Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tháng 7 đầy dông bão, khi giảm liên tục trong 2 tuần đầu, trước khi hồi phục một phần vào 2 tuần gần đây. Trong đợt điều chỉnh sâu của thị trường, chỉ số chính VN-Index có thời điểm mất tới 200 điểm so với mức đỉnh 1.420 ngày 2/7. Phần lớn các mã cổ phiếu, đặc biệt thuộc các nhóm đã tăng nóng từ trước ghi nhận mức giảm sâu tới 20-30%.
Tuy nhiên, cổ phiếu HDG gây sự chú ý lớn với giới đầu tư khi liên tục ngược dòng tăng điểm, tăng tới 22% trong tháng đỏ lửa của thị trường. Mã này chốt phiên 30/7 ở 53.300 đồng/CP, cao hơn 30% so với đầu năm.
HDG là một trong những doanh nghiệp có cơ bản tốt. Quý đầu năm, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 1.354 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, lãi ròng 401 tỷ đồng, tăng 72%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4, ban lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định tiếp tục chiến lược phát triển 3 ngành nghề mũi nhọn là đầu tư bất động sản, năng lượng và xây lắp, xác định mục tiêu đến 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực bất động sản và năng lượng từ 12% và xây lắp từ 10% đến 15%.
Những tưởng một quý 2 kinh doanh hiệu quả, thành công là động lực cho đà tăng "ngược dòng" của cổ phiếu HDG thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ là báo cáo tài chính mới công bố cho thấy bước sang quý II/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của HDG giảm sút rất mạnh với doanh thu thuần chỉ đạt 478 tỷ đồng, giảm tới 75% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế theo đó co về còn 100,6 tỷ đồng, giảm 81,5%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HDG đạt doanh thu hợp nhất 1.833 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 502 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và 35% so với cùng kỳ.
Năm 2021, HDG đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 4.863 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.254 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp mới thực hiện được 37,6% kế hoạch doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Biến động cổ đông
Vậy thì, đà tăng của cổ phiếu HDG thời gian qua đến từ đâu? Biết rằng HDG đang có sự biến động đáng chú ý về mặt cơ cấu sở hữu.
Cụ thể, vào ngày 5/7/2021, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã mua thêm hơn 9,35 triệu cổ phiếu HDG để tăng tỷ trọng nắm giữ từ 1,23% lên tỷ lệ 6,95% và trở thành cổ đông lớn.
đây là số cổ phiếu được mua theo chứng quyền xuất phát từ lô trái phiếu 500 tỷ đồng không chuyển đổi (kèm chứng quyền) mà HDG phát hành cho VCSC vào cuối năm 2019. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, tuy nhiên vừa qua đã được HDG mua lại 300 tỷ đồng; đồng thời phát hành cho VCSC 9,35 triệu cổ phiếu với giá chỉ 32.062 đồng/CP, thấp hơn 27% so với ngày thực hiện quyền (5/7) và thấp hơn tới 40% so với thị giá hiện nay. Tính ra, VCSC đang tạm "lãi" 200 tỷ đồng cho thương vụ này.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng khoản lãi sẽ còn tăng lên, khi cùng với việc trở thành cổ đông lớn, thì vừa qua, VCSC cũng đã công bố báo cáo khuyến nghị mua HDG với giá mục tiêu lên tới 60.000 đồng/CP.
Ở một diễn biến đáng chú ý, bên cạnh VCSC, một "tay chơi" lạ cũng xuất hiện tại HDG thời gian qua.
Theo đó, ông Nguyễn Phương Đông mua thêm 100.000 cổ phần để trở thành cổ đông lớn của HDG vào ngày 31/3/2021, với tỷ lệ 5,06%, tương đương tổng số lượng cổ phiếu 7.700.000. Nhà đầu tư này tiếp tục mua thêm 2 đợt nữa, nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,01% vào ngày 9/7/2021, tương đương 9.840.000 cổ phiếu.
Ngoài khoản đầu tư vào HDG, ông Đông còn là một trong 3 cổ đông lớn, hiện nắm 2.739.000 cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), tương ứng tỷ lệ 7,61%, chỉ xếp sau Chủ tịch HĐQT Lê Hùng (12,2%).
Số cổ phần HDG ông Nguyễn Phương Đông nắm giữ có thị giá 524 tỷ đồng, còn GIL là 178 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 700 tỷ đồng, dù vậy, không có bất kỳ thông tin nào về vị đại gia bí ẩn này.
Ông Nguyễn Phương Đông cùng vợ là bà Trần Thị Thu Trúc đã có nhiều năm làm nhân viên kinh doanh tại CTCP Giấy Phước Thịnh (Cần Giuộc, Long An), trước khi cùng nghỉ việc vào cuối năm 2018. Sự xuất hiện đầy bất ngờ của vị doanh nhân sinh năm 1964 tại HDG và GIL đang thu hút sự chú ý của thị trường.
Ai sở hữu HDG?
Trái ngược với động thái gia tăng sở hữu của các cổ đông mới, thì một số lãnh đạo và người liên quan HDG liên tục bán ra cổ phiếu. Cụ thể, Thành viên HĐQT Đào Hữu Khanh bán 82.000 cổ phiếu vào đầu tháng 7 và từ 3/8-1/9 tiếp tục đăng ký bán 500.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu sau giao dịch về 0,265%.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, chị gái Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông đã bán 200.000 cổ phiếu HDG trong tháng qua và tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu từ 4/8-2/9.
Sau đợt phát hành cổ phiếu theo chứng quyền vừa qua, vốn điều lệ của HDG tăng thêm 6% lên 1.636 tỷ đồng, tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông hiện hữu cũng giảm tương ứng.
Theo tính toán của người viết, gia đình 2 lãnh đạo Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông (34,4%) và Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Tô (11,2%) hiện nắm tổng cộng chừng 45,6% cổ phần HDG; 3 cổ đông lớn khác là VCSC (6,95%), Nguyễn Phương Đông (6%) và Dragon Capital (7,6%).
Theo Khánh An/Nhà đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dang-sau-da-tang-cua-co-phieu-hdg-a151595.html