 1998, hai chàng trai trẻ tìm đến Cheriton để xin tài trợ. Không biết do tình cờ hay số phận sắp đặt mà trong văn phòng của vị giáo sư người Canada còn có sự hiện diện của một nhân vật khác - Andy Bechtolsheim.
Page và Brin nhanh chóng trình bày về ý tưởng xây dựng một công cụ tìm kiếm có tên là "Googol". Đây là một thuật ngữ có thật dùng để chỉ số tự nhiên có một trăm chữ số 0 theo sau chữ số 1 (10 lũy thừa 100).
Đó chính là tiền thân của thứ mà sau này mọi người sẽ biết đến với tên gọi "Google".
Sau bài thuyết trình dài 10 phút đó, Cheriton và Bechtolsheim không mất nhiều thời gian để hiểu hết kế hoạch đầy tham vọng của hai chàng trai trẻ.
Thậm chí, Bechtolsheim còn nghĩ: "Nếu mỗi ngày nhận được 1 triệu lượt truy cập với giá 5 xu/lượt, họ sẽ kiếm được 50.000 USD. Ít nhất họ sẽ không phá sản!".
Ngay lập tức, Cheriton và cộng sự viết một tờ séc trị giá 100.000 USD và đưa cho họ tại chỗ.
"Họ gặp khó khăn trong việc gọi vốn. Tôi không nghĩ nó cần trở thành một vấn đề lớn như vậy", vị giáo sư chia sẻ.
"Các học viên tìm đến tôi vì cần hỗ trợ tài chính để mở công ty. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải giúp họ, bởi chính tôi cũng đã được giúp rất nhiều mới có thể đi đến ngày hôm nay".
Thành tỷ phú nhưng vẫn ở nhà cũ và tự cắt tóc
Những gì xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa trên thị trường của Google đã đạt mức 1.700 tỷ USD.
Với tổng tài sản trị giá 114 tỷ USD, Larry Page trở thành người giàu thứ 6 thế giới. Xếp ngay sau anh là người bạn Sergey Brin, với tổng tài sản là 110 tỷ USD.
Dĩ nhiên, David Cheriton - vị giáo sư năm xưa đã dang tay giúp đỡ họ khi những người khác từ chối - cũng sở hữu khối tài sản đáng ngưỡng mộ: 10 tỷ USD. Con số này đủ để ông trở thành 1 trong 250 người giàu nhất trên thế giới.
Nói cách khác, Cheriton gần như là vị giáo sư đại học giàu có nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tấm séc 100.000 USD ngày đó đã có trị giá hơn vài tỷ USD nếu quy đổi ra cổ phiếu của Google.
Dù đã trở thành tỷ phú, Cheriton vẫn quyết tâm theo đuổi nghề dạy học. Vị giáo sư này tiếp tục đào tạo những thiên tài công nghệ ở ĐH Stanford, làm việc 10-12 tiếng/ngày trong văn phòng nhỏ - nơi ông đã trao đi số tiền quan trọng để thành lập một trong những đế chế công nghệ hùng mạnh nhất toàn cầu.
Nếu thỉnh thoảng bắt gặp Cheriton trong khuôn viên trường, mọi người sẽ thấy ông vẫn khiêm tốn lái chiếc xe Honda Odyssey 2012, sau hàng thập kỷ gắn bó với chiếc 1986 Volkswagen Vanagon. Ngoài ra, ông thích đi xe đạp hơn hơn xế hộp, đi máy bay thương mại, mặc quần jeans thay vì hàng hiệu.
Người đàn ông 70 tuổi này vẫn sống trong căn nhà ở Palo Alto ông mua 40 năm trước, tự cắt tóc cho chính mình thay vì ra tiệm, thậm chí còn tiết kiệm đến mức... tái sử dụng túi lọc trà. Ông cho rằng "du thuyền là một cái hố trên mặt nước nơi bạn vứt tiền vào đó".
Cheriton cũng sống khá kín tiếng. Ông không sử dụng bất cứ mạng xã hội nào, dù là Facebook, Twitter hay LinkedIn, vì muốn tránh xa những ồn ã của thị trường.
"Tôi cảm thấy mình rất may mắn trong đầu tư, nhưng vẫn giữ tư duy của một người ăn xin khi nhắc đến chuyện tiêu tiền", ông nói.
Một điều nữa không bao giờ thay đổi ở David Cheriton là sự tâm huyết với các startup. Hàng chục năm sau khi trao cơ hội đầu tiên cho Google, ông vẫn tiếp tục bỏ ra hơn 50 triệu USD tiền túi để đầu tư cho hàng chục dự án khởi nghiệp của người trẻ.
Vị giáo sư này muốn tập trung vào những đột phá có thể làm thay đổi đáng kể cuộc sống con người, như cách mà Google đã giúp một sinh viên đại học hoàn thành bài luận lúc 3h sáng mà không cần tới thư viện.
"Tôi tin rằng, nếu mình đem lại những giá trị thực tế cho thế giới một cách khôn ngoan, thị trường sẽ đền đáp lại trái ngọt", ông chia sẻ.
Theo Tú Khê/Nhịp sống trẻ