Những công ty vạn tỷ của AEON đã kiếm bộn tiền tại Việt Nam như thế nào?
Được thành lập từ năm 1758, với lịch sử trải dài trên 250 năm, tập đoàn AEON là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản. AEON hiện có 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản.
Tại Việt Nam, AEON chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện; tới năm 2011 thì thành lập Công ty TNHH AEON Việt Nam để đầu tư các hoạt động xây dựng, tổ chức, quản lý, kinh doanh trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị hiện đại. Năm 2013, AEON tiếp tục thành lập Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam.
Đến nay, AEON đã có 6 trung tâm mua sắm – trung tâm bách hóa tổng hợp tại Việt Nam gồm: Tân Phú Celadon, Bình Tân (TP. HCM), Bình Dương Canry (Bình Dương), Long Biên, Hà Đông (Hà Nội) và Hải Phòng Lê Chân (Hải Phòng). Tập đoàn này cũng đang xúc tiến đầu tư các trung tâm thương mại/siêu thị tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
AEON Việt Nam: Doanh thu nghìn tỷ, lãi trăm tỷ mỗi năm
Tài liệu của VietnamFinance cho thấy Công ty TNHH AEON Việt Nam được thành lập ngày 7/10/2011, trụ sở tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP. HCM. Người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc hiện nay là ông Furusawa Yasuyuki, sinh năm 1972, quốc tịch Nhật Bản, vừa nhậm chức tháng 4/2021, thay thế cho người đồng hương là ông Yasuo Nishitohge, sinh năm 1967.
Thời điểm năm 2015, AEON Việt Nam có vốn điều lệ 5.165 tỷ đồng, do tập đoàn AEON CO., LTD (Nhật Bản) sở hữu 100%. Người đại diện theo ủy quyền là ông Oyama Nagahisa (ngày đại diện phần vốn là 5/9/2011).
Năm 2019, AEON thay đổi người đại diện theo ủy quyền, gồm: Tsutomu Motomura, Fumio Seo, Katsuhiko Natori, Hiroaki Sasamori, Naohisa Saeki (mỗi người 774,7 tỷ đồng) và Yasuo Nishitohge (1.291 tỷ đồng).
Năm 2020, danh sách người đại diện theo ủy quyền của AEON ghi nhận 2 người Việt Nam là bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ (thường trú phường 10, quận 11, TP. HCM, số tiền 516,5 tỷ đồng) và ông Lưu Hồng Phước (thường trú xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM, số tiền 516,5 tỷ đồng).
4 người đại diện theo ủy quyền khác là người Nhật Bản gồm: Soichi Okazaki (1.549,5 tỷ đồng), Fumio Seo (516,5 tỷ đồng), Hiroaki Sasamori (516,5 tỷ đồng) và Yasuo Nishitohge (1.549,5 tỷ đồng).
Danh sách người đại diện theo ủy quyền một lần nữa được thay đổi vào tháng 5/2021, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ và ông Lưu Hồng Phước vẫn ở trong danh sách này với số tiền không đổi.
Về tình hình tài chính của AEON Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản công ty tăng lên rất đáng kể, lần lượt là 7.428 tỷ đồng, 7.667 tỷ đồng, 9.775 tỷ đồng và 10.434 tỷ đồng. Tính chung 4 năm, tài sản đã tăng hơn 40%.
Phần lớn tài sản được hình thành từ vốn chủ sở hữu, tăng từ 4739 tỷ đồng (2016) lên 5.462 tỷ đồng (2019), tương đương tăng 15%.
Nợ phải trả có tốc độ tăng nhanh hơn, từ 2.689 tỷ đồng lên 4.972 tỷ đồng, tương đương tăng 85%. Dù vậy, nợ phải trả vẫn thấp hơn vốn chủ sở hữu, cho thấy sự an toàn tài chính của công ty này.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của AEON Việt Nam tăng rất mạnh mẽ, từ 3.883 tỷ đồng lên 5.135 tỷ đồng, lên tiếp 5.734 tỷ đồng rồi đạt tới 6.533 tỷ đồng.
Biên lãi gộp khá cao và liên tục được cải thiện qua các năm, lần lượt là: 23,6%, 24,3%, 24,6% và 26,4%. Tương ứng, lãi gộp các năm là: 919 tỷ đồng, 1.251 tỷ đồng, 1.415 tỷ đồng và 1.734 tỷ đồng. Nhìn chung 4 năm, lãi gộp đã tăng trưởng tới 88,6%.
Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế của AEON Việt Nam trong cùng giai đoạn cũng khá cao, trong đó mức tăng mạnh mẽ nhất diễn ra vào năm 2017, từ 54 tỷ đồng (2016) lên 225 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 4 lần.
Năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng thêm 12%, lên 252 tỷ đồng trước khi giảm nhẹ xuống 245 tỷ đồng vào năm 2019.
AEONMALL Việt Nam: 5 năm, vốn điều lệ tăng gấp 37 lần, lãi tăng mạnh
Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam được thành lập ngày 10/1/2013, trụ sở ban đầu đóng tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, tới năm 2016 thì dời sang phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Dù ra đời sau AEON Việt nam 2 năm, song AEONMALL Việt Nam mới là công ty được rót vốn mạnh mẽ. Thống kê của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2015 – 2021, AEONMALL Việt Nam đã tăng vốn tới 8 lần (1 lần giảm vốn), đưa vốn điều lệ từ 317 tỷ đồng lên 11.825 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần.
Cụ thể, tháng 11/2015, công ty tăng vốn từ 317 tỷ đồng lên 360,7 tỷ đồng. Tháng 4/2017, vốn điều lệ được tăng mạnh lên mức 4.750 tỷ đồng. Tháng 9 cùng năm, công ty giảm vốn xuống 1.806 tỷ đồng song tới tháng 11 lại tăng lên 5.589 tỷ đồng.
Tháng 6/2018, công ty tiếp tục tăng vốn lên 6.452 tỷ đồng rồi tháng 4/2020 tăng tiếp lên 10.893 tỷ đồng.
Chỉ 2 tháng sau đó, công ty tăng vốn lên 11.303 tỷ đồng; tháng 5/2021 tăng tiếp lên 11.488 tỷ đồng. Và tới tháng 6/2021, vốn điều lệ được chốt ở mức 11.825 tỷ đồng.
Ban đầu, ông Yukio Konishi (sinh năm 1951, quốc tịch Nhật Bản) làm CEO của công ty, tuy nhiên tới năm 2016, chức CEO được chuyển cho chủ tịch HĐTV Iwamura Yasutsugu (sinh năm 1966, quốc tịch Nhật Bản) kiêm nhiệm.
Mãi tới tháng 3/2020, ông Iwamura Yasutsugu mới thôi kiêm nhiệm CEO để nhường lại vị trí này cho ông Nakagawa Tetsuyuki (sinh năm 1968, quốc tịch Nhật Bản).
Trong suốt quá trình tăng vốn nêu trên, danh sách người đại diện được ủy quyền của AEONMALL Việt Nam thay đổi liên tục. Danh sách cuối cùng được ghi nhận vào tháng 6/2021 gồm các ông: Kawabata Shinya, Hiroshi Yokoyama, Fumihiko Endo và Nakagawa Tetsuyuki (mỗi người 2.956 tỷ đồng).
Do tăng vốn mạnh mẽ, quy mô tài sản của AEONMALL Việt Nam phình ra rất nhanh trong giai đoạn 2016 – 2019, từ 389 tỷ đồng lên 11.516 tỷ đồng. Quy mô tài sản này lớn hơn AEON Việt Nam khoảng 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên vốn điều lệ của AEON Việt Nam chỉ bằng một nửa AEONMALL Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, AEONMALL Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu thuần, tăng đều đặn qua các năm, lần lượt là: 419 tỷ đồng, 599 tỷ đồng, 635 tỷ đồng và 765 tỷ đồng. Tính chung 4 năm, doanh thu thuần đã tăng trưởng 82%, trong đó mức tăng mạnh nhất diễn ra vào năm 2017 (tăng 43%).
Diễn biến đồng pha với doanh thu thuần, lợi nhuận gộp của AEONMALL Việt Nam cũng tăng mạnh trong cùng giai đoạn, từ 3,3 tỷ đồng lên 53 tỷ đồng, lên tiếp 74 tỷ đồng rồi đạt 137 tỷ đồng. Như vậy, trong 4 năm, lợi nhuận gộp đã tăng gấp 41 lần. Tương ứng, biên lãi gộp cải thiện từ mức 0,007% (2016) lên 17,9% (2019).
Về lợi nhuận sau thuế, ngoại trừ năm 2016 lỗ 46 tỷ đồng, các năm sau đó, AEONMALL Việt Nam liên tục có lãi với mức lãi tăng trưởng tính bằng lần, đạt: 8,4 tỷ đồng (2017), 27 tỷ đồng (2018) và 55, 5 tỷ đồng (2019). Như vậy, trong giai đoạn 2017 – 2019, lãi sau thuế của công ty đã tăng gấp 6,6 lần.
Theo Ái Châu Tử/VietnamFinance
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-cong-ty-van-ty-cua-aeon-da-kiem-bon-tien-tai-viet-nam-nhu-the-nao-a151983.html