Mai Xuân Sơn, ông chủ của Artexport
Ông Sơn sinh năm 1974 tại Hà Nội. Với bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, ông bắt đầu với công việc nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp tư nhân.
Đến năm 2000, ông gia nhập Công ty cổ phần Tập đoàn T&T với vị trí Cán bộ xuất nhập khẩu. Sau 10 năm công tác tại tập đoàn, ông Sơn chính thức được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc.
Từ đó đến nay, ngoài chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T, ông Sơn liên tiếp nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp như: Giám đốc Công ty TNHH T&T Hưng yên, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Sài gòn - Hà nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ.
Trong đó, việc gia nhập và giữ chức Chủ tịch HĐQT của Artexport từ 2014 đến nay đã làm nên tên tuổi của vị doanh nhân này khi doanh nghiệp đã vươn lên vị trí đứng đầu trong ba doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh gỗ, sản phẩm từ gỗ và nội thất theo bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất năm 2020 - VNR500.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (Artexport) tiền thân là Tổng công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ được thành lập theo quyết định số 617/BNgT-TCCB của Bộ Ngoại Thương ngày 23/12/1964, với ngành nghề chính là xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ.
Năm 2005, công ty thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu thành Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (Artexport). Sau đó, từ năm 2007 đến năm 2013, công ty thực hiện nhiều hoạt động điều chỉnh vốn điều lệ và tỉ lệ vốn cổ phần của Nhà nước tại Artexport. Tới cuối năm 2013, công ty hoàn tất tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, Artexport mới đây đã lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với dự án đầu tay có tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỉ đồng tại Lào Cai.
Đây là dự án Khu nhà ở thương mại và các công trình hỗn hợp – dịch vụ, Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường với điểm nhấn là tòa tháp 45 tầng cao nhất khu vực Tây Bắc tính đến thời điểm này. Artexport trúng đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất, được UBND tỉnh Lào Cai công nhận kết quả tại Quyết định số 4906/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.
Ngày 17/7 vừa qua, Artexport đã chính thức khởi công xây dựng dự án.
Lê Đức Nghĩa, ông chủ Gỗ An Cường
Ông Lê Đức Nghĩa sinh năm 1972, là cử nhân Kinh tế ngành Quản trị Kinh doanh và được đào tạo chuyên nghiệp tại CHLB Đức.
Lúc ra trường, ông làm việc cho một công ty nội thất của Đức. Tại đây, ông có cơ hội học hỏi cách làm chuyên nghiệp. Cuối năm 1994, ông cùng một vài người bạn quyết định lập Công ty TNHH định hướng hoạt động trong lĩnh vực phân phối nội thất chủ yếu ở thị trường phía nam.
Năm 2014, ông chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần Gỗ An Cường và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ông bắt đầu mở rộng thị phần theo cùng với nhịp hồi phục của thị trường bất động sản, xây dựng sau giai đoạn khủng hoảng thị trường trước đó.
Gỗ An Cường được biết đến là nhà sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu décor cho nhiều thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới từ Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Úc. Các sản phẩm của An Cường gồm tấm décor, tấm trang trí và các loại gỗ công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong trang trí nội thất nhà ở, chung cư, trường học, siêu thị, văn phòng...
Hiện nay, An Cường có nhà máy sản xuất tại Bình Dương với diện tích lên đến 210.000 m2. Công ty có hơn 4.300 nhân viên, 22 showroom trên toàn quốc, cùng với hệ thống đại lý tại các quốc gia Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc…
Từ năm 2014 đến nay, ngoài chức vụ Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường, ông Nghĩa còn nắm giữ nhiều vị trí tại các doanh nghiệp khác như: Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Malloca Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuẩt Gỗ An Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Aconcept Việt Nam.
Tháng 4/2021, ông Nghĩa chính thức là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Long An với các dự án tiêu biểu như: The Sol City, West Market Lạc Tấn, Galaxy Hải Sơn, Young Town Tây Bắc, Thắng Lợi Central Hill.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra văn bản thông báo chấp thuận đăng ký giao dịch cho hơn 87,6 triệu cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường trên sàn UPCoM từ ngày 4/8. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị công ty là 7.884 tỉ đồng.
Như vậy, sau khi ACG chính thức giao dịch, ước tính giá trị cổ phiếu trong tay vị chủ tịch này tương đương gần 4.000 tỉ đồng.
Với giá trị tài sản ước tính này, ông Nghĩa sẽ là "đại gia" thứ 31 trong bảng xếp hạng 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, vượt qua ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, người đang nắm giữ khối tài sản 3.888 tỉ đồng.
Nguyễn Quốc Khanh, ông chủ AA Corporation
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1983, ông Nguyễn Quốc Khanh (sinh năm 1959) về công tác tại Phòng thiết kế trường Đại học Bách Khoa.
Sau hai năm thi hành nghĩa vụ quân sự, từ năm 1987, ông làm việc tại hai công ty là Công ty Xuất nhập khẩu Bình Chánh và Quận 10 trước khi đứng ra thành lập Công ty TNHH Xây dựng AA vào năm 1990.
gỗ
Ông đã thành lập công ty cùng hai người bạn là sinh viên kiến trúc và cùng thống nhất đặt tên cho công ty là AA Corporation (viết tắt của Advance Architecture) với ý nghĩa ngành kiến trúc hướng tới tương lai. Ngoài ra còn một lý do khác: A là mẫu tự đầu tiên nên sẽ luôn luôn nằm ở hàng đầu danh sách khi khách hàng cần truy cập.
Đến năm 1993, công ty chuyển đổi thành mô hình cổ phần (Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA) với tư cách là một nhà thầu nội thất chuyên thi công những dự án khách sạn cao cấp tại Việt Nam.
Năm 1996, AA Corporation mở rộng phạm vi hoạt động và bắt đầu sản xuất đồ nội thất theo hợp đồng cho các dự án khách sạn.
Sau hơn 30 năm hoạt động, từ một công ty khởi nghiệp chuyên tư vấn nội thất tại TP.HCM, AA Corporation đã phát triển thành một tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm đồ gỗ chất lượng với 13 công ty con hoạt động tại 7 quốc gia (Myanmar, Campuchia, Bhutan, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Thái Lan), xuất khẩu sản phẩm nội thất đến 40 quốc gia trên toàn thế giới.
Mới đây, tại Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ VIII (2020 -2023) của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Nguyễn Quốc Khanh tiếp tục được bầu giữ chức chủ tịch HAWA nhiệm kỳ VIII (2020-2023).
Ông Khanh cho biết mục tiêu của HAWA trở thành cầu nối với Chính phủ để vận động chính sách tốt cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, đối với thị trường quốc tế, mục tiêu đến năm 2025, HAWA đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỉ USD, trong đó doanh nghiệp Việt phải chiếm 60-70%.
Theo Thảo Uyên/Cafeland
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chan-dung-nhung-ong-lon-trong-nganh-go-viet-nam-a151699.html