Huy động 4.800 tỷ đồng qua trái phiếu
Đáng chú ý đợt phát hành này diễn ra ít ngày trước khi Bông Sen Crop đáo hạn lô trái phiếu với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, được phát hành vào tháng 8/2019.
Trong đợt phát hành trái phiếu mới này Bông Sen Crop chia thành 2 lô. Trong đó lô thứ nhất cho kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cố định 11%/năm chi trả 3 tháng/lần. Giá trị phát hành là 480 tỷ đồng, mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động. Kết quả có 2 tổ chức giấu tên mua vào lô trái phiếu trên.
Trong đó, trái phiếu được đảm bảo bằng: cổ phần trong CTCP Daeha và trong Bông Sen; quyền sử dụng đất/tài sản gắn liền với đất trên các khu/lô nằm tại các quận trung tâm Tp.HCM; các tài sản và quyền lợi có liên quan đến 2 nhóm tài sản trên.
Lô thứ hai trị giá 4.320 tỷ đồng, lãi suất và kỳ hạn tương tự lô đầu. Tài sản đảm bảo tương tự, trong đó có 10 tổ chức giấu tên tham gia mua.
Các thương vụ trêm đều được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán VPS (VPS) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Được biết, CTCP Bông Sen (Bông Sen Crop) là doanh nghiệp sở hữu một loạt khách sạn có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM như Palace Saigon, Bông Sen cũng như khách sạn Daewoo Hà Nội.
Bông Sen Corp trước đây là thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), được cổ phần hóa vào cuối năm 2004. Doanh nghiệp có trụ sở tại 117-123 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp này là 130 tỷ đồng. Sang năm 2014, vốn điều lệ tăng mạnh lên 816 tỷ đồng.
Hiện Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Bông Sen Corp là bà Đinh Thị Ngọc Thanh. Nữ doanh nhân sinh năm 1974 còn đứng tên cho một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Golden Peak, Công ty CP Bách Hưng Vương, Công ty CP Đầu tư First Star, Công ty CP Landwey.
Năm 2015, Bông Sen Corp bất ngờ chi hàng nghìn tỷ đồng để thâu tóm 51% cổ phần chi phối tại Công ty CP Deaha - chủ sở hữu khách sạn Daewoo (Hà Nội). Tuy nhiên, sau thương vụ đình đám này, Bông Sen Corp hoạt động khá kín tiếng.
Không chỉ vậy, Bông Sen Corp còn sở hữu hàng loạt dự án đất vàng tại TP.HCM như: Khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), khách sạn Bông Sen Sài Gòn (Bong Sen Hotel Saigon, 117-123 Đồng Khởi), nhà hàng Bier Garden (số 125 Đồng Khởi), nhà hàng café Brodard (131-133 Đồng Khởi), khách sạn Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng),…
Ngoài ra, Bông Sen Corp còn có có mặt tại một số dự án lớn khác thông qua hoạt động góp vốn như: Sở hữu 8,93% vốn (tính đến 30/6/2019) của Công ty CP Khách sạn Sài Gòn (Mã: SGH), chủ khách sạn Sài Gòn (41-47 Đông Du); sở hữu 72% tại Công ty CP Sài Gòn One Tower, chủ đầu tư dự án Saigon One Tower bên bờ sông Sài Gòn,…
Bên cạnh đó, Bông Sen Corp từng là chủ của một số khu đất khác hoặc tham gia góp vốn vào một số công trình lớn của thành phố như nhà hàng Lion trước đây tại số 11-13 Công Trường Lam Sơn.
Về kết quả, theo thông tin từ Viettimes, cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần của Bông Sen Corp dao động từ 240 - 290 tỉ đồng. Các năm 2016 và 2017, công ty này báo lỗ sau thuế lần lượt ở mức 168,1 tỉ đồng và 136,7 tỉ đồng.
Các năm 2018 và 2019, doanh thu thuần của Bông Sen Corp đạt lần lượt 246,9 tỉ đồng và 242,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 132,2 tỉ đồng và 79,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 53,6% và 32,9%.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trên sẽ khó mà lặp lại trong năm 2020 và 2021, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn - lĩnh vực kinh doanh chính của Bông Sen Corp.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Bông Sen Corp đạt mức 12.173 tỉ đồng, tăng 15,6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 4.869 tỉ đồng.
Deawoo về tay Bông Sen bằng cách nào?
Daewoo Hà Nội là khách sạn 5 sao được xây dựng vào năm 1996 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Khách sạn này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng lãnh đạo toàn cầu của tập đoàn. Daewoo Hà Nội nằm trong tổ hợp Daeha (bao gồm khách sạn và tòa nhà văn phòng).
Tuy nhiên, do Daewoo gặp khó khăn nên khách sạn phải mất rất nhiều thời gian mới đi vào hoạt động và… thua lỗ. Tới năm 2009, Công ty TNHH Daeha lỗ lũy kế hơn 3,167 triệu USD.
Đúng vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu nổ ra, Daewoo gánh chịu khoản nợ khổng lồ. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) yêu cầu Daewoo bán bớt tài sản ngoài cốt lõi của mình để giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 159%.
Được biết, Công ty TNHH Daeha có vốn điều lệ 43,61 triệu USD, là công ty liên doanh được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa phía Việt Nam (đại diện là Hanel - tên ngày nay là Công ty cổ phần Hanel) và Hàn Quốc (Daewoo). Trong đó, Hanel nắm giữ 30% vốn (tương đương 13,083 triệu USD). Daewoo góp 30,527 triệu USD, chiếm 70% vốn điều lệ. Hanel góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Daewoo góp tiền cho dự án.
Đầu tháng 3/2012, lãnh đạo Daewoo Hàn Quốc chính thức thông báo: "Hanel, hiện nắm giữ 30% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội, đã đồng ý mua lại 70% cổ phần còn lại từ Daeha, chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn và công ty con địa phương của Daewoo E&C có trụ sở tại Việt Nam".
Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng nhiều nguồn tin trong nước cho rằng Hanel phải chi 100 triệu USD để trở thành chủ nhân duy nhất của Daewoo. Còn một tờ báo Hàn Quốc khẳng định, giá trị sổ sách của Daewoo là 17,1 tỷ won. Số tiền Daewoo thu được từ việc bán khách sạn để cơ cấu lại nợ theo yêu cầu của KDB là khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng). Số tiền này được cho là cải thiện đáng kể cơ cấu nợ của công ty.
Thương vụ Hanel thâu tóm 100% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội được thực hiện trong năm 2012 nhưng Hanel không công bố báo cáo tài chính năm 2012 của mình mà chỉ công khai các báo cáo từ năm 2013 đến nay.
Năm 2013, chỉ một năm sau khi mua lại vốn khách sạn Daewoo Hà Nội từ tay Daewoo Hàn Quốc, 70% vốn này không được ghi nhận tại Hanel. Theo đó, Hanel vẫn chỉ sở hữu 30% vốn công ty như ngày mới thành lập. Điều đó có nghĩa không lâu sau khi mua, Hanel đã nhanh tay bán lại toàn bộ 70% vốn mới.
Bên mua chính là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng tại thời điểm cuối năm 2012, Hợp Thành 1 và Hợp Thành lần lượt nợ Hanel 331 tỷ đồng và 181 tỷ đồng. Tới cuối năm 2013, Hợp Thành 1 đã thanh toán nợ còn Hợp Thành vẫn còn phải trả Hanel 122 tỷ đồng.
Nhưng câu chuyện chủ sở hữu của Daewoo Hà Nội chưa dừng lại ở đó. Trong năm 2015, thời điểm Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho thương vụ thâu tóm khách sạn Daewoo Hà Nội, một "chủ nhân mới" lại bất ngờ xuất hiện.
Theo đó, Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) công bố có kế hoạch đầu tư 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội.
Ngày 30/6/2019, Bông Sen Corp đang sở hữu 73,04% cổ phần của Hợp Thành 1, từ đó gián tiếp sở hữu 51,05% cổ phần của CTCP Daeha - chủ đầu tư khu phức hợp Trung tâm thương mại Daeha (bao gồm cả khách sạn Daewoo).
Theo Hải An/Doanh nhân Việt