83% cửa hàng bách hóa ở Anh 'biến mất' kể từ sau khi chuỗi siêu thị lớn nhất sụp đổ

Vương quốc Anh đã mất 83% trong tổng số các cửa hàng bách hóa (department store) trong vòng 5 năm qua, kể từ khi BHS, chuỗi siêu thị lớn nhất ở Anh sụp đổ.

Con số này cho thấy mức biến động mạnh tại thị trường siêu thị ở Anh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động, thúc đẩy sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người Anh.

Debenhams-Getty

Một cửa hàng bách hóa cũ của Debenhams hiện vẫn bỏ trống. Ảnh Getty Images

Dữ liệu trên, do công ty thông tin bất động sản CoStar Group tổng hợp, cũng đã cho biết thêm rằng tới 2/3 tổng số các cửa hàng (shop) cho thuê hiện giờ vẫn đang vắng chủ. 237 siêu thị vẫn đóng cửa, chưa có kế hoạch kinh doanh mới.

Mark Stansfield, người đứng đầu bộ phận phân tích của CoStar Group cho biết: "Không nghi ngờ gì nữa, dữ liệu cho thấy sự thay dổi đến chóng mặt trong lĩnh vực bán lẻ trong những năm gần đây, khi mà đại dịch làm cho tình hình trầm trọng hơn".

CoStar đã theo dõi các chuỗi tiêu thị lớn nhất ở Anh từ năm 2016 đến nay, từ BHS, Beales đến Debenhams và House of Fraser.

5 năm trước, các chuỗi siêu thị này có 467 cửa hàng, giờ họ chỉ còn có 79 cửa hàng.

CoStar kiểm tra xem những gì đã xảy ra với 388 cửa hàng đã đóng cửa. Nghiên cứu vào tháng 7 cho thấy trong số 237 cửa hàng hiện đang bỏ trống, chỉ có 52 cửa hàng có kế hoạch thay đổi mục đích sử dụng. 

Không chỉ thế, ông Stansfield nói với BBC rằng ông tin chắc tốc độ thay đổi trong lĩnh vực siêu thị còn nhanh hơn nữa.

"Chúng tôi thấy các chủ bất động sản thường có tư duy nhanh nhạy và đi trước thời cuộc. Họ sẽ định hình lại để xem đâu là tài sản quan trọng nhất của họ tại các thị trấn và tái tạo công năng của chúng", ông nói.

Ông Stansfield cho biết thêm nhiều kế hoạch sẽ được đưa ra trong những tháng tới và các cơ hội mới sẽ đến với những khu siêu thị hiện vẫn đang đóng cửa. Các nhà đầu tư phải chứng minh được khả năng hoàn vốn cho các dự án đầu tư khổng lồ.

Không phải chuyện 'một sớm, một chiều'

Các cửa hàng bách hóa (department stores) từ lâu đã trở thành các điểm nhấn trong các khu mua sắm ở vương quốc Anh. Nhiều cửa hàng được mở cửa một cách có chủ ý tại các trung tâm mua sắm, trong khi một số khác lại nằm trong các khu dân cư truyền thống.

BHS Princes Street Edinburg-BBC

Cửa hàng bách hóa cũ của BHS giờ đã được nâng cấp, chuyển đổi công năng. Ảnh BBC

Tuy nhiên, việc tìm hướng mới để sử dụng các không gian dư thừa này không phải là một việc dễ, thậm chí còn là thách thức không chỉ cho các chủ bất động sản, mà còn cả các thị trấn.

BHS là một ví dụ điển hình cho việc khó chuyển đổi mục đích sử dụng cho các địa điểm vốn từng là các cửa hàng bách hóa. 5 năm sau khi chuỗi siêu thị này ngừng kinh doanh, 1/4 số cửa hàng của họ vẫn chưa tìm được chủ thuê mới.

Năm 2016, phóng viên BBC đã đến thăm vị trí từng là cửa hàng BHS ở Princes Street, một trong những cửa hàng lớn nhất trong chuỗi siêu thị của Edinburgh. Các chủ sở hữu địa điểm này có ý định nâng cấp nơi này thành một tòa nhà có nhiều công năng sử dụng khác nhau. Các phòng thay đồ của nhân viên và nửa tòa nhà đã được chuyển đổi thành các phòng ngủ khách sạn mang thương hiệu Primer Inn. Một phòng làm việc hiện đại đang được hoàn thiện trên tầng chóp trong khi tầng hầm biến thành một trung tâm chơi bowling. Phần còn lại vẫn dành cho các cửa hàng bán lẻ, nhưng diện tích ít hơn nhiêu trong tòa nhà từng là một trung tâm mua sắm khổng lồ trước kia.

Kiến trúc sư Frank Hinds từ công ty CDA cho biết: "Cần rất nhiều tiền và thời gian để biến không gian khổng lồ nơi đây thành những khu chức năng có mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, nếu tính về mặt phát triển thì chúng tôi đã thực hiện trong thời gian khá ngắn".

Khi tái định vị mục đích sử dụng, vấn đề thường gặp nhất là tài chính. Các nhà đầu tư phải chứng minh khả năng hoàn vốn cho các dự án có mức vốn khổng lồ. Thật may mắn cho BHS vì nó nằm trong một con phố đẳng cấp thế giới.

Valerie Grahams-Premier Inn

Valerie Graham, Giám đốc điều hành khu vực của Premier Inn. Ảnh BBC/PI

Đối với khách sạn Premier Inn, đây là cơ hội khó có thể bỏ qua. Kiếm được những tòa nhà có tầm nhìn ra các lâu đài như thế này không phải là điều dễ dàng, Valerie Graham, Giám đốc điều hành khu vực, nói.

"Mường tượng ra các khách hàng sử dụng những không gian tuyệt vời này là điều hết sức thú vị. Nhu cầu là thực tế và điều quan trọng hơn là chúng tôi tạo ra thêm các công ăn việc làm", bà Graham nhấn mạnh.

Edinburgh đã mất đi 4 siêu thị lớn trong vài năm qua nhưng may mắn thay đã có những giải pháp mới cho những địa điểm cũ của các siêu thị đóng cửa. Ví dụ cửa hàng House of Fraser nằm ở đầu kia đường Princes sắp mở cửa lại với cái tên Johnnie Walker Whisky Experience.

Khó khăn ở các thị trấn nhỏ

Việc lấp đầy các khoảng trống ở các thị trấn nhỏ gặp khó khăn hơn nhiều. Tại Dumfries, khu vực biên giới với xứ sở rượu nổi tiếng Scotland, nơi từng là cửa hàng cũ Debenhams, giờ hiện đang bỏ trống.

Đây từng là không gian bán lẻ lớn nhất của thị trấn, nhưng giờ vẫn chưa tìm được chủ thuê mới. 

"Điều đó liên quan đến tiền bạc", Scott Mackay, người điều hành Midsteeple Quarter, một công ty địa phương được thành lập nhằm phục vụ cho các lợi ích của cộng đồng, cho biết. 

Shop Dumfries

Một cửa hàng tại thị trấn nông thôn Dumfries. Ảnh BBC

Thông qua việc huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding), từ các khoản tiền hiến tặng(donations), và vốn đầu tư công (public money), công ty mua lại các cửa hàng trống, cũ, tân trang và nâng cấp chúng để đưa trở lại phục vụ cuộc sống, phục vụ các chủ thuê mới.

Đây là một thị trấn nông thôn truyền thống, chúng tôi không có nhiều tiền để đầu tư như ở các thành phố lớn. Chúng tôi phải tự đứng trên hai bàn chân của chính mình, ông Mackay nói.

Vậy thì ông ấy có muốn tiếp quản khu nhà từng là cửa hàng Debenhams trước kia? "Nếu có kinh phí, tất nhiên là chúng tôi sẽ mua lại tòa nhà đó", ông Mackay khẳng định.

"Tôi nghĩ tòa nhà mới sẽ gồm phòng chiếu phim và khu ẩm thực ở tầng trệt, còn các tầng trên sẽ là các căn hộ chung cư", ông Mackay nói.

Ông tin chắc rằng cần phải có một số hình thức can thiệp nào đó để tránh tình trạng tòa nhà bị bỏ trống như nhiều năm qua.

Debenhams thực ra chỉ là một trong những nạn nhân mới nhất của tình trạng thay đổi môi trường kinh doanh ở Anh, điều buộc BHS phải đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trong chuỗi siêu thị của mình, và cửa hàng cuối cùng đã ngừng hoạt động vào tháng 5 vừa qua. 

Dữ liệu từ CoStar Group cho biết tổng cộng 149 cửa hàng của Debenhams trước đây hiện vẫn đang bị bỏ trống.

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu của CoStar Group cũng đã nói chuyện với các chủ sở hữu bất động sản về các kế hoạch sử dụng những địa điểm từng là các siêu thị để có được bức tranh toàn cảnh hoàn thiện nhất về những thay đổi lớn trong cơ cấu một phần lĩnh vực bán lẻ ở Anh.

Nhu cầu thực sự đối với các cửa hàng đẹp, ở các vị trí đắt giá vẫn chưa hề giảm. Thí dụ, NEXT đã dùng không gian trong các siêu thị cũ của Debenhams làm các cửa hàng làm đẹp thế hệ mới của mình. Mike Ashley thì lấy các địa điểm cũ của Debenhams để phát triển thương hiệu Flannels của mình. 

Dẫu vậy, để hồi sinh hoàn toàn các không gian cũ từng thuộc sở hữu của chuỗi siêu thị BHS thì vẫn đòi hỏi thời gian, và đặc biệt là những sáng kiến cực kỳ cấp tiến.

Theo Hoàng An/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/83-cua-hang-bach-hoa-o-anh-bien-mat-ke-tu-sau-khi-chuoi-sieu-thi-lon-nhat-sup-do-a152055.html