Tại Tọa đàm trực tuyến “Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital Việt Nam chia sẻ mặc dù thị trường chứng khoán giảm 13-14% so với đỉnh trong vài tháng qua, nhưng thị trường đã có sự trưởng thành vượt bậc. Mức thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng là không thực chất. Theo nghiên cứu thị trường chứng khoán thế giới, mức thanh khoản khoảng 15.000-17.000 tỷ đồng là hợp lý. Do vậy, thanh khoản thị trường sụt giảm về mức hiện nay là diễn biến nên có và ổn định hơn.
Nói về thị trường giảm thời gian qua, chuyên gia đến từ quỹ ngoại lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhận định do 2 yếu tố gồm định giá và dòng tiền. Trong đó, dòng tiền nước ngoài rút ròng mạnh, từ đầu năm đến nay khoảng 1,7 triệu USD và trong 3 năm qua là 4 tỷ USD. Cộng hưởng thêm lượng cho vay ký quỹ tăng đột biến ở các công ty, muốn thị trường tăng tiếp cần có các đợt chuyển hóa từ người vay nhiều sang người chưa vay, dòng tiền mới thay thế dòng tiền cũ.
Về mặt định giá, mức P/E 19 lần đắt hay rẻ tùy thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Nếu nhìn vào Việt Nam trước khi dịch Covid-19 trở thành vấn đề lớn, Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khoảng 50-52% (gồm cả doanh nghiệp trên UPCoM). Do tác động của làn sóng Covid thứ 4, quỹ hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 xuống 40%. Nếu dịch được kiểm soát từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay, thì mức tăng cho năm 2022 là 22-25%. Nhìn ngược lại thời điểm năm 2020, không ai cho rằng lợi nhuận sẽ tăng trưởng 30-40%. Tuy nhiên, khi Covid đi qua, sự hồi phục của các nền kinh tế rất mạnh, trên kỳ vọng của nhiều chuyên gia. Mỹ là một ví dụ, GDP tăng 6,6% cao nhất mấy chục năm qua.
Theo ông Lê Anh Tuấn, nếu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay khoảng 35-40%, P/E ở mức 14-15 lần. Năm 2022, nếu tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khoảng 22-25% thì PE giảm còn 11,5-12 lần, cách xa so với P/E trung bình thị trường 15-16 lần. Do đó, chỉ có vài công ty trên thị trường có mức định giá cao so với trung bình toàn thị trường và xét về tổng thể P/E 11-12 thì không đắt.
"Do vậy, trong ngắn hạn, nhà đầu tư mất 5 - 10% từ mức đỉnh của thị trường là hoàn toàn bình thường, song dài hạn có thể kiếm được 30 - 50%. Nếu tin vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 khoảng 22-25% thì vùng VN-Index khoảng 1.200 - 1.250 điểm là vùng nên quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt", chuyên gia của Dragon Capital nói.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng thị trường đã tăng trưởng mạnh từ 700 - 800 điểm giữa năm ngoái lên 1.400 điểm. Khi thị trường điều chỉnh về 1.200 điểm là cơ hội tích lũy cổ phiếu, nhà đầu tư chưa mua được cổ phiếu giá rẻ thì sắp tới sẽ mua được. Mirae Asset dự báo 1.440-1.500 là điểm đến của VN-Index trong nửa cuối năm, với điều kiện kiểm soát được dịch trong tháng 8.
Thông tin thêm về dòng tiền đầu tư từ Hàn Quốc, ông Minh đánh giá nhà đầu tư Hàn Quốc có quan tâm đến chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng đột biến nên thu hút các nhà đầu tư hơn. Nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng quan trọng là thời điểm, ví dụ như dịch qua đi hoặc P/E giảm xuống.
Theo Ngọc Điểm/NDH
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-gia-dragon-capital-co-the-mua-co-phieu-tot-khi-vn-index-ve-1200-1250-diem-a151536.html