Theo bà Teresa Kong, Trưởng bộ phận Thu nhập cố định của Matthews Asia, China Evergrande Group của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã mắc phải "hai đại tội" dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ hiện tại.
"Tội đầu tiên là đã vay quá nhiều tiền", CNBC dẫn lời bà Kong bình luận. Việc mở rộng chóng mặt và vay tiền ồ ạt khiến China Evergrande Group rơi vào khủng hoảng. Tổng nợ của Evergrande - tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới - lên tới 300 tỷ USD.
"Thứ hai là vấn đề về quản trị công ty", bà nói thêm. "Khi cả 2 ở cạnh nhau, chẳng khác gì một khu rừng khô hạn đặt cùng bùi nhùi chỉ chực chờ bắt lửa", bà Kong so sánh.
Tình hình ngày càng xấu đi
Các vấn đề của Evergrande leo thang nghiêm trọng trong những tuần qua. Công ty đã hai lần cảnh báo các nhà đầu tư về khả năng vỡ nợ. Hôm 14/9, nhà phát triển bất động sản thừa nhận họ có nguy cơ vỡ nợ chéo, nghĩa là rủi ro có thể tràn sang các lĩnh vực liên quan khác.
Hôm 14/9, công ty cũng cho biết doanh số bất động sản sẽ xấu đi đáng kể trong tháng 9, làm trầm trọng thêm các vấn đề về dòng tiền. Nguyên nhân là niềm tin của người mua nhà đã suy yếu. Evergrande thừa nhận kế hoạch bán cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản và xe điện cũng "không có nhiều tiến triển".
Ngày 13/9, Evergrande bác tin đồn sắp phá sản. Tuy nhiên, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thừa nhận đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Tuy nhiên, công ty vẫn cam kết "kiên quyết hoàn thành trách nhiệm và đang làm mọi thứ để khôi phục hoạt động bình thường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng".
"Giờ là thời điểm rất quan trọng. Nếu việc bán tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư mới của Evergrande không tiến triển tốt và đáp ứng kỳ vọng của chính phủ, nguy cơ vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra", nhà phân tích Chuanyi Zhou của Lucror Analytics nhận định.
Evergrande là công ty bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc tính theo doanh số. Khủng hoảng nợ của Evergrande làm dấy lên nỗi lo ngại về rủi ro lan rộng trong lĩnh vực bất động sản và hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Bà Kong cảnh báo rằng có "rất nhiều đòn bẩy" trong hệ thống. "Đó là lý do điều quan trọng lúc này là đảm bảo có thêm thanh khoản và niềm tin", bà Kong khẳng định.
"Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cần phải đảm bảo rằng không còn bất ổn xã hội vì Evergrande có ảnh hưởng rất lớn", bà nói thêm.
Áp lực lớn
Evergrande sở hữu khoảng 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc, theo trang web của công ty. Trong những ngày gần đây, theo Reuters, các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư đã nổ ra tại nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc.
"Evergrande phải nhanh chóng giải quyết việc giao nhà, nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến thêm các vấn đề khác", bà Kong cảnh báo.
Tại Quảng Châu, các khách hàng mua nhà đã bao vây văn phòng nhà ở địa phương của công ty. Họ yêu cầu Evergrande bắt đầu lại việc xây dựng bị đình trệ. Tháng 8, Evergrande buộc phải dừng thi công một số dự án do chưa thể trả tiền cho nhà cung cấp.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu của Evergrande có lẽ sẽ là ưu tiên cuối cùng. Theo nhà quản lý danh mục đầu tư, chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng về mục tiêu duy trì ổn định xã hội và điều đó có nghĩa là đặt người mua hàng lên hàng đầu.
Hôm 13/8, cảnh sát ập vào trụ sở Thâm Quyến của Evergrande sau khi hàng chục người tập trung đòi lại các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) quá hạn hoàn trả. Caixin đưa tin đám đông lên tới hàng trăm người vào ngày 12/9.
Evergrande đã yêu cầu các nhân viên ở văn phòng Thẩm Dương làm việc tại nhà, sau khi một số nhân viên mua WMP của công ty cũng tham gia cuộc biểu tình, theo nguồn tin của Bloomberg.
Hàng nghìn người ở tỉnh An Huy đang nắm giữ các WMP quá hạn của Evergrande với tổng số tiền lên tới 1,3-1,8 tỷ NDT, theo báo cáo của đài truyền hình địa phương, trích lời ông Liu Yuntin, một nhà tư vấn quản lý tài sản tại Evergrande.
"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít kinh nghiệm có thể là ưu tiên thứ 2. Những nhà đầu tư nước ngoài thường là các tổ chức đầu tư, họ nên hiểu những rủi ro này", bà Kong bình luận.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, trong tổng số 24 trái phiếu đã phát hành, Evergrande có 6 trái phiếu đáo hạn vào năm 2022 và 10 trái phiếu đáo hạn năm 2023.
Trong năm nay, giá cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 80%. Trái phiếu cũng lao dốc xuống mức thấp kỷ lục.
Theo Thảo Cao/Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hai-sai-lam-day-tap-doan-dia-oc-trung-quoc-vao-ho-no-300-ty-usd-a152139.html