Câu hỏi lớn nhất khi Evergrande sụp đổ chính là ai sẽ là bên tổn nhất nhiều nhất trong bối cảnh công ty này đang nợ đến 305 tỷ USD với ngân hàng, trái chủ, công ty ủy thác, người mua nhà, nhà cung cấp và nhà thầu - cộng với khoản nợ chưa xác định phần lớn thuộc về các nhà đầu tư bán lẻ.
Đây hiện là câu hỏi được quan tâm nhất ở Bắc Kinh cũng như các hành lang tài chính của Hồng Kông, nơi nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và đứng trước bờ vực sụp đổ. Khi nói đến các ngân hàng Trung Quốc, nhiều chuyên gia đều đồng thuận rằng nhóm này sẽ phải chịu khoản lỗ lớn nhất.
Wei He, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết: "Không quá khó để đưa ra một giải pháp cuối cùng. Ưu tiên hàng đầu sẽ là bảo vệ những người mua nhà đã trả tiền Evergrande nhưng vẫn chưa nhận được căn hộ".
Evergrande hiện có 800 dự án đang triển khai ở Trung Quốc, với hầu hết các căn hộ đã được thanh toán đầy đủ. Hơn một nửa số dự án đã bị tạm dừng do không thanh toán cho các nhà thầu. Cổ phiếu của Evergrande đã giảm 85% trong năm nay và trái phiếu của nó đang được giao dịch ở mức 25 cent so với USD.
Công ty này đã đưa ra một thông báo bất ngờ vào thứ Tư rằng họ sẽ thực hiện thanh toán lãi suất trái phiếu đúng hạn vào thứ Năm, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 850 triệu USD cho các khoản thanh toán trái phiếu đến hạn trong năm nay.
Xu Jiayin, người sáng lập kiêm chủ tịch Evergrande, cho biết trong một lá thư gửi nhân viên hôm thứ Ba rằng công ty tự tin sẽ đáp ứng các trách nhiệm của mình đối với khách hàng, nhà đầu tư và người cho vay.
Ông nói: "Tôi tin chắc rằng với sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ của các bạn, Evergrande sẽ bước ra khỏi thời khắc đen tối nhất và tiếp tục hoàn thiện các công trình quy mô càng sớm càng tốt".
Theo hai người quen thuộc với vấn đề này, các nhà cho vay chính của Evergrande, do Ngân hàng Minsheng Trung Quốc đứng đầu, hiện đã thu xếp các khoản tiền lớn để đối phó với việc Evergrande vỡ nợ. Nhà phát triển bất động sản đang nợ hơn 128 ngân hàng và khoảng 121 tổ chức phi ngân hàng, theo một lá thư bị rò rỉ do Evergrande viết cho chính phủ vào cuối năm ngoái.
Bên cạnh Ngân hàng Minsheng, những bên khác tiếp xúc nhiều nhất với công ty bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Zheshang Trung Quốc, Ngân hàng Everbright Trung Quốc và Ngân hàng CITIC Trung Quốc. Theo bức thư bị rò rỉ, Ngân hàng Shenjing do Evergrande kiểm soát cũng nằm trong số 10 ngân hàng hàng đầu với số nợ tổng cộng 127 tỷ nhân dân tệ (19,6 tỷ USD) tính đến ngày 30/6 năm ngoái.
Kể từ đó, các ngân hàng đã cắt giảm tỷ lệ tài chính của họ, mặc dù không có ngân hàng nào công bố công khai số liệu.
Cho đến nay, nhà chức trách chỉ triệu tập các giám đốc điều hành của Evergrande và yêu cầu họ phải nhanh chóng cắt nợ. Chính phủ nước này vẫn chưa tiết lộ kế hoạch cho một gói cứu trợ hoặc một giải pháp.
Nhà phân tích Judy Zhang của Citigroup cho biết: "Chúng tôi tin rằng các cơ quan quản lý có thể câu giờ để xử lý các khoản nợ của Evergrande bằng cách yêu cầu các ngân hàng không rút tín dụng và kéo dài thời hạn trả lãi. Trong thời gian đó, Evergrande sẽ thanh lý các tài sản tốt, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược như các công ty nhà nước và tìm kiếm cơ cấu lại nợ, với mức lỗ cuối cùng sẽ được chia cho toàn hệ thống và các tổ chức tài chính, nhà đầu tư".
Citigroup ước tính rằng số dư nợ cho vay và trái phiếu của Evergrande chỉ tương đương 0,3% tài sản của hệ thống ngân hàng, nhưng một khoản nợ phá vỡ khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà phát triển khác sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Họ ước tính 40,7% tài sản của các ngân hàng Trung Quốc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản và bất kỳ sự sụt giảm nào về giá bất động sản có thể dẫn đến tác động xấu đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Nghiên cứu của Citigroup đã tính toán rằng 17 ngân hàng Trung Quốc có 675 tỷ nhân dân tệ tiếp xúc với các nhà phát triển rủi ro - bằng 4,8% vốn cấp 1 của họ, đây là thước đo năng lực của một ngân hàng trong việc hấp thụ các khoản lỗ trong tương lai. Theo ước tính của Citigroup, Ngân hàng Minsheng, Ngân hàng Ping An và Ngân hàng Everbright là những ngân hàng bị ‘phơi nhiễm’ nhiều nhất, lần lượt bằng 27,1%, 12% và 9,2% của vốn cấp 1 năm 2020.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu các ngân hàng Trung Quốc đã đủ thận trọng trong việc chuẩn bị cho việc tăng vọt các khoản nợ xấu hay chưa. Các ngân hàng thương mại đã trích lập 5,4 nghìn tỷ nhân dân tệ dự phòng rủi ro cho vay vào cuối ngày 30/6, tăng 174,6 tỷ nhân dân tệ so với quý trước. Điều đó đã đưa tỷ lệ bao phủ dự phòng - tức là các khoản dự phòng so với mức nợ xấu hiện tại - lên 193%, tăng 6 điểm phần trăm, theo số liệu quy định.
Một bài kiểm tra độ nhạy cảm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được công bố vào đầu tháng này chỉ ra rằng nếu tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản cho vay phát triển bất động sản đã tăng 15 điểm phần trăm và đối với các khoản thế chấp thì tăng 10 điểm, với tỷ lệ an toàn vốn trung bình của 4.015 ngân hàng được đánh giá sẽ giảm từ 14,4% xuống 12,3%, mà S&P mô tả là "không phải là một cú sốc nhỏ".
S&P Global nói: "Một sự thất bại của Evergrande sẽ không làm mất ổn định hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu một sự kiện như vậy liên đới tới một số nhà phát triển lớn có đòn bẩy tài chính cao hơn, thì nó có thể trở thành một tình huống đầy thách thức".
Theo Thanh Trần/Nhà đầu
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-chu-no-hang-dau-cua-evergrande-la-ai-a152220.html