Bên cạnh đó thì nhờ làm việc cho giới siêu giàu, họ tha hồ tận hưởng không gian sống sang trọng, bữa ăn xa hoa, du lịch khắp thế giới, di chuyển bằng siêu xe, siêu du thuyền, siêu phản lực…
Đầu bếp tư: Công việc dễ được tuyển dụng
Thuở nhỏ, Sunny Lee (Hàn Quốc) ước mơ có nhà hàng riêng. Cô theo đuổi ngành ẩm thực và từng làm việc với nhiều nhà hàng danh tiếng tại Mỹ như Blue Hill, Eleven Madison Park…
Là người Hàn ở đất Hoa Kỳ, Sunny muốn giới thiệu và chuyên chú vào banchan (các món ăn kèm của Hàn Quốc). Cô bị đồng nghiệp phớt lờ nên quyết định nghỉ việc. Thay vì tìm nhà hàng khác, Sunny nhận làm đầu bếp riêng cho một minh tinh.
Những năm gần đây, việc một đầu bếp chọn con đường phục vụ tư nhân như Sunny khá thường thấy. Có rất nhiều nguyên nhân đưa họ đi đến quyết định này, ví dụ như xin việc quá khó, giá tiền thuê mặt bằng mở nhà hàng quá cao, đối thủ cạnh tranh quá nhiều…
"Lượng sinh viên tốt nghiệp ngành ẩm thực tìm kiếm công việc đầu bếp tại gia đang tăng nhanh," - Ron Hayes, thành viên Viện Ẩm thực Hoa Kỳ (Culinary Institute of America) khẳng định. "Nếu như thập kỷ trước, chúng tôi cố gắng mở bằng được nhà hàng thì bây giờ chẳng ai nghĩ đến nữa," - Reneé Baker, cựu đầu bếp nhà hàng phụ họa.
Thuận lợi cho giới nấu ăn chuyên nghiệp trên toàn cầu là số lượng tỉ phú, triệu phú liên tục gia tăng qua các năm. Họ có xu hướng thuê đầu bếp riêng, phục vụ nhu cầu ăn uống của bản thân và gia đình tại nhà.
Việc nhẹ, lương cao, phúc lợi nhiều
Minh tinh thuê Sunny là ngôi sao nổi tiếng đã có gia đình. Mỗi ngày, Sunny đều đặn lo bữa ăn cho 5 người. "Những hôm thời tiết quá kinh khủng, họ cho tôi về sớm hoặc là gọi nhắc không cần phải đến," – Sunny kể. "So với thời gian còn làm đầu bếp chuyên nghiệp ở nhà hàng, phải đi làm đúng giờ giấc bất kể lý do, thì ở đây quá tuyệt vời".
"Làm đầu bếp tư khá nhàn nhã," - Daniela Galarza (từng phụ bếp cho 2 bếp trưởng Pháp huyền thoại, Joel Robuchon và Michel Troisgros) chia sẻ. "Nó chẳng có gì căng thẳng cả, bởi vì bạn chỉ phải nấu cho 1 hoặc vài người".
Nếu trung bình, một đầu bếp chuyên nghiệp chỉ kiếm được $65.000/năm (khoảng 1,5 tỷ đồng) thì "bèo" nhất, một đầu bếp tư cũng được trả $90.000 (khoảng 2,1 tỷ đồng). Cộng cả các khoản ăn ở, đi lại, thưởng thêm... thu nhập của họ có khả năng leo lên $200.000 (khoảng 4,6 tỷ đồng). Chưa hết, giới siêu giàu còn ưa đi du lịch dài ngày bằng chuyên cơ, du thuyền, ở biệt thự sang, cung điện lớn… Lẽ dĩ nhiên, họ mang theo đầu bếp riêng và các "chef" cứ việc thoải mái tận hưởng mọi tiện ích xa hoa.
"Từ khi làm đầu bếp tư, thu nhập của tôi tăng gấp 5, 6 lần," – Daniela khoe. Reneé thì gặp được người chủ tốt, xem cô như con gái trong nhà. Ngày cô kết hôn, họ kéo cả gia đình đến chúc mừng, khiến Reneé cảm động không thể tả.
Nhờ số người phải phục vụ ít, đầu bếp tư còn dư dả thời gian. Sau bài tập thể dục rèn luyện sức khỏe thường nhật, Sunny vẫn rảnh rang tham gia khóa học làm gốm.
Vẫn áp lực, tổn thương, thậm chí bị kỳ thị
Mặc dù thu nhập tăng gấp 5, 6 lần, nhưng Daniela thừa nhận "nghề nào cũng có cái khó của nghề đó". "Nếu chủ nhà thức dậy lúc 2h sáng và muốn ăn bánh quy, uống sữa; tôi cũng phải chuẩn bị đầy đủ chỉ sau 20 phút," – cô tường thuật.
Lần đầu tiên nhận làm đầu bếp tư, Patty Nusser còn rơi vào khủng hoảng "tựa như dẫm phải bãi mìn". Nơi cô nấu ăn là tư dinh của một gia đình giàu có ở Connecticut. Họ có 4 thành viên và cả 4 đều khó chiều: 1 người mắc chứng rối loạn ăn uống, 1 người luôn quát tháo nặng lời, 1 người yêu cầu Nusser phải chuẩn bị thức ăn cho cả con chó cưng và người còn lại bắt cô phải đi đón con nhỏ của họ tan học.
Ngay cả trong phạm vi nấu ăn, đầu bếp tư cũng gặp không ít rắc rối. Họ không chỉ phải chiều theo thói quen và sở thích ẩm thực của chủ thuê, mà còn cần hiểu biết rộng rãi về nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như với chủ thuê là một vận động viên, họ phải hợp tác với chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn cân bằng, thích hợp nhất.
Thường thì, một đầu bếp tư hiếm khi "hợp cạ" khẩu vị ngay với chủ thuê. Vì "khách hàng là thượng đế", nên họ buộc phải buông cái tôi xuống, tìm kiếm sự đồng điệu. "Với một đầu bếp tư, cái quan trọng không phải là tay nghề điêu luyện hay kỹ thuật nấu nướng thần sầu," – Jonathan Wu rút ra kết luận. "Mà đó là cách khống chế tự tôn và vận dụng tất cả những gì mình biết để làm hài lòng người khác".
Ngoài ra, đầu bếp riêng còn phải đối mặt với sự kì thị không nhỏ từ các đồng nghiệp. "Vài người còn gọi tôi là kẻ thua cuộc, chưa tranh đấu đã buông xuôi và tỏ thái độ ghét bỏ, xa lánh," – Sunny đau lòng. Trong con mắt của một phần giới đầu bếp, theo đuổi con đường mở nhà hàng, phục vụ số đông mới là sự nghiệp chân chính. Họ không hài lòng với sự "tránh khó, tìm dễ" của các đầu bếp tư.
Tham khảo: Taste Cooking
Theo Vũ Huế/Pháp luật và Bạn đọc