Giovanni Ferrero không chỉ là người làm nên thành công vang dội của thương hiệu bánh kẹo và sô-cô-la có tên Ferrero Spa, mà còn là người đại diện cho 2 thương hiệu rất nổi tiếng khác là Nutella và Kinder.
Theo thống kê, cứ 2,5 giây lại bán được một lọ Nutella. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ý, niềm tự hào của một quốc gia và là đứa con tinh thần của biểu tượng kinh doanh Michele Ferrero. Nhờ tài năng kinh doanh của mình, ông đã thu về khối tài sản khổng lồ và danh hiệu "người giàu nhất"' ở Ý, cũng như là một trong những người giàu nhất thế giới.
May mắn với khởi đầu thuận buồm xuôi gió
Giovanni Ferrero sinh ra ở Farigliano, Ý vào ngày 2 tháng 4 năm 1964 trong gia đình sở hữu một công ty đa quốc gia mang tên gia đình Ferrero. Vào thời điểm đó, thương hiệu Nutella vẫn chưa ra đời.
Cha mẹ ông nhận thức được rằng 2 người con trai của mình cần có khả năng xử lý công việc kinh doanh khi đến tuổi trưởng thành. Và họ muốn các con của mình được giáo dục một cách bài bản.
Vì vậy, Giovanni đã được gửi đến Brussels khi còn nhỏ để theo đuổi nền giáo dục chất lượng từ một trường nội trú của Bỉ. Sau đó, ông tiếp tục theo học ngành marketing tại Lebanon Valley College ở Annville, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Công việc đầu tiên của Giovanni Ferrero là ở doanh nghiệp của gia đình tại Bỉ.
Vào năm 1997, ông Papa Ferrero giao lại sản nghiệp cho Giovanni và anh trai Pietro. Hai anh em đã nghĩ ra một phương pháp mới để mở rộng kinh doanh và đưa ra những sản phẩm mới hơn dưới nhãn hiệu Ferrero. Họ cũng thực hiện các chiến lược tiếp thị tích cực để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Việc thành lập một số thương hiệu mới đã mở rộng danh tiếng của công ty theo cấp số nhân. Kết quả của chiến lược này nhanh chóng thu được những con số tích cực và Ferrero đã trở thành một cái tên phổ biến ở nhiều quốc gia ở Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ và Úc.
Gia tộc bí ẩn đối với giới truyền thông và công chúng
Tập đoàn Ferrero bắt nguồn từ khi ông nội của Giovanni Ferrero là Pietro Ferrero, mở một cửa hàng sô-cô-la ở Alba, Ý. Sản phẩm chính của cửa hàng là Supercrema, một loại hạt phỉ ra đời từ tình trạng khan hiếm sô-cô-la trong thời chiến. Hơn 70 năm sau, tập đoàn Ferrero là công ty bánh kẹo lớn thứ hai thế giới. Công ty đã bán được 11,9 tỷ USD đồ ngọt trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 năm 2018, theo Bloomberg đưa tin.
Phóng viên kỳ cựu John Hooper của The Guardian từng nói, tập đoàn Ferrero là một trong những công ty bí mật nhất trên thế giới. Theo một nhân viên giấu tên trong công ty, ban lãnh đạo sợ bị gián điệp và tiết lộ các bí quyết của họ.
Cha của Ferrero là một người kín tiếng, ông không bao giờ tiết lộ cuộc đời mình với các nhà báo và luôn đeo kính đen khi xuất hiện trước công chúng. Theo tạp chí Forbes, Giovanni hiện điều hành công ty ở Luxembourg và một cơ sở khác ở quê nhà, ông thường xuyên di chuyển bằng trực thăng.
Cơ duyên ra đời của thương hiệu quốc dân
Giovanni Ferrero có thể được coi là tỷ phú Nutella của Ý, nhưng cha của ông cũng có vai trò trong việc hình thành thương hiệu này. Pietro là người đã thành lập và điều hành thương hiệu vào năm 1946 bằng cách ra mắt một cửa hàng sô-cô-la ở Alba, Ý. Điểm thu hút đặc biệt của cửa hàng sô cô la này là một sản phẩm có tên 'Supercrema', một loại hạt phỉ xuất hiện từ một công thức thời chiến.
Ở thời điểm đó, ông nội Pietro Ferrero đã sử dụng nguồn cung dồi dào của hạt phỉ ở vùng Piedmont đã sửa đổi công thức truyền thống để tạo ra một phiên bản yêu cầu ít ca cao hơn. Tuy nhiên, công thức này cần một chút tinh chỉnh và với sự giúp đỡ của con trai Michele Pietro, ông đã phát hành phiên bản cải tiến vào năm 1964 với tên mới: Nutella.
Supercrema chính thức là tiền thân của cái được gọi là Nutella ngày nay. Ferrero cũng đã mở rộng để ứng biến và tạo ra các thương hiệu sáng tạo và bán chạy như kẹo bạc hà Tic Tac, sô-cô-la Kinder, Baby Ruth, Butterfinger… Điều đặc biệt là TicTac nổi tiếng vì đây là khởi đầu doanh nghiệp gia đình Giovanni.
Marcia Mogelonsky, Giám đốc của Insight at Mintel cho biết: "Khả năng thích ứng nhạy bén với thị trường và chú ý đến sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng đã khiến loại sô-cô-la khiêm tốn này trở thành một hiện tượng toàn cầu".
Mỗi năm Nutella được sản xuất nhiều đến mức có thể trải vòng quanh thế giới 1,8 lần. Và để đáp ứng nhu cầu khổng lồ này, Ferrero đã trở thành người tiêu thụ hạt phỉ lớn nhất trên thế giới, chiếm 25% nguồn cung toàn cầu.
Hành trình trở thành con sói đơn độc và niềm đam mê trở ngoài những con số
Giovanni Ferrero và anh trai Pietro đã cùng nhau gặt hái được nhiều thành công. Cả hai cùng đảm nhiệm chức danh Giám đốc điều hành của công ty.
Tuy nhiên, tai họa ập đến vào năm 2011 khi Pietro gặp tai nạn xe đạp và đột ngột qua đời. Do đó, Giovani buộc phải đảm nhận vai trò là người đứng đầu duy nhất của công ty. Trong khi đó, cha ông, Michel Ferrero, tiếp quản ghế Chủ tịch điều hành.
4 năm sau sự ra đi của anh trai, cha của Giovanni Ferrero cũng qua đời. Do đó, ông phải đảm nhận vị trí Chủ tịch điều hành. Ferreo đã tạo ra bước đột phá vào năm 2017 khi bổ nhiệm Lapo Civiletti trở thành Giám đốc điều hành của tập đoàn gia đình.
Những khoản lợi nhuận khổng lồ kể từ khi Giovanni trở thành một con sói đơn độc là kết quả của những phương pháp mang tính cách mạng khi bổ nhiệm một người ngoài gia đình và mua lại các doanh nghiệp quan trọng như Thorntons vào năm 2015, Butterfinger và nhà sản xuất BabyRuth, doanh nghiệp kẹo của Nestlé tại Hoa Kỳ vào năm 2018...
Các thương vụ mua lại hoàn toàn trái ngược với kế hoạch kinh doanh của cha Ferrero khi ông vốn tập trung vào việc xây dựng các thương hiệu nội bộ.
"Truyền thống giống như một cây cung", Ferrero viết trong email gửi tới Manuela Mesco của The Wall Street Journal vào năm 2016. "Chúng ta càng kéo căng dây cung, chúng ta càng có khả năng phóng ra những mũi tên của hiện đại và đổi mới".
Ngoài việc quản lý công việc kinh doanh, Giovanni có một niềm đam mê khác đó là viết sách trinh thám. Theo Forbes, cho đến nay, ông đã viết tám cuốn tiểu thuyết có chủ đề châu Phi. Tác phẩm mới nhất của ông "Il cacciatore di luce" được phát hành vào năm 2016.
Trụ cột cốt lõi tạo nên thành công của Ferrero trong những năm qua là nền tảng vững chắc của văn hóa gia đình. Bằng cách kết hợp cái cũ và cái mới, Giovanni đang tạo ra di sản của riêng mình - một kỳ tích trong giới kinh doanh.
Những kết quả đã được chứng minh về thành công của Ferrero chắc chắn sẽ tiếp tục là nền tảng của công ty. Giovanni đã tạo ra bước ngoặt lớn chỉ trong vòng 18 tháng đầu tiên dưới "triều đại" đơn độc của mình. Đồng thời, việc mở rộng thông qua các thương vụ mua lại ở đây để tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Với tỷ lệ phát triển sản phẩm thành công cao của tập đoàn, quản trị công ty xuất sắc, danh tiếng thu hút nhân tài giỏi nhất và hiện tại là một mô hình kinh doanh mới, Ferrero hứa hẹn có khả năng leo từ vị trí thứ ba để trở thành tập đoàn bánh kẹo lớn nhất thế giới.
(Tổng hợp)
Theo Thuỳ Anh/ Nhịp sống kinh tế