Việc các ngân hàng thương mại vẫn thu lợi nhuận khủng là điều rất phản cảm trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đều bị kiệt quệ do dịch COVID-19 kéo dài.
- Ông Nguyễn Tuấn Anh (vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước):
Phải báo cáo danh sách được giảm lãi vay
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi tất cả ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất cho vay để chung tay và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số tổ chức tín dụng có giảm, nhưng chưa phải 100% ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay.
Thực tế mới có 16 ngân hàng ký cam kết giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước phải giảm lãi suất cho vay ngay, trong đó Agribank thực hiện rất tốt với mức giảm 1% cho các hợp đồng vay lãi suất 9 - 10%/năm, riêng khoản vay ưu đãi có mức giảm nhẹ hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt qua hệ thống giám sát nhưng cũng rất mong nhận được thông tin của khách hàng phản ảnh về việc ngân hàng thương mại nói hạ lãi suất cho vay mà chưa thực hiện để có biện pháp xử lý.
Trong báo cáo hằng quý, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu từng ngân hàng phải gửi báo cáo toàn bộ danh sách khách hàng đã được giảm lãi suất cho vay để đối chiếu với cam kết của ngân hàng nhằm xem quy mô và mức giảm có như đã công bố. Với những thiệt hại mà đại dịch gây ra với người vay vốn, ngân hàng thương mại cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng Nhà nước vừa vận động nhưng cũng vừa có công cụ giám sát chặt việc giảm lãi suất cho vay.
- ThS Trần Kim Long (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM):
Nên sớm giãn nợ, hoãn trả lãi vay
Thời gian qua, câu chuyện các ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nhiều khách hàng vay vốn bị giảm, thậm chí không có thu nhập, do giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch COVID-19 đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Bởi khoản nợ gốc và lãi suất phải trả hằng tháng đang trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Do đó, nên ưu tiên hỗ trợ cho các khách vay gặp khó khăn và không còn nguồn trả nợ.
Nhưng tỉ lệ giảm dựa trên sự am hiểu của ngân hàng đối với từng phân khúc khách hàng, chứ không theo kiểu cào bằng. Ngoài ra cần giãn thời gian trả nợ như các ngân hàng trên thế giới đang thực hiện để giảm ngay áp lực trả nợ, tạo động lực cho khách hàng trả nợ sau thời gian được ân hạn. Chẳng hạn có thể cho phép khách vay giãn thời gian trả nợ 60 - 90 ngày với các khoản cho vay tiêu dùng và lên đến 180 ngày với các khoản cho vay mua nhà.
Trong dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là cơ sở để thực hiện các giải pháp này và nên áp dụng nhanh để giảm bớt khó khăn cho người vay vì dịch đã kéo dài suốt 4 - 5 tháng qua.
- Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Khách vay kiệt quệ, ngân hàng lãi khủng là phản cảm
Việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn nhất là thiếu dòng tiền. Việc thiếu dòng tiền có thể làm cho doanh nghiệp bị "ngộp thở" do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động qua giai đoạn quá khó khăn này.
Trong lúc hầu hết khách vay vốn, kể cả doanh nghiệp và người dân, bị khó khăn và thua lỗ, các ngân hàng vẫn công bố lãi to, thậm chí có ngân hàng đạt mức lợi nhuận gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, là thông tin khá phản cảm, tương phản với bức tranh chung của nền kinh tế. Do đó việc giảm lãi, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ... để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân là đạo lý kinh doanh mà các ngân hàng thương mại không thể không làm.
Theo tôi, các ngân hàng nên xem xét giảm khoảng 2%/năm với lãi suất cho vay. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của các ngân hàng , chỉ cần ngân hàng chấp nhận chia sẻ với khách vay, thay vì để khách hàng "sống chết mặc bay" tại thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022.
- TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia ngân hàng):
Phải giảm 1,5 - 2% lãi suất cho vay
Tùy theo tiềm lực, mỗi ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Đây là cách hỗ trợ thực chất, ý nghĩa với người vay vốn trong lúc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn và thu nhập giảm sút. Riêng với những ngân hàng có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) rất lớn lên trên 30 - 50%, nên xem xét giảm lãi suất khoảng 1,5 - 2%/năm cho tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, không phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn vay ngắn hay dài.
Khi giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận của ngân hàng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra, nhưng đây là lúc ngân hàng thể hiện sự đóng góp của mình với nền kinh tế, với khách hàng. Vì trong 10 đồng mà ngân hàng đang kinh doanh, chỉ có 1 đồng của chính họ, còn 9 đồng là huy động của xã hội.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét giảm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu... nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất huy động giảm hơn.
Giảm... 0,1% để chia khó với khách vay!
Sau nhiều lần liên hệ để trình bày khó khăn do COVID-19 và đề nghị có chính sách hỗ trợ, anh Nguyễn Đăng Tư (TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa được nhân viên tín dụng của VCB thông báo khoản vay mua nhà của anh sẽ được giảm 0,1%/năm, từ 8,6%/năm xuống còn 8,5%/năm! "Đọc thông báo mà không tin nổi, giảm 0,1%/năm coi như không có giảm gì. Và vấn đề của người mua nhà trong thời buổi thu nhập giảm sút hiện nay là chính sách giãn hoặc hoãn trả nợ, chứ không phải giảm một chút lãi suất để làm màu như thế này", anh Đăng Tư bức xúc.
Chị Trần Kim Anh (TP Thủ Đức) cho biết từ sau khi phải nghỉ không lương do công ty tạm đóng cửa vì dịch, trong khi thu nhập của chồng chị cũng giảm 30% vì dịch bệnh, việc trả lãi và nợ gốc cho khoản vay tại BIDV với lãi suất 10,2%/năm đang trở thành gánh nặng rất lớn với gia đình chị.
Thế nhưng khi liên hệ với ngân hàng này để tìm hiểu về chính sách hỗ trợ khách vay trong đại dịch, chị Kim Anh được nhân viên BIDV thông báo rằng ngân hàng này chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách vay mua nhà. "Trước đây vợ chồng tôi chưa trễ hẹn trả nợ lần nào, nhưng thu nhập hiện nay chưa đủ trang trải cho gia đình thì lấy gì trả nợ. Đây là khó khăn chung do dịch bệnh chứ có phải của riêng ai, nếu ngân hàng có giảm lãi suất cũng phải giảm chung cho tất cả khách vay, sao lại có sự phân biệt với khách vay mua nhà?"- chị Kim Anh bức xúc.
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Huyền Trang (TP.HCM) cho biết từ tháng 7-2021 đến nay sau khi xưởng may nhỏ của gia đình phải đóng cửa do dịch COVID-19, việc trả nợ gốc và lãi vay (khoảng 9 triệu đồng) cho khoản nợ còn lại (750 triệu đồng) tại Public Bank trở thành nhiệm vụ bất khả thi do gia đình không còn thu nhập nào khác. "Trong tháng 8-2021, gia đình tôi chỉ có thể xoay xở nộp tiền lãi, khất lại nợ gốc. Trong túi hai vợ chồng chỉ còn mỗi 2 triệu cho ăn uống trong tháng 9, nếu ngân hàng không xem xét giảm lãi hay giãn nợ, chúng tôi không biết xoay đâu ra tiền để trả nợ", chị Trang nói.
Theo Trần Mạnh/Báo Tuổi trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ngan-hang-phai-giam-manh-lai-vay-a152002.html