VN-Index đã tăng điểm trọn 1 tuần giao dịch cuối tháng 7 với dòng tiền tiếp tục duy trì mức khá, thậm chí bật tăng mạnh ở phiên cuối tuần. Như vậy có thể thấy các nhận định được đưa ra rằng dòng tiền của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0 vẫn ở lại với thị trường.
Liệu xu hướng tích cực của VN-Index có được duy trì trong những phiên đầu tháng 8 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cũng như phía trước là tháng 7 Âm lịch, vẫn được gọi là tháng “cô hồn”?
Dưới đây là nhận định của một số chuyên gia chứng khoán mà BizLIVE ghi nhận được:
Dòng tiền F0 sẽ vẫn tiếp tục chảy vào thị trường
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Đến cuối tháng 6, theo thống kê, tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản chứng khoán đã tiệm cận mức 3%. Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, tỷ lệ này kỳ vọng sẽ đạt mức 5,5% vào cuối năm 2025 thì tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có những sự bùng nổ mới với đóng góp từ nhà đầu tư F0.
Còn trong ngắn hạn, với sự giới hạn về các kênh đầu tư, trong môi trường lãi suất thấp như hiện tại, dòng tiền F0 trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán tuy nhiên sẽ thận trọng hơn so với thời gian bùng nổ của giai đoạn nửa đầu năm 2021, do diễn biến dịch bệnh đang khá phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường. Dòng tiền này có thể được kích hoạt khi tiến độ tiêm vaccine tích cực hơn trong thời gian tới và số ca nhiễm mỗi ngày bắt đầu có xu hướng giảm tại TP.HCM.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư F0, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong bối cảnh thị trường đã tăng rất mạnh trong 16 – 17 tháng vừa qua, nếu đầu tư với tâm lý đánh nhanh thắng nhanh sẽ rất khó gặt hái được thành quả trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư nên xem chứng khoán như một kênh để phân bổ tài sản đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, nếu không có đủ thời gian để tìm hiểu về doanh nghiệp và cổ phiếu mình muốn đầu tư, nhà đầu tư có thể tham khảo các báo cáo phân tích của các tổ chức tư vấn nếu muốn tự đầu tư, hoặc lựa chọn mua chứng chỉ quỹ để các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, vốn có nhiều tài nguyên để thực hiện phân tích chuyên sâu, thực hiện việc đầu tư.
Sau khi điều chỉnh khoảng 17% trong những tuần đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đang dần lấy lại cân bằng và hồi phục nhẹ, phần nào đang phản ánh tâm lý của nhà đầu tư rằng điều tồi tệ nhất đang được tháo gỡ.
Thị trường sẽ dần sôi động trở lại theo tiến độ tiêm ngừa vaccine cũng như việc TP. HCM mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Do vậy, mức độ kiểm soát thành công dịch bệnh cũng như tốc độ tiêm vaccine có đạt kết quả như kế hoạch hay không sẽ ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Ở chiều ngược, và chúng tôi hy vọng sẽ là xác suất rất thấp, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại với biến chủng mới phức tạp hơn, sẽ khiến sự ổn định của VN-Index đảo chiều.
Ngoài ra, động thái bán ròng mạnh của NĐTNN cũng là yếu tố được theo dõi. Mặc dù lực lượng F0 đã cân bằng rất tốt lượng bán ra từ khối ngoại từ năm 2020 đến nay, khả năng này sẽ khó hơn trong giai đoạn sắp tới khi bối cảnh vĩ mô không còn quá thuận lợi.
Yếu tố tích cực là hệ thống giao dịch mới của HSX vận hành thông suốt, giải quyết được vấn đề “ách tắc” lệnh vốn từng gây bức bối cho NĐT, đặc biệt trong những phiên thị trường sôi động. Ngoài ra, tôi đánh giá môi trường lãi suất thấp vẫn sẽ tiếp tục duy trì, và trong bối cảnh không có nhiều kênh đầu tư vừa đáp ứng tiêu chí thanh khoản vừa có khả năng mang lại lợi suất đầu tư cao thì dòng tiền F0 vẫn sẽ tìm đến TTCK.
Với đánh giá tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong khoảng 15 – 20% trong năm 2021, tôi cho rằng VN-Index có thể hướng đến mức 1.498 – 1.552 điểm.
Kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể về 1.200 điểm
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư - CTCK EVEREST
Thị trường bước vào tháng 7 với định giá theo PE đã ở mức 19,2 lần, trong đó nhóm vốn hoá lớn nhất thuộc top 50 của HOSE chiếm 88% vốn hoá toàn thị trường đang giao dịch tại mức PE 20 lần, đây là mức định giá gần tiệm cận mức cao cuối tháng 1/2021 là 20,5 lần tiến gần về mức đỉnh lịch sử năm 2018 tại mức 22 lần.
Tại các mức định giá này VN-Index đã từng đạt đỉnh và sụt giảm mạnh ngay sau đó. Quan sát kỹ thuật thể hiện mức độ sụt giảm của thị trường khi đạt mức định giá cao, 2 thời điểm gần nhất vào tháng 4/2018 và tháng 1/2021, tương ứng mức VN-Index sụt giảm lần lượt 25% và 15%.
Khị thị trường tiến về vùng định giá cao hơn, nhà đầu tư cá nhân chi phối phần lớn giá trị giao dịch và liên tiếp tăng lên mức cao kỷ lục mới và gấp 7 lần giá trị giao dịch nhà đầu tư tổ chức, trong khi nhà đầu tư tổ chức hầu như không thay đổi giá trị giao dịch từ đầu năm 2017 đến nay. Cùng với việc nhà đầu tư cá nhân liên tiếp đẩy giá trị giao dịch tăng cao gấp 7 lần nhà đầu tư tổ chức với giá trị bình quân của khối này lên 20.000 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 6 và tăng gấp đôi so với mức bình quân cuối năm 2020.
Theo đó, kéo theo tỷ lệ sử dụng đòn bẩy (cho vay ký quỹ) tiếp tục tăng lên mức rủi ro mới, khi thống kê dư nợ cho vay ký quỹ cuối quý 1/2021 của 36 công ty chứng khoán chiếm 85% tổng dư nợ tăng lên mốc 1,2 lần và ước tính đạt mức 1,3 lần so với vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán này vào cuối quý 2/2021.
Tôi đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản lạc quan là thị trường có thể lên 1.480 điểm, tăng tiếp 5% từ vùng đỉnh tháng 6. Trong khi đó kịch bản cơ sở, VN-Index về 1.330 điểm và kịch bản tiêu cực là về 1.200 điểm.
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng khi thị trường lên 1.480 điểm, những rủi ro của thị trường sẽ bắt đầu phình to hơn, có thể đến từ một trong các yếu tố, hoặc đồng thời: (1) tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao của nhóm các nhà đầu tư cá nhân, (2) thị trường định giá PE ở mức cao >20 lần, (3) nhà đầu tư F0 rút vốn hoặc chốt lời mạnh, (4) triển vọng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.
Biến động từ tháng 8 theo dự báo của tôi sẽ hình thành vũng tích lũy biên độ hẹp sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua. Nhà đầu tư cần thời gian đánh giá lại các rủi ro ở trên và đánh giá triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động của đợt bùng dịch lần thứ 4.
Câu chuyện về tháng 7 Âm lịch tất nhiên có thể sẽ làm tâm lý thêm thận trọng nhưng không phải chủ đạo khi những yếu tố rủi ro liên quan đến margin, định giá PE, triển vọng lợi nhuận cuối năm 2021 vẫn chi phối hành vi giao dịch.
Việc lựa chọn ngành và cổ phiếu từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn do định giá hầu hết ở mức cao, nhà đầu tư có thể lựa chọn từng cổ phiếu đơn lẻ dựa trên nhóm các công ty có (1) kết quả lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm và (2) duy trì việc tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, nhóm (3) các công ty có thị phần xuất khẩu cao như dệt may, đồ gỗ, các sản phẩm nông thuỷ sản. (4) các cổ phiếu đơn lẻ thuộc ngành ngân hàng và dự báo duy trì lợi nhuận tăng trưởng 6 tháng cuối năm, (5) Các cổ phiếu thuộc nhóm ngành phát triển KCN có sẵn quỹ đất có thể mở rộng và (6) Các cổ phiếu đơn lẻ thuộc nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu.
Chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu – VinaCapital
Thời gian qua số lượng nhà đầu tư F0 vào thị trường rất nhiều một phần vì dịch bệnh các ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống thấp. Khi không có nhiều kênh có thể để đầu tư nguồn tiền nhãn rỗi trong bối cảnh lãi suất thấp thì các nhà đầu tư đổ dồn vào mở tài khoản chứng khoán.
Tuy nhiên, số tài khoản chứng khoán của Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 3% dân số, trong khi Trung Quốc là 13%. Thị trường Việt Nam đang được so sánh với Đài Loan vào cuối những năm 80 - đầu 90 thì lúc này số tài khoản của Đài Loan đã là khoảng 84%. Do đó, tiềm năng của thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất lớn.
Về các nhà đầu tư F0, họ cũng đã trở nên sành sỏi hơn, đã có nhiều kiến thức hơn. Tuy nhiên, thực tế trong số các nhà đầu tư cá nhân F0, thậm chí các nhà đầu tư Fn, ta thường không đoán được họ là nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, mà nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 86-87% lượng giao dịch mỗi ngày với quy mô giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỷ USD, dẫn tới mức độ biến động của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng so với trước đây. Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, là các quỹ, chiếm tỷ lệ ít hơn nhưng thường đầu tư dài hạn và có danh mục đầu tư rõ ràng hơn.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là thị trường trở nên rủi ro hơn. Thị trường vẫn có tiềm năng, nhất là trong dài hạn. Khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế hồi phục thị trường chứng khoán cũng sẽ bật lại rất nhanh.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây tôi cũng đã đề cập đến hai lý do nhà đầu tư nên tiếp tục giữ lại khoản đầu tư của mình: một, đợt bùng phát dịch COVID-19 này sẽ được kiếm soát và sớm kết thúc, ngay sau đó, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi; hai, những nhà đầu tư rút khỏi thị trường vào thời điểm điều chỉnh sâu thường sẽ bỏ lỡ nhịp phục hồi ngay sau đó và cũng sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận đáng kể.
Với nhà đầu tư cá nhân F0 chúng tôi khuyến nghị khi mới gia nhập thị trường phải tìm hiểu kỹ, đầu tư chứng khoán rủi ro cao nhưng lợi nhuận cao nên cần tìm hiểu kỹ về nhóm ngành sẽ đầu tư. Với nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn nhưng không biết nên đầu tư nhóm ngành nào thì nên tìm hiểu chọn một công ty quản lý quỹ trên thị trường để đầu tư vào hoặc tìm hiểu về các cổ phiếu mà họ dự định đầu tư vào để đa dạng hóa các cổ phiếu đầu tư.
Về dự báo dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài những tháng cuối năm, rất khó dự báo, nhưng nhìn xa hơn một chút, xu hướng của thị trường là dòng tiền sẽ quay trở lại.
Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường vẫn đang tốt hơn nhiều thị trường trong khu vực nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang quan tâm.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy một số nhà đầu tư trong khu vực châu Á, trong đó, có các nhà đầu tư Đài Loan vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong khi nhà đầu tư ngoại rút ròng 1,3 tỷ USD, thì các nhà đầu tư đến từ Đài Loan vẫn đổ tiền vào thị trường Việt Nam, ví dụ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã đổ khoảng hơn 540 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó có 173 triệu USD chỉ trong tháng 7.
Thị trường chứng khoán sẽ hồi phục khi kinh tế phục hồi mà điều này chỉ có thể có được khi chúng ta đẩy mạnh được vaccine Covid-19 cho toàn dân, vaccine được càng nhiều càng tốt.
Về phía các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cần nhấn mạnh rằng thị trường có tiềm năng. Giờ chúng ta còn đang tranh cãi chỉ số sẽ lên 1.300 hay 1.400 nhưng biết đâu vài năm nữa lên 3.000 nên chúng ta có tiền nhàn rỗi hãy cân nhắc về kênh đầu tư chứng khoán.
Theo Huyền Trâm/Mai Hương/BizLIVE
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nut-that-tam-ly-nha-dau-tu-f0-da-duoc-thao-go-a151603.html