Thị trường chứng khoán gần đây có biến động với biên độ lớn và tạo ra những thay đổi quan trọng về giá trị vốn hóa. Nhóm ngân hàng và Vingroup có chiều hướng giảm điểm đã mất dần thứ hạng cao, trong khi một số doanh nghiệp Nhà nước đang vươn lên.
Quy mô niêm yết tại sàn HoSE hiện đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 80% GDP năm 2020 với 385 mã cổ phiếu đang giao dịch. Trong khi đó, giá trị vốn hóa tại sàn HNX và UPCoM cũng đạt gần 1,67 triệu tỷ đồng, với 1.243 mã đang giao dịch.
Cổ phiếu GVR vươn lên
Chốt phiên giao dịch 1/9, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục tăng 3,5%, leo lên vùng đỉnh lịch sử 40.100 đồng/cổ phiếu. Mã chứng khoán này đã tăng 34% tính từ đầu năm và gấp gần 4 lần kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tháng 3/2018.
GVR cũng là cổ phiếu nâng đỡ rất đáng kể cho đà phục hồi của thị trường chứng khoán gần đây. Đơn cử, trong phiên giao dịch gần nhất, GVR đóng góp gần 1,5 điểm vào mức tăng chung 3,2 điểm của VN-Index.
Đà tăng ấn tượng giúp giá trị vốn hóa của tập đoàn kinh tế này liên tục được mở rộng, hiện đạt 160.400 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD). Doanh nghiệp cũng vừa chính thức lọt vào top 10 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán. Đây cũng là đại diện duy nhất của ngành cao su lọt danh sách này.
Cổ phiếu GVR chỉ bắt đầu được chú ý từ giữa năm 2019 và tạo ra thanh khoản hàng triệu đơn vị mỗi phiên, nhờ minh bạch thông tin về các chiến lược kinh doanh như được trả tiền đền bù đất sân bay Long Thành, chuyển sàn niêm yết, kỳ vọng lọt rổ VN30…Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2018. Tuy nhiên, đợt cổ phần hóa này không đạt kỳ vọng khi lượng đăng ký mua chỉ bằng 1/5 lượng chào bán. Ngay sau đó, tập đoàn đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ ngày 21/3/2018.
Cụ thể ngày 17/3/2020, GVR chính thức chuyển niêm yết sang HoSE với mức giá tham chiếu 11.570 đồng/cp. Mặc dù có thời điểm giảm sâu do lo ngại ảnh hưởng bởi Covid-19, thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh giúp cổ phiếu liên tục phá đỉnh như hiện tại.
Hiện tập đoàn kinh tế này định hướng đầu tư vào 5 lĩnh vực ngành nghề chính có lợi thế bao gồm: trồng và chăm sóc chế biến mủ cao su; chế biến gỗ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo báo cáo bán niên 2021, đơn vị ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 77% lên hơn 10.500 tỷ đồng. Theo cơ cấu, sản phẩm mủ cao su đóng góp lớn nhất với tỷ trọng hơn 54%, tiếp đến là chế biến gỗ đóng góp 19% và các sản phẩm công nghiệp cao su chiếm hơn 15% doanh thu.
Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 2.376 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 52% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 1.664 tỷ đồng.
Đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối 96,77% vốn. Quy mô tổng tài sản đạt gần 80.000 tỷ đồng, trong đó riêng lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lên đến 15.363 tỷ đồng, chiếm hơn 19% tài sản.
Tập đoàn cũng sở hữu hệ thống các đơn vị thành viên khá phức tạp với hơn 8 văn phòng đại diện, 101 công ty con được hợp nhất và 16 công ty liên kết. Một số công ty thành viên đáng chú ý là Tổng công ty cao su Đồng Nai, Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hòa, KCN Nam Tân Uyên, Gỗ Dầu Tiếng, VRG Khải Hoàn, Liên doanh VRG Dongwha…
Vietcombank dẫn dầu
Bảng xếp hạng top 10 vốn hóa cũng chứng kiến nhiều biến động khác, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng và Vingroup. Trong đó, Vietcombank đang là đơn vị có quy mô niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán.
Với thị giá VCB ở 99.400 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của ngân hàng quốc danh này đạt hơn 368.662 tỷ đồng. Dù vậy, cổ phiếu này gần như đi ngang trong hơn nửa năm qua và chỉ tăng 1,5% so với thời điểm đầu năm.
Gần đây Vietcombank có thay đổi nhân sự quan trọng khi ông Phạm Quang Dũng rời vị trí tổng giám đốc để giữ chức vụ chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 từ ngày 30/8, thay thế cho ông Nghiêm Xuân Thành từ nhiệm 2 tháng trước đó. Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc được giao phụ trách Ban điều hành.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến kém trong thời gian vừa qua. Thống kê cho thấy có đến 19/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tháng 8 với mức phổ biến dao động khoảng 5-7%. Đà giảm đã kéo vốn hóa nhiều nhà băng đi xuống đáng kể.
Vào cuối tháng 5, nhóm ngân hàng vẫn còn có 4 đại diện nằm trong danh sách top 10 vốn hóa thì đến nay chỉ còn đúng 2 cái tên là Vietcombank và Techcombank (TCB). Trong khi đó, CTG của VietinBank, BID của BIDV đã rớt khỏi bảng xếp hạng này. Ngoài ra, VPB của VPBank và MBB cũng giảm đáng kể nhưng vẫn có vốn hóa hơn 100.000 tỷ đồng.Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến kém trong thời gian vừa qua. Thống kê cho thấy có đến 19/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tháng 8 với mức phổ biến dao động khoảng 5-7%. Đà giảm đã kéo vốn hóa nhiều nhà băng đi xuống đáng kể.
Các chuyên gia phân tích cho rằng lợi nhuận các ngân hàng sẽ chịu tác động trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Yuanta Việt Nam nhận thấy khoản trích lập dự phòng của các ngân hàng đã tăng gấp rưỡi trong quý II và dự báo còn tăng thêm vào cuối năm.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến Vingroup cũng bị giảm đi đáng kể gần đây. Trong đó VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup đều giảm về khoảng 358.000 tỷ đồng, rơi về vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng vốn hóa.
Cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi thông tin Vingroup đăng ký bán hơn 100 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% vốn điều lệ trong thời gian từ 19/8 đến 17/9. Mục đích giao dịch là tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con. Cùng thời gian, Viking Asia Holdings II Pte. Ltd, quỹ thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) cũng đăng ký bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM.
Nhóm 5 vị trí dẫn đầu (Vietcombank, Vinhomes, Vingroup, Hòa Phát và Vinamilk) có vị thế khá chắc và cách xa vốn hóa nhóm còn lại. Tiếp theo, nhóm công ty nhà nước có 3 đại diện là PV Gas, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn Cao su. Nhóm tư nhân có Tập đoàn Masan và Techcombank (công ty liên kết của Masan).
Theo Huy Lê/Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-dien-duy-nhat-cua-nganh-cao-su-lot-top-10-von-hoa-a151994.html